01/11/2022 17:38 GMT+7

Báo cáo tài chính quý 3-2022 của các ngân hàng

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Bức tranh kinh doanh nhiều ngân hàng lớn vừa được hé lộ qua báo cáo tài chính quý 3-2022, nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng mạnh.

Báo cáo tài chính quý 3-2022 của các ngân hàng - Ảnh 1.

Tỉ lệ hình thành nợ xấu được dự báo tăng trong nửa cuối năm 2022 tại các ngân hàng - Ảnh: B.MAI

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán CTG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2022, ghi nhận khoản lãi ròng sau thuế gần 3.320 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kết ba quý đầu năm, VietinBank lãi ròng sau thuế gần 12.700 tỉ đồng (+13%).

Về chất lượng nợ cho vay, nhóm nợ đủ tiêu chuẩn vẫn chiếm tỉ trọng cao, chiếm 97% (hơn 1,2 triệu tỉ đồng) trong tổng cơ cấu. 

Tuy nhiên, tổng dư nợ xấu nội bảng ở VietinBank đã tăng 23% trong 9 tháng đầu năm, lên mức 17.650 tỉ đồng, đưa tỉ lệ nợ xấu từ 1,3% lên 1,4%. 

Với diễn biến trên, VietinBank đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên hơn 39.000 tỉ đồng (+52%), đưa tỉ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 220%.

Khối tài sản của VietinBank tính đến cuối quý 3 tăng 14% so với đầu năm, lên hơn 1,75 triệu tỉ đồng.

Báo cáo tài chính quý 3-2022 của các ngân hàng - Ảnh 2.

Nhóm nợ 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở VietinBank tăng mạnh - Nguồn: BCTC

Đối với Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB), trong quý 3-2022 mang về gần 6.070 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng khoảng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 19.980 tỉ đồng. 

Tổng nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng 47% so với đầu năm, với hơn 9.000 tỉ đồng. Điều này cũng khiến tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,64% hồi đầu năm lên 0,8%, dù vậy đây cũng là tỉ lệ thấp so với nhiều ngân hàng khác. 

Tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu ở ngân hàng này đạt 402%, giảm so với hồi giữa năm nay, song vẫn cao nhất trong các ngân hàng thương mại. 

Tại cuối kỳ báo cáo, tổng tài sản của Vietcombank đạt gần 1,65 triệu tỉ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán BID) cũng vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3-2022, với khoản lợi nhuận sau thuế tăng hơn 152% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 5.350 tỉ đồng.

Tính chung ba quý đầu năm, ngân hàng thu về hơn 14.190 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tổng nợ xấu của BIDV tại ngày cuối quý 3 vừa qua đã tăng 49% so với đầu năm lên 20.125 tỉ đồng. Điều này cũng đẩy tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của ngân hàng này tăng từ 1% đầu năm lên 1,35%.

Tính đến cuối quý 3, BIDV đã trích lập hơn 19.260 tỉ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 17% so với đầu năm.

Quy mô tổng tài sản của ngân hàng này tăng 16% so với đầu năm, lên mức hơn 2 triệu tỉ đồng.

Bất chấp thị trường gặp không ít thách thức, song nhìn chung trong 9 tháng đầu năm 2022 đa số các ngân hàng đều đạt được lợi nhuận tốt, nhiều bên còn có mức tăng trưởng tới 50% so với cùng kỳ năm trước.

Trong ba quý đầu năm 2022 có tới 7 ngân hàng lọt vào "câu lạc bộ" lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỉ đồng gồm: Vietcombank (24.940 tỉ đồng), Techcombank (20.800 tỉ đồng), VPBank (19.840 tỉ đồng), MBBank (18.190 tỉ đồng), BIDV (17.680 tỉ đồng), VietinBank (15.760 tỉ đồng) và ACB (13.500 tỉ đồng).

Theo báo cáo về ngành ngân hàng được công bố gần đây, đội ngũ phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho biết mặc dù tỉ lệ hình thành nợ xấu được dự báo tăng trong nửa cuối năm 2022 do các khoản vay tái cơ cấu hết thời hạn cơ cấu, song các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng có thể vẫn được kiểm soát.

Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, gây tổn thất nặng cho nhiều doanh nghiệp, rủi ro nợ xấu đã được dự báo từ trước. Năm nay nền kinh tế toàn cầu còn bị áp lực bởi lạm phát.

Tuy nhiên, đội ngũ phân tích của Chứng khoán VNDirect nhận định: "Các ngân hàng Việt Nam có thể vượt qua mọi rủi ro về chất lượng tài sản nhờ vào bộ đệm dự phòng lớn". Chưa kể các ngân hàng cũng kiểm soát chặt chẽ khi giải ngân vào phân khúc bất động sản. Theo VNDirect, việc bán tháo ồ ạt vừa qua đã đưa định giá của các ngân hàng về mức rất hấp dẫn.


Tăng lãi suất ngân hàng: Mức 11% chỉ trong 3 tháng Tăng lãi suất ngân hàng: Mức 11% chỉ trong 3 tháng

TTO - Lãi suất huy động được các ngân hàng liên tiếp điều chỉnh trong vòng một tuần qua, mức cao nhất hiện lên 11%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này không được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên