30/08/2021 06:36 GMT+7

Bản tin sáng 30-8: Bình Dương vượt 100.000 ca nhiễm, gần 20% người Việt được tiêm vắc xin

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Bảo đảm tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều cho toàn bộ nhân viên y tế, đặc biệt nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch; bảo đảm nhân lực có kiến thức chuyên môn và phòng ngừa lây nhiễm cho điều trị.

Bản tin sáng 30-8: Bình Dương vượt 100.000 ca nhiễm, gần 20% người Việt được tiêm vắc xin - Ảnh 1.

Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin Astra Zeneca mũi 2 cho người dân tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Theo hướng dẫn này, cơ sở y tế áp dụng tiêu chuẩn cao nhất về an toàn trong chăm sóc người bệnh, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm COVID-19, bảo đảm tiêm phòng vắc xin đủ liều cho toàn bộ nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế tuyến đầu, hạn chế việc lây nhiễm cho nhân viên y tế thông qua việc phân luồng, tăng cường sàng lọc nhằm phát hiện sớm, cách ly kịp thời người nhiễm/nghi nhiễm.

Cho đến nay đã có hàng ngàn nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19 và ít nhất đã có 3 người tử vong. Công đoàn Y tế Việt Nam đã có công văn đề nghị xét công nhận liệt sĩ cho 3 nhân viên y tế (gồm 2 người ở TP.HCM và 1 người ở Bình Dương). 1.200 y bác sĩ bị lây nhiễm khác đã được nhận trợ cấp mức 10 triệu đồng/người.

Cho đến nay, Bộ Y tế đã điều động 16.000 nhân lực y tế chi viện cho các tỉnh thành phía Nam chống dịch COVID-19.

Tính đến ngày 27-8, đã có 17,4% người Việt đã tiêm 1 liều vắc xin, 2,4% đã tiêm đủ 2 liều. Tuy nhiên so với số liệu trung bình toàn thế giới, con số này vẫn ở mức thấp. Toàn thế giới có 26,8% dân số đã tiêm đủ 2 liều.

TP.HCM: Phải hoàn thành xét nghiệm vùng đỏ - cam đợt 2 ngày 1-9

Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết TP đã trải qua hơn 7 ngày thực hiện công điện 1099 và chỉ thị 11 của UBND TP.

Hầu hết các địa phương đã hoàn thành xét nghiệm vùng cam và vùng đỏ. Riêng với vùng xanh, cận xanh và vàng, việc xét nghiệm vẫn chưa đạt tiến độ và đến hết ngày 30-8 phải hoàn thành xét nghiệm đợt 1.

Sau khi kết thúc đợt 1, các vùng này chuyển sang đợt 2 và phải hoàn thành trước ngày 6-9 để phân loại lại các vùng nguy cơ. Đối với vùng đỏ và vùng cam phải hoàn thành xét nghiệm đợt 2 vào ngày 1-9. TP.HCM đồng thời hướng dẫn rộng rãi để tăng tỉ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu.

Sở TT&TT TP.HCM cho biết lực lượng tổng đài viên từ MobiFone và Viettel đến tăng cường đã giúp nâng cao năng lực tiếp nhận của tổng đài 1022, kịp thời hỗ trợ thông tin người dân cần hỗ trợ khi gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Từ ngày 29-8, tổng đài 1022 đã bổ sung phương thức tiếp nhận thông tin y tế, an sinh của người dân bên cạnh cách thức gọi điện. Người dân sử dụng điện thoại thông minh gửi đề nghị qua ứng dụng Zalo (1022 TP.HCM) hoặc qua ứng dụng "Tổng đài 1022".

Theo ông Lê Quốc Cường - phó giám đốc Sở TT&TT, khi người dân sử dụng điện thoại thông minh gửi thông tin phản ánh qua các kênh trên sẽ giúp giảm lưu lượng gọi trực tiếp đến tổng đài 1022, giảm nghẽn mạng.

"Hãy dành kênh gọi điện thoại 1022 cho trường hợp khẩn cấp, người không có điện thoại thông minh, người già hoặc người khó có điều kiện tiếp cận công nghệ để tất cả đều được hỗ trợ" - ông Cường nói.

Bản tin sáng 30-8: Bình Dương vượt 100.000 ca nhiễm, gần 20% người Việt được tiêm vắc xin - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Bình Dương vượt ngưỡng 100.000 ca, tỉ lệ xuất viện cao

Tổng ca mắc COVID-19 tại Bình Dương tới ngày 29-8 đã trên 104.000 ca. Số ca mắc sẽ tiếp tục tăng. Bình Dương buộc phải kéo dài giãn cách xã hội đến 15-9 (thay vì 30-8 như dự kiến) và chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn có tới 150.000 ca F0, theo dự báo của UBND tỉnh.

Một tín hiệu lạc quan cho diễn biến dịch bệnh tại Bình Dương là tỉ lệ xuất viện, khỏi bệnh cao. Tính tới ngày 29-8 đã có trên 55.000 F0 được xuất viện, khỏi bệnh, chiếm trên 50% tổng số ca mắc tại Bình Dương.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số 10.749 ca tử vong cho đến nay, có 80% ở TP.HCM, kế đến là tỉnh Bình Dương 7,5% (số ca mắc tại Bình Dương bằng 1/2 so với TP.HCM), Long An 2,5%, Tiền Giang 1,9%, Đồng Nai 1,7%, Đồng Tháp 1,2%, các địa phương còn lại từ 0,6% trở xuống.

Đồng Nai: Nâng cấp tổng đài, xử lý nhanh phản ảnh của người dân

UBND tỉnh Đồng Nai vừa yêu cầu ngành viễn thông phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện, thành phố mở rộng hệ thống tiếp nhận trên tổng đài 1022 để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin đề nghị hỗ trợ, phản ảnh của người dân, doanh nghiệp do dịch bệnh COVID-19, xử lý nhanh các kiến nghị của người dân trong vòng 24 giờ. Thông tin lĩnh vực y tế mang tính cấp bách, các bộ phận có trách nhiệm phải xem xét, xử lý trong không quá 4 tiếng.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa có văn bản gia hạn thêm thời gian tạm ngừng tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ đề nghị cho Iao động nước ngoài nhập cảnh Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp đến hết ngày 31-8.

Đối với 7 quốc gia có tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, có số ca mắc mới trong 7 ngày qua cao (Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Sri Lanka, Nhật Bản, Ấn Độ) tạm ngừng tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ nhập cảnh đến hết ngày 15-9.

Chuyên gia Fauci ủng hộ tiêm vắc xin COVID-19 cho học sinh

Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, cho biết ông ủng hộ bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em đang đi học vì nguy cơ mà biến thể Delta mang lại.

"Tôi tin rằng bắt buộc tiêm vắc xin cho trẻ em đến trường là một ý tưởng hay. Chúng ta đã làm điều này trong nhiều thập kỷ qua, như yêu cầu tiêm phòng bại liệt, sởi, quai bị, rubella, viêm gan", ông Fauci nói trên chương trình State of the Union của Đài CNN vào ngày 29-8.

Hiện tại, trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm vắc xin COVID-19. Trong cuộc phỏng vấn trên Đài ABC, ông Fauci nói cần phải có đủ dữ liệu vào đầu tháng 10 để Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) xem xét tiêm vắc xin có an toàn cho trẻ em dưới 12 tuổi hay không.

Khi trường học mở cửa trở lại vào mùa thu, sự gia tăng đáng kể ca mắc mới COVID-19 đã khiến năm học mới bị gián đoạn.

Theo Hãng tin Reuters, hàng chục trường học ở Mỹ đã phải hoãn khai giảng hoặc đóng cửa kể từ đầu tháng 8, nhiều nhất là ở các bang miền Nam vì tỉ lệ tiêm chủng ở các bang này còn thấp.

Úc tiếp tục ghi nhận ca bệnh COVID-19 cao kỷ lục

Ngày 29-8, Úc ghi nhận 1.323 ca mắc mới COVID-19, cao kỷ lục từ trước tới nay. Trong đó, bang New South Wales (NSW) - tâm điểm của đợt bùng phát mới nhất do biến chủng Delta - ghi nhận 1.218 ca.

Theo Reuters, bang NSW dự kiến dỡ phong tỏa vào cuối tháng 9. Giới chức địa phương đang chuẩn bị nới lỏng một số hạn chế sau 9 tuần phong tỏa.

Bà Gladys Berejiklian, thủ hiến bang NSW, cho biết sẽ mở cửa trở lại khi tiêm chủng đầy đủ cho 70% người trên 16 tuổi. "Bất kể số ca nhiễm là bao nhiêu... 70% người dân NSW tiêm đủ hai mũi vắc xin đồng nghĩa với tự do cho những người tiêm chủng", bà Berejiklian nói.

Cũng trong ngày 29-8, bang đông dân thứ hai nước Úc là Victoria ghi nhận 92 ca mới, cao nhất trong vòng gần một năm, dù cho bang này đang trải qua lần phong tỏa thứ 6 kể từ khi dịch bùng phát.

MINH KHÔI

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: F0 nào ở TP.HCM nhận thuốc kháng virus Molnupiravir? HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: F0 nào ở TP.HCM nhận thuốc kháng virus Molnupiravir?

TTO - TP.HCM không phát hết thuốc kháng virus Molnupiravir cho tất cả F0. Người có triệu chứng và triệu chứng nhẹ thì được sử dụng thuốc này, nếu đúng chỉ định.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên