08/12/2014 21:00 GMT+7

​Bão Hagupit càng vào sâu càng yếu

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Bão Hagupit đổ bộ vào đảo Xama của Philippines với cường độ cấp 14, cấp 15 rồi di chuyển chậm lại, giảm cường độ. Trong hai ngày qua, bão đã suy yếu nhanh, giảm 3 cấp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu hướng dẫn tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão - Ảnh:T.Phùng

Thông tin này được ông Hoàng Đức Cường - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - cho biết tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) trung ương chiều tối 8-12.

Cụ thể, đến 17g ngày 8-12 bão vẫn ở khu vực miền Trung Philippines, tiệm cận Manila với cường độ cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, bán kính gió mạnh từ cấp 8 trở lên được thu hẹp lại còn 100km thay vì 300-400km như trước đó.

Các trung tâm dự báo khí tượng quốc tế đều dự báo bão đi dịch lên phía bắc một chút rồi dịch sang phía tây đi vào biển Đông từ sáng 9-12. Khi đến giữa biển Đông, bão lệch về phía nam hướng vào vùng biển phía nam của Việt Nam.

Theo ông Hoàng Đức Cường, ngày 11 đến 12-12 sẽ có đợt không khí lạnh cường độ rất mạnh tràn về nước ta. Ngoài gây rét đậm ở miền Bắc, không khí lạnh gây đợt mưa lớn từ Quảng Trị đến Bình Định với lượng mưa từ 100-200mm, trọng tâm mưa sẽ tập trung từ Huế đến Quảng Ngãi.

Ông Cường cho biết khi vào biển Đông, khả năng bão mạnh thêm một ít hay yếu đi là rất ít. Nhiều khả năng bão đi vào biển Đông từ sáng 9-12 với cường độ cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, chủ yếu di chuyển theo hướng tây.

Đến giữa biển Đông (kinh tuyến 144-115) bão đi lệch về hướng tây nam rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hoặc vùng áp thấp gió cấp 6, đi dọc ven biển Nam Trung bộ sau đó vào Nam bộ.

Với phương án này, khu vực từ Ninh Thuận đến Bến Tre sẽ có mưa 50-100mm vì giảm sự tương tác với đợt không khí lạnh tràn về nam biển Đông vào ngày 12-12.

Khả năng thứ hai là bão đi đến kinh tuyến 110, cách đất liền khoảng 100km rồi suy yếu hoặc tan trên biển. Vùng áp thấp do bão suy yếu sẽ đi sát bờ biển xuống phía nam, không ảnh hưởng đất liền. Với khả năng này, mưa do bão gây ra sẽ không nhiều.

Theo báo cáo nhanh của Bộ đội biên phòng đến 16g ngày 8-12, vẫn còn 300 tàu cá với 4.009 người hoạt động ở giữa và nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa). Các tàu này đang trú ở đảo Song Tử Tây hoặc đang trên đường thoát ra vùng nguy hiểm của bão.

Với diễn biến của bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát nhận định bão vào biển Đông dù chỉ còn cấp 8, giật cấp 9 nhưng vẫn đủ sức nhấn chìm tàu cá trên biển nếu rơi vào vùng tâm bão đi qua.

Mặc dù khả năng bão vào bờ còn nhiều phương án khác nhau nhưng ông Phát cảnh báo cần đề phòng bão tàn phá nặng nề như bão Durian vào tháng 12-2006.

Ông Phát yêu cầu từ nay đến ngày 11-12 công việc chính là kêu gọi tàu thuyền trên biển thoát ra vùng nguy hiểm của bão (từ vĩ tuyến 10 đến 17).

Các lực lượng chức năng phải quyết liệt kêu gọi, hướng dẫn từng tàu một ra khỏi vùng nguy hiểm, không bỏ sót, thông tin chính xác cho ngư dân diễn biến bão để trú, tránh. Còn vùng ven biển và dọc bờ biển sẽ có phương án chỉ dẫn tiếp theo căn cứ vào diễn biến của bão.

Sau cuộc họp, Ban chỉ đạo PCLB trung ương đã có công điện chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống cụ thể.

Thống kê của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết từ năm 1972 tới nay có 6 cơn bão vào biển Đông trong tháng 12. Đa số các cơn bão này suy yếu ngay trên biển hoặc khi vào sát bờ, chủ yếu gây mưa 50-150mm. Duy nhất có bão Durian vào tháng 12-2006 khi vào gần bờ thu hẹp phạm vi ảnh hưởng với cường độ gió cấp 9, cấp 10, tác động như lốc xoáy quét dọc đồng bằng sông Cửu Long rồi đi sang biển Tây gây thiệt hại lớn.
TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên