07/03/2020 12:11 GMT+7

Bạo hành trên phim: đau đớn và chân thực

MI LY
MI LY

TTTO - Khó phủ nhận người vợ vẫn là nạn nhân phổ biến của bạo hành trong quan hệ hôn nhân. Phim ảnh góp phần phản ánh bức tranh đời thực và kiếm tìm lối thoát.

Bạo hành trên phim: đau đớn và chân thực - Ảnh 1.

Những đau đớn của nạn nhân bị bạo hành được mô tả sâu sắc trên màn ảnh trong The invisible man - Ảnh: HBO

Phim điện ảnh The invisible man (Kẻ vô hình), phim truyền hình Big little lies (Những lời nói dối tai hại) khắc họa hình ảnh nạn nhân bị bạo hành một cách tàn khốc nhưng cũng đầy sâu sắc và thấu hiểu.

Những phim từ thập niên trước như Sleeping with the enemy (Ngủ với kẻ thù), Blue velvet (Nhung xanh) hay phim kinh dị lừng danh The shining đều là những thước phim chân thực, đắt giá về nạn bạo hành trong gia đình.

Bạo hành trên phim: đau đớn và chân thực - Ảnh 2.

Cảnh phim Sleeping with the enemy

Kiểm soát cơ thể, thao túng tinh thần

Đang gây sốt khi dẫn đầu doanh thu ở Mỹ và Việt Nam, The invisible man được đón nhận vì đây là phim kinh dị tâm lý sâu sắc, không dừng lại ở hù dọa thông thường.

Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh H. G. Wells, kể về Adrian Griffin - nhà khoa học kiêm tỉ phú có khả năng trở nên vô hình.

Thế nhưng thay vì tập trung vào nhân vật có năng lực siêu nhiên này, bộ phim chuyển trọng tâm sang Cecilia (Elisabeth Moss đóng) - người bạn gái kiêm nạn nhân của kẻ vô hình. Nhờ đó, thay vì là một phim mãn nhãn về quái vật, The invisible man trở thành tác phẩm sâu sắc hơn vì khắc họa đậm nét nội tâm của người sống trong ám ảnh bạo hành.

Cecilia bị Adrian kiểm soát thân thể và thao túng tinh thần. Anh ta kiểm soát cách cô ăn mặc, đi lại, trò chuyện. Mọi sự bất tuân đều bị trừng trị bằng bạo lực hoặc đe dọa tính mạng...

Bạo hành trên phim: đau đớn và chân thực - Ảnh 3.

Cảnh phim The invisible man

So với cuốn tiểu thuyết gốc năm 1933, The invisible man khai thác người vô hình từ góc độ hoàn toàn mới, mang bóng dáng của thời đại #MeToo, khi nạn nhân bạo hành dõng dạc lên tiếng.

Tương tự, Big little lies, với diễn xuất tuyệt vời của Nicole Kidman, khắc họa chân dung một nạn nhân bị bạo hành đầy chân thực và cay đắng.

Bạo hành trên phim: đau đớn và chân thực - Ảnh 4.

Cảnh phim Big little lies

Nhân vật Celeste của Kidman vừa yêu và đam mê nhưng cũng vừa sợ hãi, căm phẫn và muốn thoát khỏi chồng - kẻ rất yêu vợ nhưng có bản chất bạo lực, tàn ác. Mỗi xích mích nhỏ giữa họ đều bị biến thành một cuộc tàn sát, tra tấn của người chồng đối với vợ mình, để lại nhiều thương tích và ám ảnh.

Giằng xé nội tâm của người vợ bị bạo hành được Kidman thể hiện xuất sắc: cô vừa muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục, vừa tiếc nuối những ngày tháng hạnh phúc hiếm hoi.

Không dễ gì mô tả thấu đáo tâm lý của nạn nhân mà không phán xét, đổ lỗi hoặc nhìn nhận sai lệch, gây tổn thương hoặc xúc phạm người trong cuộc.

Bạo hành trên phim: đau đớn và chân thực - Ảnh 5.

Những đau đớn của nạn nhân bị bạo hành được được đề cập trong Sleeping with the enemy - Ảnh: 20th Century Fox

Những cảnh phim ám ảnh

Sleeping with the enemy (1991) không phải một phim xuất sắc, nhưng nhân vật của Julia Roberts lại rất đáng nhớ. Đến bây giờ, nhiều khán giả vẫn không quên hình ảnh nhân vật Laura mặc sơmi rộng thùng thình, tóc xõa rũ rượi, thái dương bết máu và ánh mắt thất thần sau khi bị chồng đánh dã man.

"Điều đáng sợ nhất ở bộ phim là những cảnh như thế thường xuyên xảy ra trong đời thực, ở bất cứ đâu", khán giả bình luận. Để thoát khỏi chồng, Laura cũng phải dựng lên một vụ tai nạn để giả chết, cải trang thành người khác và chạy trốn.

Trong The Shining (1980), gia đình bị chia cắt do những hành vi bạo lực của người cha - một kẻ bạo hành loạn trí - trong quá khứ. Mỗi thành viên dường như đều trở nên vô cảm để bảo vệ chính mình, không còn quan tâm và gắn kết với nhau.

Người vợ Wendy là nạn nhân bị bạo hành điển hình: ám ảnh sâu sắc về tinh thần, kiệt quệ về thể trạng, sợ hãi, bất lực.

Bạo hành trên phim: đau đớn và chân thực - Ảnh 6.

Cảnh phim The Shining (1980)

Trong Blue velvet (1986), mối quan hệ bạo hành được nhìn dưới góc độ siêu thực và nhuốm màu bạo dâm: nữ ca sĩ Dorothy bị tên trùm ma túy khống chế tình dục sau khi bắt cóc chồng và con trai.

Bộ phim cũng đẩy sự khắc họa bạo hành lên cực đoan với cảnh Dorothy khỏa thân bước ra đường, cơ thể phủ đầy thương tích. Cảnh phim gây sốc nặng và là tâm điểm tranh cãi một thời.

"Vì cảnh đó, tôi không thể phủ nhận rằng nhân vật của tôi chưa vụn vỡ - nữ diễn viên Isabella Rossellini (đóng vai Dorothy) từng nói với The Huffington Post - Cô ấy vẫn muốn tự bảo vệ mình, tự nhủ phải giữ phẩm cách. Nhưng thực tế trần trụi là cô ấy không còn gì cả".

Đó chính là cảm giác đau đớn của nạn nhân bị bạo hành: bị tước đoạt mọi thứ, hoàn toàn tan nát.

Bạo hành trên phim: đau đớn và chân thực - Ảnh 7.

Những đau đớn của nạn nhân bị bạo hành được được đề cập trong Big little lies - Ảnh: Universal

Lối thoát nào cho nạn nhân?

Trong phim, hầu hết nạn nhân đều rất cố gắng để thoát ra khỏi địa ngục, lập kế hoạch xây dựng lại cuộc đời. Celeste của Big little lies bí mật thuê nhà, lo các thủ tục cần thiết để giành quyền nuôi con sau khi ly dị chồng.

Hầu hết nhân vật đều cần sự giúp đỡ, đồng hành của người thân, bạn bè. Việc phim ảnh phản ánh đúng, đủ và sâu sắc về bạo hành cũng là cách thức tỉnh lương tri xã hội, giúp nạn nhân được cảm thông và có lối thoát.

Nicole Kidman đại diện cho phong trào chống bạo hành phụ nữ Nicole Kidman đại diện cho phong trào chống bạo hành phụ nữ

TT - Quĩ phát triển của LHQ về phụ nữ (UNIFEM) vừa chọn siêu sao điện ảnh Nicole Kidman (ảnh) là người đại diện cho chiến dịch kêu gọi thế giới xóa bỏ bạo hành đối với phụ nữ.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên