26/07/2021 14:08 GMT+7

Bão lũ càn quét nhiều khu vực châu Á

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Vừa đối phó với mưa lớn tại tỉnh Hà Nam khiến ít nhất 63 người thiệt mạng, Trung Quốc tiếp tục đón cơn bão thứ 6 trong năm nay. Bão In-Fa đã đổ bộ ở tỉnh Chiết Giang và dự kiến gây mưa rất lớn trong nhiều ngày ở nhiều tỉnh nước này.

Bão lũ càn quét nhiều khu vực châu Á - Ảnh 1.

Người đàn ông kéo theo hành lý bước trong mưa do bão In-Fa gây ra ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 25-7 - Ảnh: Reuters

Trước khi vào Trung Quốc, bão In-Fa đã gây mưa to gió lớn, lở đất, lũ lụt... ở Philippines. Tác động của bão In-Fa có thể cảm nhận từ sáng 25-7, trước thời điểm bão đổ bộ. Tại Thượng Hải, đô thị với 26 triệu dân chứng kiến các trận gió giật mạnh và mưa liên hồi dù không quá lớn.

Chiết Giang nâng mức báo động

Lúc 11h30 ngày 25-7 (giờ Việt Nam), bão In-Fa đổ bộ vào địa phận quận Phổ Đà, thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, thuộc miền đông Trung Quốc.

Theo Tân Hoa xã, trung tâm khí tượng cho biết sức gió tại tâm bão lên tới 38 mét/giây (tương đương 137km/h). Trên đất liền, bão In-Fa di chuyển chậm, với vận tốc 15km/h về hướng bắc dọc theo bờ biển Chiết Giang từ khoảng giữa trưa, đi qua Thượng Hải và đến tỉnh Giang Tô ở đông bắc vào buổi tối.

Tỉnh Chiết Giang đã nâng mức báo động ứng phó với bão In-Fa lên mức cao nhất trong ngày 24-7 với các biện pháp như đóng cửa trường học, chợ, cho phép đình chỉ giao thông đường bộ ở một số nơi.

Thượng Hải và Hàng Châu đã hủy các chuyến bay đến và đi hai nơi này. Nhiều dịch vụ xe lửa, tàu điện ngầm cũng bị tạm dừng hoặc cắt bớt chuyến.

Trung tâm Khí tượng Trung Quốc ngày 25-7 cảnh báo: "Cần hết sức cảnh giác và đề phòng những thảm họa có thể gây ra do lượng mưa cực lớn từ bão In-Fa". Các địa phương gồm Chiết Giang, Giang Tô, An Huy và Thượng Hải dự báo có mưa lớn.

Bão In-Fa cũng đã gây mưa to ở Philippines, nơi cơn bão này có tên là Fabian. Tại Philippines, ngày 24-7 chính quyền các địa phương đã cho sơ tán hàng ngàn người ở thủ đô Manila ra khỏi các khu vực trũng thấp do mưa lớn gây ngập lụt ở đây và các tỉnh lân cận. 

Khoảng 1.000 cảnh sát được bố trí cho các nhiệm vụ cứu hộ, người dân phải sơ tán do thời tiết cực đoan trên đảo Luzon. Theo báo Phil Star, chỉ có một người chết và một người bị thương vì cây đổ do bão In-Fa.

Giải pháp về khí hậu

Có rất nhiều yếu tố góp phần tạo nên thời tiết cực đoan. Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu làm khí quyển ấm lên khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to, bão lớn xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng trên toàn cầu.

Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam, Đức hồi tháng 4-2021 cảnh báo biến đổi khí hậu đang làm gió mùa hoạt động mạnh hơn, gây ra các tác động tiêu cực hơn tới người dân toàn cầu.

Cùng thống nhất với nghiên cứu này là nghiên cứu của Đại học Brown, Mỹ với kết luận mưa sẽ nhiều hơn, lớn hơn ở Nam Á trong mùa mưa do lượng khí CO2 tăng. 

Theo mô hình của các nhà khoa học, khi Trái đất ấm lên, hơi nước trong khí quyển sẽ nhiều hơn, ở những nơi nào vốn đã có nhiều mưa giờ đây sẽ có mưa nhiều hơn nữa.

Điển hình cho tác động này là mùa mưa tháng 7 tại Ấn Độ. Dự báo sớm cho thấy toàn bộ vùng Nam Á sẽ nhận được lượng mưa từ trung bình đến trên trung bình trong năm nay. 

Theo Hãng tin AFP, trong những ngày gần đây mưa lớn dữ dội đã càn quét bờ biển phía tây của Ấn Độ làm ít nhất 125 người chết do mưa lũ. Các nhóm cứu hộ của quân đội Ấn Độ phải vật lộn với lớp bùn dày và rác để tiếp cận hàng chục ngôi nhà bị nước lũ làm cô lập trong điều kiện hết sức khó khăn.

Mưa do gió mùa ở Ấn Độ có đặc điểm là mưa dai dẳng cả ngày đêm trong nhiều ngày liền nên thường kéo theo lũ lớn. 

Năm nay, theo Hãng tin Reuters, nhiều khu vực lượng mưa lên tới 594mm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của hàng trăm ngàn người dân, buộc nhà chức trách phải sơ tán khoảng 90.000 dân khỏi các khu vực thiếu an toàn ở bang Maharashtra.

Tại Trung Quốc, mưa lớn gây lũ lụt trong mùa hè hằng năm đã thành quy luật nhưng lượng mưa kỷ lục trong tuần qua ở Hà Nam và dự báo lượng mưa lớn tương đương do bão In-Fa mang lại, đã đặt ra câu hỏi về khả năng chuẩn bị và sẵn sàng trước các hiện tượng thời tiết cực đoan của các thành phố lớn, cũng như giải pháp nào làm chậm lại sự nóng lên toàn cầu và sự thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguyên nhân của biến đổi khí hậu là do các hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tạo ra phát thải khí CO2 (từ giao thông, sản xuất...) của con người. 

Tuy nhiên, các lãnh đạo thế giới còn khác nhau về quan điểm, giải pháp và hành động trước vấn đề này. 

Việc hội nghị bộ trưởng môi trường, khí hậu và năng lượng của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra tại Napoli (Ý) ngày 22 và 23-7 không thể thống nhất từ ngữ của các cam kết chính về biến đổi khí hậu trong thông cáo cuối cùng là ví dụ mới nhất.

85% G20 đang tạo ra 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới nhưng cũng chiếm tới 85% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 - 2oC cần hành động ở tất cả các quốc gia nhưng cam kết của G20 là rất quan trọng để đảm bảo mục tiêu này có cơ hội thành công.

Mưa lũ khiến 56 người chết và thiệt hại 10 tỉ USD, Trung Quốc lại sắp hứng bão Mưa lũ khiến 56 người chết và thiệt hại 10 tỉ USD, Trung Quốc lại sắp hứng bão

TTO - Tại thành phố Trịnh Châu của Trung Quốc, thiệt hại kinh tế trực tiếp do mưa lũ gây ra đã lên tới 65,5 tỉ nhân dân tệ (10,12 tỉ USD). Hiện đã có ít nhất 56 người chết và tỉnh Hà Nam vẫn đang đếm số người thương vong.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên