27/06/2022 17:51 GMT+7

‘Bán khống giấy nghỉ việc để hưởng lợi bảo hiểm xã hội đang xảy ra ở nhiều nơi’

A. LỘC - H.MI
A. LỘC - H.MI

TTO - Liên quan vụ ‘bán khống’ hàng ngàn giấy nghỉ việc, thu lợi tiền tỉ, giám đốc phòng khám này khẳng định có 'nhái' chữ ký bác sĩ. Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai cho hay việc ‘bán khống’ giấy nghỉ việc đang xảy ra ở nhiều nơi.

‘Bán khống giấy nghỉ việc để hưởng lợi bảo hiểm xã hội đang xảy ra ở nhiều nơi’ - Ảnh 1.

Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai làm việc với ông Phúc - Ảnh: CTV

‘Có sai vì nhái chữ ký bác sĩ’

Về sai phạm ở phòng khám đa khoa Y Thánh Tâm (xã Long Phước, huyện Long Thành) làm giả chữ ký bác sĩ, bán khống hàng ngàn giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH), ông Phan Hồ Hoàng Phúc - giám đốc phòng khám - cho biết: "Theo quy định, mỗi bác sĩ ký 65 chữ ký/ngày nhưng do không có bác sĩ, bệnh nhân đến khám lại đông nên phòng khám để nhân viên... nhái chữ ký bác sĩ".

Ông Phúc cũng cho biết khi bệnh nhân vào khám để lấy giấy nghỉ việc, "bệnh nhân không lấy thuốc nên phòng khám phải lấy tiền công khám bệnh".

‘Bán khống giấy nghỉ việc để hưởng lợi bảo hiểm xã hội đang xảy ra ở nhiều nơi’ - Ảnh 2.

Một công nhân ở Đồng Nai rao bán giấy nghỉ bệnh trên mạng xã hội - Ảnh: Bình An


Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Dương Hồng Danh - chánh Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai - cho hay đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ phòng khám đa khoa Y Thánh Tâm làm giả chữ ký bác sĩ, bán khống hàng ngàn giấy nghỉ việc hưởng BHXH cho Cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra xử lý.

"Qua xác minh, bác sĩ L.P. cho biết có làm việc tại phòng khám Y Thánh Tâm, bữa nào làm thì ký, bữa nào không làm thì không ký. Riêng các bác sĩ khác không ký từ nào, nhân viên phòng khám giả chữ ký của bác sĩ rồi bán khống ra ngoài" - ông Danh khẳng định.

Về xử phạt, ông Danh cho biết theo nguyên tắc đã chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai nên không xử phạt hành chính, chỉ rút giấy phép hoạt động. Trong vòng 12 tháng, nếu cơ quan điều tra xác định không xử lý hình sự và chuyển hồ sơ ngược lại thì thanh tra sở mới xử phạt hành chính cơ sở trên.

Theo ông Danh, thời gian qua thanh tra sở kiểm tra nhiều phòng khám trên địa bàn, các trường hợp này "có đúng, có sai" và sai tới đâu xử tới đó. Tuy nhiên, hầu hết các phòng khám đều có bác sĩ thường trực, duy trì được nguyên tắc của phòng khám đa khoa.

Riêng chỉ có phòng khám đa khoa Y Thánh Tâm là trường hợp đầu tiên giả chữ ký bác sĩ, bán khống giấy nghỉ phép hưởng BHXH nên đã thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở này.

Giải thích về số tiền đã chi trả BHXH, ông Nguyễn Văn Thành - phó giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai - cho biết từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022, phòng khám đa khoa Y Thánh Tâm đã cung cấp cho BHXH tỉnh Đồng Nai tổng cộng hơn 40.000 giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng chế độ BHXH.

Từ đề nghị này, BHXH đã giải quyết hơn 28.000 giấy nghỉ việc với tổng số tiền khoảng 12,4 tỉ đồng.

"Hiện cơ quan chức năng chưa thẩm định giấy nghỉ việc nào hợp lệ, giấy nào khống nên BHXH tỉnh Đồng Nai vẫn chờ kết luận để thu hồi lại tiền" - ông Thành nói.

Công nhân ở Đồng Nai qua phòng khám Bình Dương mua giấy khống nghỉ bệnh

Ông Thành cho biết hiện tượng bán giấy nghỉ bệnh để hưởng BHXH rất nhiều. Có trường hợp công nhân làm "cò" bán giấy nghỉ bệnh cho người lao động có nhu cầu. Có giấy nghỉ bệnh hưởng 75% lương đóng bảo hiểm xã hội nên thời gian qua rộ lên mua bán giấy nghỉ bệnh để hưởng lợi.

‘Bán khống giấy nghỉ việc để hưởng lợi bảo hiểm xã hội đang xảy ra ở nhiều nơi’ - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Thành - phó giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai - khẳng định bán khống giấy nghỉ việc để hưởng BHXH đang diễn ra ở nhiều nơi - Ảnh: H.MI

Theo ông Thành, không chỉ Đồng Nai mà tình trạng mua giấy khống nghỉ bệnh đã xảy ra phổ biến. Thậm chí, công nhân làm việc ở tỉnh này qua phòng khám ở tỉnh khác để tìm cách có giấy nghỉ bệnh khống.

Cụ thể, cuối năm 2021, BHXH Đồng Nai nhận được công văn phối hợp của BHXH Bình Dương đề nghị thu hồi số tiền hưởng chế độ BHXH sai quy định của người lao động do sử dụng giấy nghỉ bệnh cấp khống cho 54 công nhân.

Những công nhân này ở Đồng Nai sử dụng giấy nghỉ bệnh do Công ty cổ phần bệnh viện đa khoa Hồng Phúc Sài Gòn (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cấp khống để hưởng số tiền gần 32 triệu đồng. Qua kiểm tra, BHXH Đồng Nai đã thu hồi số tiền trên.

Cùng vụ mua khống giấy nghỉ bệnh, tháng 5-2022, BHXH Đồng Nai nhận được phản ánh của Công ty TNHH Đông Phương Đồng Nai VN (KCN Sông Mây, huyện Trảng Bom), về việc người lao động mua giấy nghỉ bệnh tại Công ty TNHH phòng khám đa khoa Tân Long nộp vào công ty để được nghỉ, hưởng tiền chế độ ốm đau từ quỹ BHXH không đúng quy định với số tiền hơn 155 triệu đồng...

Trước thực trạng mua bán trên, ông Nguyễn Văn Thành - phó giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai - nói: "Hiện nay, không chỉ là việc tìm cách hợp thức hóa giấy nghỉ bệnh ở các phòng khám mà đã xảy ra tình trạng làm giả chữ ký của bác sĩ, của đơn vị khám chữa bệnh để có giấy khống nghỉ bệnh. Nếu không xử lý mạnh mẽ việc này sẽ ảnh hưởng tới quỹ BHXH, ảnh hưởng tới vấn đề sản xuất của doanh nghiệp...".

Giả chữ ký để trục lợi BHYT, bác sĩ tự nhận cảnh cáo Giả chữ ký để trục lợi BHYT, bác sĩ tự nhận cảnh cáo

TTO - Kết quả kiểm tra tại Trạm y tế xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An, cho thấy trạm này đã lập nhiều bảng kê chi phí khám chữa bệnh, đơn thuốc nhưng trên thực tế không có người bệnh.

A. LỘC - H.MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên