07/06/2015 09:35 GMT+7

​Bangkok sắp có sân bay thương mại thứ 3

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Sân bay U-Tapao ở Thái Lan sắp trở thành sân bay thương mại thứ ba phục vụ cho Bangkok, trong khi các sân bay khác ở Đông Nam Á cũng đang rục rịch mở rộng, nâng cấp trong bối cảnh nhu cầu đi lại ngày càng tăng.

Sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) hiện đang quá tải so với khả năng tiếp nhận hành khách được thiết kế ban đầu - Ảnh: AFP

Bộ Giao thông Thái Lan và hải quân nước này hôm 3-6 đã ký một thỏa thuận nâng cấp sân bay quân sự U-Tapao ở tỉnh Rayong thành sân bay thương mại phục vụ cho Bangkok nhằm giải tỏa bớt lưu lượng máy bay lên xuống ở thủ đô trong năm tới.

Theo thỏa thuận này, sân bay U-Tapao sẽ phục vụ cả các hoạt động an ninh và các chuyến bay thương mại từ ngày 1-6-2016.

Giải quyết quá tải

Theo Bangkok Post, trong năm tới U-Tapao sẽ có nhà ga hành khách mới trị giá khoảng 200 triệu baht (tương đương 5,9 triệu USD). Hải quân Thái Lan sẽ xin 800 triệu baht (23,6 triệu USD) từ chính phủ để chi cho các cơ sở hạ tầng liên quan.

Nhà ga mới cùng với nhà ga hiện tại sẽ nâng khả năng phục vụ hành khách của sân bay từ 800.000 lên 3 triệu lượt khách mỗi năm. Từ năm 2018 đến 2020, sân bay này dự kiến phục vụ 5 triệu lượt khách mỗi năm.

Bộ trưởng giao thông Thái Lan Prajin Juntong cho biết: “Sự đông đúc tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) yêu cầu nâng cấp khẩn trương sân bay U-Tapao để có thể tiếp nhận nhiều chuyến bay hơn. Các hãng hàng không sẽ được mời sử dụng sân bay U-Tapao”.

Ông nói thêm sân bay Suvarnabhumi trong thời gian tới cũng sẽ được nâng cấp. Hải quân Thái Lan sẽ chịu trách nhiệm điều khiển không lưu và dịch vụ mặt đất. Hãng Hàng không quốc gia Thái Lan (Thai Airways) sẽ hỗ trợ khi có yêu cầu.

Song song đó, Bộ Giao thông Thái Lan cũng sẽ cải thiện hệ thống giao thông nối U-Tapao với hai sân bay còn lại của Bangkok là Suvarnabhumi và Don Muang.

Theo Reuters, hiện sân bay U-Tapao mới chỉ khai thác một số chuyến bay thương mại, hầu hết là các chuyến bay dạng thuê chuyến từ Trung Quốc và Nga. Sân bay này cách trung tâm Bangkok 140km về phía đông nam và cách thành phố du lịch Pattaya chừng 40km.

Theo số liệu của Tổng công ty Sân bay Thái Lan (AOT), sân bay Suvarnabhumi phục vụ hơn 46 triệu lượt khách trong năm 2014, dù được thiết kế để phục vụ chỉ 45 triệu lượt khách mỗi năm. Trong khi đó, sân bay Don Muang cũng của Bangkok phục vụ hơn 21 triệu lượt khách trong năm ngoái.

Đi trước nhu cầu

Theo Bangkok Post, hiện Thái Lan đang có kế hoạch nâng cấp, mở rộng sân bay Suvarnabhumi. Theo đó, Thái Lan sẽ xây thêm nhà ga hành khách thứ hai cho Suvarnabhumi và đường băng thứ ba cho sân bay này.

Ban đầu, AOT dự kiến khởi công công trình này trong năm sau nhưng gần đây đã bị hoãn lại sang năm 2018 và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Trong khi đó, như Nikkei cho biết, các sân bay lớn ở Đông Nam Á cũng đang chạy đua nâng cấp, mở rộng để không chỉ phục vụ nhu cầu hành khách ngày càng tăng mà còn để giành vị trí cửa ngõ hàng không hàng đầu khu vực.

Tại Singapore, vào năm 2017, nhà ga hành khách số 4 (T4) của sân bay Changi sẽ chính thức mở cửa. Trong khi T4 còn chưa hoàn thành thì Singapore công bố kế hoạch xây thêm nhà ga T5. Đây được coi là một trong những nhà ga hành khách lớn nhất khi nó hoàn thành.

Theo Business Traveller, T5 còn lớn hơn cả các nhà ga T1, T2, T3 hiện nay gộp lại và có công suất phục vụ tới 50 triệu lượt khách/năm.

Tiềm năng của T5 có thể phục vụ tối đa 70 triệu lượt khách. Trong năm ngoái, như Straits Times cho biết, sân bay Changi (Singapore) phục vụ con số kỷ lục là 54,1 triệu lượt hành khách.

Việc nâng cấp và mở rộng sân bay một cách nhanh chóng của Singapore diễn ra trong bối cảnh lượng khách quốc tế đến đảo quốc này giảm 3,1% xuống còn 15,1 triệu lượt trong năm 2014. Đây là sự sụt giảm đầu tiên về số khách đến Singapore kể từ năm 2009.

Tuy nhiên, theo CNBC, việc mở rộng Changi ít nhất nhằm giữ cho sân bay này ở vị thế hàng đầu thế giới. Changi liên tục được xếp hạng là sân bay tốt nhất thế giới trong nhiều cuộc thăm dò.

Biên tập viên về sân bay của IHS Jane’s Ben Vogel cho rằng Singapore đang muốn đi trước thời thế bằng cách xây cơ sở hạ tầng vượt trước nhu cầu. Ông dẫn ra số liệu dự báo đi lại bằng máy bay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2031.

Ông Vogel cũng nói thêm rằng các cửa ngõ hàng không của Đông Nam Á ở Bangkok và Jakarta (Indonesia) đang mệt mỏi vì không thể đáp ứng kịp số hành khách ngày càng tăng. “Rõ ràng Singapore không muốn viễn cảnh này xảy ra” - ông nói.

Chuyên gia Jonathan Galaviz thuộc Công ty tư vấn Global Market Advisors cho rằng việc mở rộng sân bay Changi không chỉ để hành khách thoải mái hơn và đỡ phải xếp hàng lâu hơn mà còn vì lý do kinh tế trong bối cảnh Singapore đang đối mặt với sự cạnh tranh từ các sân bay lớn ở Trung Đông.

Theo CNBC, năm 2013 Changi đã “ngậm đắng nuốt cay” khi nhìn Hãng Qantas của Úc dời điểm trung chuyển cho đường bay đi châu Âu từ Singapore sang Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất).

“Xét về lý thuyết, khả năng phục vụ hành khách càng cao thì Singapore sẽ là cửa ngõ của càng nhiều hãng hàng không lớn bên cạnh Singapore Airlines” - ông Galaviz nói.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên