Phóng to |
PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Ảnh: Nguyễn Khánh |
VN đã có báo “lá cải”
Có ý kiến cho rằng VN chưa có báo “lá cải”, và có cũng bình thường bởi các nước đều vậy. Báo nào cũng có đối tượng độc giả riêng?
Phải nói thẳng VN đã có báo lá cải, có thông tin “lá cải”, vấn đề có thừa nhận không, và không thừa nhận, theo tôi, là chối bỏ thực tế. Đáng buồn là báo chí, suy cho cùng, cũng sống bằng sự đóng góp của người dân, xã hội, nhưng nhiều tờ báo không lo gì cho dân cả, chỉ vì lợi ích bản thân, làm báo chỉ cốt “câu view”, kiếm quảng cáo, kiếm tiền…
Báo chí châu Á nhiều nước không có tình trạng như thế. Như Nhật Bản, nếu liên quan đến người của công chúng, họ có thể khai thác, nhưng có ranh giới rõ ràng giữa quyền của báo chí và khả năng xâm phạm đời tư, nhân phẩm con người.
Ví dụ việc bác sĩ thẩm mỹ vứt xác bệnh nhân, tôi thấy có báo soi mói, lục bới với văn hóa rất thấp, có thể gây bất hạnh những người vô tội, người đọc cũng rùng mình và như tra tấn công chúng. Phóng viên đến “soi” chuyện vợ con người ta, theo tôi là không được. Ai đó phạm tội, nhưng vợ con người ta, nếu không có tội, không nên vơ vào. Nó có thể ảnh hưởng đến tương lai trẻ em.
Hay vụ chặt đầu người yêu, có báo điện tử treo hình ảnh xác chết của vụ này lên ngay sát tên báo cả tháng trời. Họ có thể nói chúng tôi đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, đưa thông tin đầy đủ, hay nói thông tin mình không phải “lá cải”… Nhưng đến tận nhà, khai thác nỗi đau tột cùng của người mẹ, có đúng không? Hỏi theo hướng moi móc thông tin, khoét sâu nỗi đau, nỗi bất hạnh của người trong cuộc, báo chí có nhân văn không?
Đã có trường hợp do báo chí nêu mà có người phải tự tử. Báo chí phải giúp xã hội phát triển lành mạnh, chứ không phải bới móc, soi mói để đáp ứng thị hiếu của một bộ phận nhỏ người đọc.
* Theo ông, đâu là nguyên nhân sâu xa của tình trạng báo chí ngày càng chạy theo xu hướng câu view?
Có báo “lá cải”, theo tôi, bởi nhiều lý do. Trong đó, có lý do bản thân tờ báo đó thiếu văn hóa nghề và thừa tính không chuyên nghiệp, không có khả năng được bạn đọc lựa chọn nếu làm báo nghiêm túc. Họ đã xin được cho tờ báo ra đời thì phải tìm mọi cách để “sống”, vơ bèo vạt tép.
Ngoài ra, theo tôi, có lý do cơ quan quản lý “quản” chưa chặt, chưa xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm tôn chỉ mục đích và nguyên tắc tính nhân văn của báo chí. Chúng ta có giám sát, thẩm định thông tin, nhưng thẩm định không xuể, và có thể đã biết, nhưng chưa xử lý, mới nhắc nhở là chính.
Nền báo chí VN nhìn bề ngoài thì rất “oách”. Chúng ta hiện có tới 852 cơ quan báo chí, khoảng 1.500 sản phẩm báo. Báo chí VN, theo tôi, đang có xu hướng ngược báo chí thế giới. Báo thế giới trong quá trình định vị lại vai trò trong cạnh tranh, nhiều báo in phải giải tán. Nhưng VN đầu báo thì lại tăng lên, năm nào cũng tăng. Đây không phải đáng mừng, mà đáng lo. Bởi nhiều báo ra không phải vì đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc, mà tiêu vào tiền thuế của dân, hoặc có mục đích đi “bon chen”, “xin xỏ” để sống. Và khi đã ra rồi, họ phải tìm mọi cách để tồn tại… Đây là nguyên nhân sâu xa.
* Thông tin giật gân dần trở nên bình thường, và nhiều người làm báo không còn thấy đó là “lá cải” nữa. Đây có phải là nguy cơ?
- Tôi cho đó là nguy cơ. Công chúng nào báo chí ấy. Nhiều cái xấu diễn ra nhiều ở VN nhưng không được chấn chỉnh, khiến người ta dần quen, như chuyện cướp hoa, cướp thức ăn ở nhà hàng khuyến mãi, chen lấn, chửi bậy, đánh nhau… Thông tin giật gân dần thành quen. Nhưng báo chí lại có vai trò giáo dục và định hướng xã hội, nên báo chí nếu không chấn chỉnh, không loại trừ sẽ có trách nhiệm với sự lan tỏa hành vi tiêu cực, vi phạm đạo đức xã hội…
Cần siết lại quản lý
* Báo “lá cải” ở VN vẫn có người đọc, vậy cơ chế quản lý nên như thế nào?
- Không phải tất cả mọi nhu cầu đều cần phải đáp ứng. Theo tôi, VN có 852 cơ quan báo chí là quá nhiều. Thông tin trùng lặp, nhiều báo không tự sống được, chứng tỏ người đọc ít, hiệu quả xã hội thấp. Thậm chí nhiều báo là “đồ trang sức” cho một số cơ quan.
Nền báo chí VN đang cần tái cơ cấu. Hiện tại, theo tôi trước hết, cần rà soát lại tôn chỉ, mục đích các tờ báo, trang báo mạng, báo nào theo xu hướng giật gân, câu khách nên đóng cửa. Trung Quốc năm 2003 đóng một lúc gần 700 tờ báo.
Quá nhiều tờ báo, trong đó rất nhiều tờ “không sống được” bằng phát hành đang ảnh hưởng đến hình ảnh của báo chí VN. Báo nào cần phải bao cấp thì phải bao cấp đàng hoàng, còn lại phải siết về kinh tế, bản quyền. Cũng nên hạn chế cấp mới giấy phép báo chí. Tạo nền báo chí chuyên nghiệp, có tính văn hóa cao và phản biện tốt sẽ có lợi cho dân.
* Chỉ có thể có môi trường báo chí lành mạnh nếu có biện pháp quản lý hiệu quả?
- Tại giảng đường đại học, chúng tôi đã có học phần về pháp luật và đạo đức báo chí, nêu chuẩn mực, cách ứng xử... Nhưng các em ra ngoài, phải xin việc, có việc phải đáp ứng yêu cầu cơ quan báo chí. Nên theo tôi, nền báo chí thế nào, quan trọng nhất là quản lý. Nếu cơ quan nào vi phạm đạo đức nghề nghiệp, giật gân câu khách, vi phạm chuẩn mực xã hội thì phải bị xử lý nghiêm. Tờ nào như thế chúng ta đều biết, vấn đề là ứng xử thế nào thôi…
Những nhà báo, theo tôi, trước tiên phải là nhà văn hóa. Người làm báo giống người đi chợ, trong tình hình an toàn thực phẩm rất nhiều thứ độc hại thì phải biết lựa chọn “món ăn” cho mình, cho công chúng. Nếu có báo chí “lá cải”, cần xem lại cơ quan chủ quản có “lá cải” không. Đã đến lúc phải xem xét nghiêm túc. Chính không nghiêm túc đã tạo nên xu hướng báo chí “lá cải”. Cần cảnh báo xu hướng “chạy” sinh ra tờ báo với mục đích kinh tế, “kiếm ăn” là chính - PGS.TS Nguyễn Văn Dững. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Không ai phạt nên cứ câu viewCó view mới có quảng cáo, nhưng...Vợ chồng “câu view”Thảm họa "câu view"“Like” không cứu nổi mạng người
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận