Ông Hồ Quang Lợi, phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, chủ trì tọa đàm - Ảnh: V.V.TUÂN |
Ông Hồ Quang Lợi, phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, cho biết cuộc tọa đàm chọn ba chủ đề y tế, giáo dục, môi trường bởi trong năm vừa qua có nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực này trở thành điểm nóng trên báo chí như vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường, rượu chứa methanol, các vụ việc xâm hại trẻ em…
Dẫn chứng vụ việc “nước mắm nhiễm arsen”, PGS.TS Nguyễn Văn Dững (Học viện Báo chí và tuyên truyền) cho rằng vai trò của nhà báo không chỉ săn tin mà quan trọng hơn là thẩm định nguồn tin và đánh giá thông tin ấy khi công khai trên báo chí thì có tác động như thế nào đến đời sống, sản xuất.
“Tôi cảm giác đang có tình trạng nhiều vụ việc “bị đơ”, khi báo chí phản ánh rất nhiều nhưng các cơ quan chức năng lại không kịp thời vào cuộc để giải quyết”, ông Dững chia sẻ.
Ông đề nghị Hội Nhà báo VN cần có trách nhiệm thúc đẩy các cơ quan chức năng lên tiếng giải quyết các vụ việc mà báo chí phản ánh, vì nếu để rơi vào lãng quên thì sẽ làm mất niềm tin của xã hội.
Ông Lê Quốc Minh, tổng biên tập Vietnamplus, nêu một trong những khó khăn lớn của báo chí hiện nay là doanh thu sụt giảm, nên phải tìm mọi cách “câu khách” để lấy quảng cáo. Từ đó dẫn đến nhiều thông tin sai lệch, thiếu quy trình thẩm định chính xác.
Thậm chí có những thông tin chưa kiểm chứng trên mạng xã hội cũng được nhiều tờ báo đăng lại. Vì thế, báo chí phải có vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay là giữ niềm tin của độc giả.
Ông Trịnh Xuân Quảng, vụ phó Vụ Thi đua khen thưởng và tuyên truyền, Bộ Tài nguyên - môi trường, lại than rằng hiện nay có biết bao gương người tốt, việc tốt, những ứng dụng khoa học mới, người VN làm được bao chuyện vĩ đại… thì báo chí không viết mà thường chỉ tập trung vào những mặt hạn chế, tiêu cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận