23/02/2018 17:31 GMT+7

Bàn tròn đầu xuân: Làm mới vì sự phát triển của đồng bằng

T.Trình - M. Trường - Đ. Vịnh - C. Quốc (thực hiện) - Ảnh: Chí Quốc
T.Trình - M. Trường - Đ. Vịnh - C. Quốc (thực hiện) - Ảnh: Chí Quốc

TTO - Trò chuyện với Tuổi Trẻ nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất 2018, các nhà lãnh đạo và các chuyên gia ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long bày tỏ niềm hy vọng phát triển khu vực với cách "làm khác, nghĩ khác".

Ông Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang):

Phú Quốc sẽ phát triển năng động, bền vững

Bàn tròn đầu xuân: Làm mới vì sự phát triển của đồng bằng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang)

Tôi nghĩ Luật đơn vị Hành chính – Kinh tế  đặc biệt áp dụng tại một số khu vực có ranh giới địa lý xác định (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) nên cần mạnh dạn thực hiện thể chế, chính sách mới, đặc biệt, vượt trội, cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, các điều ước quốc tế mà VN là thành viên và cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, cho dù chính sách đặc thù như thế nào thì nguyên tắc cao nhất vẫn là Phú Quốc phát triển nhanh nhưng phải bền vững, phải đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đề án thành lập đơn vị HC-KT đặc biệt Phú Quốc đề xuất các cơ chế, chính sách áp dụng cho Phú Quốc cũng trên quan điểm đó nhằm quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp để phát triển ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên phù hợp với đặc điểm, tình hình và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Phú Quốc.

Với cơ chế ưu đãi đặc thù cùng mô hình quản trị hiệu quả của đơn vị HC-KT đặc biệt như trong dự thảo Luật đơn vị HC-KT đặc biệt và nội dung đề án, chúng ta có niềm tin Phú Quốc sẽ hướng đến tương lai phát triển năng động, bền vững và là điểm đến được lựa chọn để du lịch và đầu tư.

Ông Phan Văn Mãi (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre):

Để thế giới biết đến dừa và bưởi Bến Tre

Bàn tròn đầu xuân: Làm mới vì sự phát triển của đồng bằng - Ảnh 2.

Ông Phan Văn Mãi (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre)

Bến Tre xác định năm nay sẽ tập trung xây dựng thương hiệu cho hai loại nông sản chủ lực của tỉnh là dừa và bưởi da xanh. Hiện đã có chỉ dẫn địa lý, trong thời gian sắp tới tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu.

Với gần khoảng 70.000ha trồng dừa, chiếm gần 40% diện tích dừa cả nước, Bến Tre được mệnh danh là xứ dừa. Hàng năm, sản lượng dừa ở Bến Tre đạt khoảng 600 triệu quả.

Tuy nhiên, bây giờ trong nước thì dừa Bến Tre là nổi tiếng, còn đi ra nước ngoài thì người ta cũng chưa biết nhiều nên câu chuyện thương hiệu trên trường Quốc tế cũng phải được chú trọng.

Riêng về trái bưởi thời gian tới phải đi vào quy chuẩn, canh tác chuẩn để cho ra chất lượng đồng đều nhằm phát triển thương hiệu bưởi da xanh Bến Tre.

Ông Dương Thành Trung (Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu):

Lựa chọn phát triển xanh - sạch vì tương lai

Bàn tròn đầu xuân: Làm mới vì sự phát triển của đồng bằng - Ảnh 3.

Ông Dương Thành Trung (Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu)

Từ nhiệm kỳ trước việc bỏ dự án nhiệt điện than Cái Cùng của tỉnh đã được manh nha, ban thường vụ Tỉnh ủy bàn mấy lần nhưng chưa được. Lúc đó chúng tôi thấy dự án này ít nhất cũng sử dụng vài trăm lao động, đóng góp cho ngân sách ít nhất 300 tỉ đồng/năm trong những năm đầu và những năm sau đó là 500 tỉ đồng/năm.

Đặc biệt, với việc đầu tư dự án vài nghìn tỉ đồng sẽ khiến GDP của tỉnh tăng lên, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng… nên lúc đó chưa có sự thống nhất cao để loại bỏ nhiệt điện than.

Tuy nhiên, sau đó một số tỉnh miền Trung nhiệt điện than gây ô nhiễm lớn, cộng với việc tỉnh Bạc Liêu hình thành khu công nghệ cao nuôi tôm mà nhiệt điện gây ô nhiễm sẽ làm chết thủy sản, nên có sự đồng thuận cao trong việc loại bỏ dự án nhiệt điện Cái Cùng.

Tỉnh đã có văn bản chính thức gửi Chính phủ, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của tỉnh.

Tỉnh xác định đầu tư xanh, sạch, trong đó có thế mạnh tôm, du lịch nhằm tạo sự khác biệt cho tỉnh.

Hiện suốt chiều dài 56km bờ biển của Bạc Liêu đã cấp phép hết cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo (điện gió, năng lượng mặt trời). Việc đầu tư này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới và lần đầu tiên Bạc Liêu được quyền chọn nhà đầu tư.

Ông Huỳnh Văn Thòn (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời):

Nông nghiệp phát triển cần nông dân chịu làm ăn lớn

Bàn tròn đầu xuân: Làm mới vì sự phát triển của đồng bằng - Ảnh 4.

Ông Huỳnh Văn Thòn (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời)

Để nông nghiệp phát triển tiến tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn rất cần đội ngũ nông dân dám chịu làm ăn lớn.

Đó là những người có tầm nhìn, khát vọng, quyết chí vươn lên làm giàu chính đáng với ý thức thay đổi tập quán, nâng cao năng lực sản xuất. Họ mạnh dạn tích tụ đất đai, mở rộng diện tích, quy mô canh tác hoặc cùng nhau tham gia vào các HTX kiểu mới, đồng thời sẵn sàng ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao.

Trong liên kết 4 nhà thì mối quan hệ nông dân - doanh nghiệp đóng vai trò hỗ tương quan trọng. Khi hai bên cùng hướng đến làm ăn lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành nên những vùng nguyên liệu tập trung thông qua liên kết. 

Đây là tiền đề tạo chuyển biến thúc đẩy nông nghiệp VN phát triển theo hướng hiện đại bền vững, cũng là cơ sở tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản.

Lâu nay tuy xuất khẩu gạo đứng hàng đầu nhưng sản phẩm gạo chúng ta chưa có thương hiệu. Đây là nỗi khát khao, cũng là niềm tự hào của dân tộc, nếu thực hiện quyết liệt và có thêm sự đồng hành từ những nông dân cùng quyết chí làm ăn lớn sẽ dẫn đến thành công.

GS Võ Tòng Xuân

Cần chớp thời cơ để gạo VN vươn ra thế giới

cq_vo tong xuan 1

GS Võ Tòng Xuân

Đầu năm 2018, nông dân trồng lúa ĐBSCL trúng giá nhờ nhu cầu gạo của Bangladesh, Philippines, Indonesia, Trung Quốc và Châu Phi gia tăng. Bộ Nông nghiệp Mỹ liên tục điều chỉnh số liệu thống kê sản lượng lúa thế giới vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu xảy ra khắp mọi châu lục.

Triển vọng thị trường gạo thế giới sẽ tiếp tục trông nhờ vào gạo của Việt Nam và Thái Lan, nhất là gạo cấp thấp (gạo trắng, là gạo từ lúa ngắn ngày nhưng năng suất cao) vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Nhu cầu gạo cấp cao (gạo thơm, hạt dài) của thế giới có khuynh hướng tăng nên bắt đầu năm 2018, Việt Nam có thể chen vào thị trường gạo thơm nhờ có giống mới ST24 vừa được Hội nghị Gạo Quốc tế lần thứ 9 họp tại Ma Cau vinh danh "TOP 3" gạo thơm thế giới.

Lợi điểm của lúa ST24, ngoài có đặc tính cơm ngon và thơm, là giống lúa ngắn ngày không quang cảm (khác với các giống lúa thơm của Thái Lan, Campuchia, Lào… là giống lúa mùa năng suất thấp, dài ngày chỉ trồng được 1 vụ/năm).

Như thế, về mặt hàng lúa gạo, thị trường và giống lúa đã có, Bộ Nông Nghiệp và PTNT cần nhanh chóng phổ biến rộng rãi để chớp thời cơ.

Chỉ còn một yếu tố quan trọng nữa cần khắc phục là qui trình kỹ thuật trồng lúa của nông dân phải chú trọng sạ cấy thưa, giảm phân hóa học mà thay vào đó bằng phân hữu cơ phối trộn với phân vi sinh, bón phân lót thay vì chờ lúa lên rồi mới rải phân phớt trên mặt ruộng để tránh sâu rầy và bệnh lúa phá hại, và kết quả sau cùng là thu hoạch lúa sạch.

H.T.Dũng (ghi)


T.Trình - M. Trường - Đ. Vịnh - C. Quốc (thực hiện) - Ảnh: Chí Quốc
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên