Băng ở phía đông Nam Cực đang tan chảy với tốc độ ngày càng cao - Ảnh: SCIENCE
Theo tạp chí khoa học Science, băng ở Nam Cực tan chảy là nguyên nhân chính khiến nước biển dâng cao 13,8mm trong hơn 40 năm vừa qua.
Trước đây các nhà khoa học cho rằng băng tan tập trung chủ yếu ở khu vực phía tây Nam Cực - nơi lớp băng nằm sâu dưới mực nước biển bị những dòng biển ấm do biến đổi khí hậu chuyển động bên dưới bào mòn.
Ngược lại, lớp băng phía đông chủ yếu nằm trên mực nước biển và ở khu vực rất lạnh nên từ lâu được xem là "an toàn" trước dòng biển ấm và gần như "cách ly" khỏi tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện một thông tin bất ngờ.
Eric Rignot - nhà môi trường học từ ĐH California (Mỹ), cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã tìm hiểu hình ảnh và số liệu về hình dạng, kích thước lớp băng cùng lượng tuyết rơi hằng năm, qua đó tính toán được lượng băng tăng thêm và mất đi trong vòng 40 năm.
Nghiên cứu có thể sẽ giúp thế giới có thêm những góc nhìn khác về băng tan và biến đổi khí hậu - Ảnh: SCIENCE
Theo đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong tổng số 13,8mm nước biển dâng, phần băng phía đông Nam Cực góp đến 30%, tức "xả" ra biển hơn 5 tỉ tấn băng mỗi năm. Ngoài ra, tốc độ tan chảy luôn nhích lên theo từng năm.
Ông Rignot cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do gió đông cực ngày càng hoạt động mạnh và phức tạp ở khu vực này, dẫn tới việc dịch chuyển về phía đông của dòng biển ấm làm tan băng.
Trong tương lai, nghiên cứu có thể sẽ đánh động thế giới về biến đổi khí hậu, tuy nhiên nhiều nhà môi trường học cho rằng cần thêm thời gian và thông tin để kiểm chứng kết quả có chính xác hay không.
"Nếu đúng, nghiên cứu sẽ thay đổi cách con người và các quốc gia ứng phó với nước biển dâng trong thế kỷ này", ông Michael Oppenheinmer - chuyên gia môi trường từ ĐH Princeton (Mỹ), người không tham gia nhóm nghiên cứu, cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận