04/05/2018 19:36 GMT+7

Bảo hộ, phim Việt vẫn không có khán giả thì sao?

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
VŨ VIẾT TUÂN thực hiện

TTO - Chiều 4-5, Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Vương Duy Biên về câu chuyện "giải cứu" phim Việt đang thu hút sự quan tâm của khán giả và những người yêu điện ảnh những ngày qua.

Bảo hộ, phim Việt vẫn không có khán giả thì sao? - Ảnh 1.

Cuộc chiến không cân sức giữa Avengers và 2 phim Việt dịp lễ vừa qua đã một lần nữa xới lên quan điểm có nên 'cứu' phim Việt?

Chia sẻ quan điểm về câu chuyện "giải cứu" phim Việt trước những cơn bão phim nước ngoài đổ bộ hiện nay, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch thẳng thắn nói, phim Việt muốn cạnh tranh được trên sân nhà thì phải tự lực cố gắng vượt lên.

* Bộ phim Avengers: Infinity War mới được công chiếu ở Việt Nam đã tạo nên những kỷ lục doanh thu. Nhưng từ đó cũng xới lại cuộc tranh luận làm sao để "giải cứu" điện ảnh Việt đang thất thế ngay trên "sân nhà". Quan điểm của ông về chuyện này ra sao?

- Thực ra phim Việt chưa hấp dẫn được khán giả có nhiều lý do. Chính sách đầu tư của nước ta với điện ảnh về chiến lược thì tốt, nhưng thực thi vào đời sống thực tế thì không được bao nhiêu.

Tôi ví dụ đơn giản, mấy năm nay còn không có phim nào được nhà nước đặt hàng. Vậy nên, phải làm sao để biến những chiến lược trên giấy thành những điều cụ thể từ đầu tư, quảng bá... phim.

Tôi được biết các phim nước ngoài được đầu tư rất nhiều vào khâu quảng bá, truyền thông. Nhưng vì quan niệm nên việc cấp kinh phí truyền thông cho phim Việt hiện rất ít ỏi. Cho nên phải đổi mới cách đặt hàng làm phim.

Thủ tục đặt hàng phim bây giờ quá rườm rà khiến tư nhân sợ không dám làm nữa. Để nhận được một đồng tiền làm phim của nhà nước phải có biết bao thủ tục đi kèm.

Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là thành công của sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân. Nhưng phim đã chiếu xong từ lâu rồi mà tôi được biết thủ tục sau khi chiếu phim thì đến giờ vẫn chưa xong. Vậy thì còn đơn vị nào dám nhận làm phim đặt hàng nữa?

Thậm chí để duyệt kinh phí đặt hàng một bộ phim đến Bộ Tài Chính cũng duyệt kịch bản thì chắc chỉ ở Việt Nam mới có chuyện này. Nếu vẫn giữ cách đặt hàng, quan niệm với điện ảnh như vậy thì bao giờ phim Việt mới phát triển được.

Tôi nghĩ rằng còn rất lâu nữa phim Việt mới đuổi được với điện ảnh thế giới. Còn bây giờ chưa thể nói đến cạnh tranh giữa phim Việt và phim ngoại. Bởi chúng ta vẫn đang chạy đuổi theo. Nếu cứ quảng bá điện ảnh manh mún mỗi nơi một chút thì rất khó có hiệu quả.

Có thể chỉ nên tập trung đầu tư một vài bộ phim bom tấn. Nếu chúng ta chưa có người giỏi thì mời người nước ngoài giỏi vào làm. Bộ phim ấy sẽ được đầu tư đích đáng, để chiếu khắp thế giới cho hàng triệu người xem, sẽ tốt hơn nhiều lần việc làm phim manh mún. Nhưng tôi chưa thấy được điều đó. Còn cứ với cách làm hiện nay thì điện ảnh trong nước vẫn rất khó phát triển.

Thứ trưởng Vương Duy Biên

* Nhiều người đang rất lo lắng phim Việt thất thế ngay trên sân nhà. Ông có chung lo lắng ấy không?

- Phải nói phim tư nhân ngày càng tốt hơn, bởi họ có điều kiện học hỏi từ nhiều liên hoan phim thế giới. Họ làm phim dựa trên tiêu chí phải thu hút được khán giả, có doanh thu, bán được phim. Vậy nên họ đo lường nhu cầu thị trường, bám sát thị hiếu khán giả.

Nhưng đúng là phim Việt đang thất thế trên sân nhà. So sánh giữa phim nước ngoài nhập về với phim Việt thì rõ ràng phim Việt chất lượng chưa là gì cả. Khán giả vẫn cứ đến xem phim nước ngoài. Chúng ta phải thừa nhận phim Việt chưa thể bằng phim ngoại nhập.

Hơn nữa, các nhà kinh doanh phim khi nhập phim về chiếu đều phải tính toán, đo lường thị trường để ưu tiên chiếu phim ăn khách sao cho bán được vé, có lãi. Đây là bài toán kinh tế. Chứ mỗi ngày chiếu chỉ được vài khán giả thì họ "chết".

Luật điện ảnh dù đã đi vào đời sống nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập, tới đây cần phải sửa đổi. Tôi rất chia sẻ là ngân sách nhà nước dành cho điện ảnh còn khó khăn. Nhưng còn một "lối thoát" là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

* Vậy vì sao bao lâu nay Việt Nam vẫn chưa xây dựng được Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh?

- Nguyên nhân chỉ bởi loanh quanh, vướng mắc thủ tục hành chính từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Ai cũng thấy rằng có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là cần thiết. Nhưng để quỹ hình thành và nguồn thu cho nó thì các bộ, ngành chưa thống nhất được.

Tôi có đề nghị trích một phần doanh thu từ việc chiếu các bộ phim ngoại nhập, đóng số % nhất định vào quỹ. Nhưng đề xuất không được chấp thuận bởi có người phản bác rằng làm như vậy rất phức tạp, vì phải sửa Luật phí và lệ phí.

Khi phim nước ngoài nhập vào mạnh, bán được vé như thế thì chính bản thân điện ảnh trong nước phải cố gắng. Muốn thắng phim ngoại phải vượt họ, phải làm hay hơn, hấp dẫn hơn để các nhà kinh doanh mua phim nội chiếu. Điện ảnh cũng như các lĩnh vực khác, muốn cạnh tranh được với phim ngoại thì chúng ta phải tự vượt lên bằng chất lượng, truyền thông mạnh mẽ.

Thứ trưởng Vương Duy Biên

* Các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... đều thiết lập hàng rào bảo hộ điện ảnh trong nước. Vì sao Việt Nam chưa thiết lập được hàng rào bảo hộ điện ảnh như vậy?

- Một số nước đã xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế bớt việc nhập phim ngoại. Nhưng chính sách bảo hộ này có hai mặt. Nếu có hàng rào bảo hộ mà phim Việt vẫn hạn chế về kỹ thuật, trì trệ, không hay nhưng lại làm chủ thị trường thì sẽ không ổn lắm.

Vào những ngày lễ chúng tôi có quy định các suất chiếu phim Việt ở các rạp. Nên việc quy định số giờ chiếu phim Việt tối thiểu bắt buộc với các cụm rạp là hoàn toàn làm được về mặt hành chính.

Nhưng nếu thiết lập hàng rào bảo hộ nhưng phim Việt vẫn không có người xem, không hấp dẫn khán giả, mỗi suất chiếu chỉ có vài người thì sao?

* Phim Việt đang thua trên sân nhà với khoảng cách rất xa các phim ngoại nhập mà để các nhà làm phim Việt tự vươn lên thì sẽ rất khó, thưa ông?

- Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... thiết lập hàng rào bảo hộ mà kích thích điện ảnh trong nước phát triển, thành công như hôm nay là bởi họ có nhiều tiền để đầu tư. Vậy nên, muốn điện ảnh Việt có sức cạnh tranh thì nhà nước phải đầu tư. 

Còn các chính sách, chiến lược phát triển điện ảnh, từ đào tạo nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh... chúng tôi đều đã nghĩ đến và đề xuất rồi. Nhưng chúng ta chưa có tiền và cấp trên chưa coi trọng đầu tư cho điện ảnh.

Nếu coi phát triển điện ảnh là lĩnh vực đóng góp rất quan trọng vào việc tạo hình ảnh đất nước thì các bộ ngành trung ương phải vào cuộc, chứ không riêng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Nếu chỉ "khoán trắng" cho Bộ, với điều kiện như hiện nay thì làm sao có thể phát triển được?

Nhà nước phải đổi mới tư duy về điện ảnh và đầu tư thực sự. Chứ nếu chỉ mạnh mẽ trên chủ trương, trên giấy thì rất khó. Chưa nước nào có nhiều nghị quyết phát triển văn hoá như nước ta, nhưng thực hiện thì kém.

Thứ trưởng Vương Duy Biên

Không cứu phim Việt, ai sẽ làm phim về phở, áo dài, trống đồng? Không cứu phim Việt, ai sẽ làm phim về phở, áo dài, trống đồng?

TTO - Trước lời kêu gọi ra rạp xem phim Việt mùa lễ của một số nghệ sĩ, nhiều khán giả đã thể hiện ý kiến của mình xoay quanh cuộc chiến không cân sức giữa 100 ngày bên em, Lật mặt 3 và Avengers: Infinity War.

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên