06/10/2014 09:17 GMT+7

​Bán vũ khí là công cụ đối ngoại của Mỹ

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Khác với các thời kỳ trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama coi xuất khẩu vũ khí là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Washington.

Mỹ đang chào bán máy bay chiến đấu siêu hiện đại F-35 cho nhiều quốc gia châu Á để phục vụ chiến lược tái cân bằng - Ảnh: Lockheed Martin

Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, chính quyền Tổng thống Obama đánh giá việc đảm bảo nguồn cung vũ khí cho các nước đồng minh và đối tác trên toàn thế giới là cách thức hiệu quả để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích an ninh Mỹ.

Trong quá khứ, quan điểm khác biệt về nhân quyền luôn là rào cản Washington bán vũ khí cho nhiều quốc gia. Các quan chức Washington tiết lộ sự thay đổi đến ngay sau khi ông Obama bước vào Nhà Trắng.

Một ví dụ điển hình là năm 2011 Mỹ công bố hợp đồng bán máy bay chiến đấu, đạn dược, phụ tùng và dịch vụ hỗ trợ trị giá 30 tỉ USD cho Saudi Arabia.

Trước đây nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ hẳn đã phản đối kịch liệt việc bán vũ khí cho một quốc gia mà Washington đánh giá là “có chính sách xã hội bảo thủ”. Nhưng các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh đây là một “giải pháp thực tế” để đáp ứng nhu cầu an ninh Trung Đông.

Vũ khí ảnh hưởng đến cân bằng khu vực

Trong những năm qua, Mỹ bắt đầu rút dần lực lượng ra khỏi khu vực Trung Đông, tuy nhiên Washington xác định Iran với quân đội hùng mạnh và chương trình hạt nhân gây tranh cãi là một mối đe dọa đáng kể.

Do đó, Mỹ quyết định cung cấp các loại vũ khí hùng mạnh cho một số nước vùng Vịnh. Sau Saudi Arabia, Washington bắt đầu bán máy bay chiến đấu F-16 của Hãng Lockheed Martin cho Iraq.

Nhà xuất khẩu vũ khí số 1 thế giới

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong giai đoạn 2001-2012 Mỹ là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, tiếp theo là Nga. Năm 2011 Mỹ ký các hợp đồng bán vũ khí với giá trị lên đến 66,3 tỉ USD. Năm 2012 con số này vào khoảng 63 tỉ USD. Giới quan sát nhận định doanh số bán vũ khí của Mỹ sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao trong vài năm tới.

Với việc không quân Saudi Arabia được hiện đại hóa và UAE sở hữu hàng chục máy bay F-16, các nước vùng Vịnh có thừa sức mạnh phòng không đối phó với máy bay Iran.

Đó chỉ là sự khởi đầu. Cuối năm 2011, chính quyền Obama tuyên bố UAE sẽ chi 3,5 tỉ USD để mua hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD do Lockheed Martin phát triển.

Đây là hệ thống có khả năng đánh chặn bất kỳ tên lửa nào của Iran. Mỹ cũng cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho các nước khu vực Trung Đông.

Có tin đồn Saudi Arabia đang rất quan tâm tới hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển Aegis của Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết Mỹ rất cẩn trọng, không muốn việc bán vũ khí cho các nước vùng Vịnh ảnh hưởng tới sức mạnh phòng vệ của Israel.

Các máy bay F-15 và F-16 đủ sức đối phó với chiến đấu cơ Iran, nhưng thiếu công nghệ tàng hình để xuyên thủng được hệ thống phòng không của Israel.

Đến nay ở Trung Đông chỉ có Israel và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nước được phép đặt hàng mua loại chiến đấu cơ siêu hiện đại F-35 Lightning do Lockheed Martin sản xuất.

Ở Đông Á, chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên là một mục tiêu của hoạt động xuất khẩu vũ khí Mỹ.

Cả Nhật và Hàn Quốc đều đã đặt mua hơn 40 chiếc F-35. Hệ thống rađa phòng không của CHDCND Triều Tiên hoàn toàn không đủ khả năng theo dõi loại máy bay này.

Chính phủ Mỹ cũng đề nghị bán máy bay tuần tra không người lái Global Hawk của Hãng Northrop Grumman cho Hàn Quốc theo hợp đồng trị giá 1,2 tỉ USD.

Máy bay Global Hawk có cảm biến cực nhạy, có khả năng quét các vùng diện tích lớn trong đêm. Nó sẽ giúp quân đội Hàn Quốc giám sát hiệu quả hơn khu vực biên giới với CHDCND Triều Tiên.

Cả Hàn Quốc và Nhật đều đã có tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis để đối phó với nguy cơ tên lửa CHDCND Triều Tiên tấn công.

Hỗ trợ chiến lược “tái cân bằng”

Các nhà quan sát cho biết Mỹ tăng cường bán vũ khí hiện đại cho các nước châu Á không chỉ để đối phó với CHDCND Triều Tiên, mà còn nhằm hỗ trợ chiến lược “tái cân bằng lực lượng” của Washington tại khu vực trong thời điểm Trung Quốc đang trỗi dậy và tăng cường ảnh hưởng.

Mỹ ủng hộ Nhật tăng cường vai trò quân sự trong khu vực để giảm bớt gánh nặng cho Washington. Theo kế hoạch, Nhật sẽ chi 49 tỉ USD cho quốc phòng tính đến tháng 3-2015.

Không chỉ chờ đợi máy bay F-35 từ Mỹ vào năm 2018, Tokyo sẽ còn mua thêm tàu sân bay trực thăng, máy bay tuần tra không người lái, tàu đổ bộ... Nhật hiện đang xem xét mua ba máy bay Global Hawk từ Mỹ vào năm 2015 để giám sát các đảo xa.

Đô đốc hải quân Mỹ Samuel Locklear cũng tiết lộ Bộ Quốc phòng Mỹ muốn tăng cường năng lực tình báo và giám sát tại châu Á - Thái Bình Dương bằng các hệ thống không người lái. “Đó là cách để ngăn chặn các vụ tai nạn, hiểu nhầm trong khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp tác vùng” - đô đốc Locklear nhấn mạnh.

Cũng nhằm phục vụ sứ mệnh hỗ trợ chiến lược “tái cân bằng”, Mỹ đang chào bán máy bay F-35 cho Singapore. Để tăng cường quan hệ quân sự với Ấn Độ, Mỹ đã bán cho nước này 1,9 tỉ USD vũ khí trong năm 2013, vượt xa mức nhỏ nhoi 237 triệu USD của năm 2009.

Dự kiến các con số này tiếp tục gia tăng sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Mỹ vừa qua.

Ngoài ra, Mỹ cũng rất chú trọng đến việc đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực.

Theo thỏa thuận ký kết hồi tháng 4, Mỹ sẽ tăng cường bán thiết bị quân sự để đảm bảo an ninh hàng hải cho Philippines. Washington có thể sẽ bán cho Manila máy bay tuần tra P-8A của Boeing, tên lửa SM-3 và tàu chiến cỡ nhỏ do Lockheed Martin sản xuất. Máy bay trực thăng UH-60 Black Hawk cũng nằm trong danh sách mua sắm của Chính phủ Philippines.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên