Chủ nhật, ngày 26 tháng 6 năm 2022
Băn khoăn áo dài công sở: Phải xét thêm yếu tố khí hậu, phương tiện đi làm
TTO - Trước câu chuyện công chức Huế góp phần gìn giữ, quảng bá áo dài Việt, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm các góc nhìn từ phía người làm du lịch, bảo tàng.

Ông Nguyễn Sơn Thủy mặc áo dài khi tiếp đón bạn bè quốc tế - Ảnh: NVCC
* Ông NGUYỄN SƠN THỦY (giám đốc Công ty Indochina Unique Tourist, tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam):
Tôi tự hào khi mặc áo dài Việt trong các sự kiện quốc tế
Theo tôi biết, Huế đã xác định chiến lược phát triển du lịch, định vị điểm đến Huế trong tương lai sẽ là kinh đô áo dài và thủ phủ ẩm thực thế giới.
Vì vậy, việc chính quyền Huế đang khuyến khích người dân và công chức mặc áo dài truyền thống thường xuyên hằng ngày là nét đẹp rất riêng của Huế mà không nơi nào có. Tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm này. Nó làm rõ nét thêm hình ảnh điểm đến Huế trong tiềm thức du khách trong và ngoài nước.
Tôi nhận thấy hiện tại trang phục áo dài đã được nhiều cơ sở du lịch sử dụng trong hoạt động kinh doanh, đón tiếp, cho nhân viên của mình mặc hằng ngày khi tiếp xúc với khách. Tuy nhiên, để làm hình ảnh định vị cho điểm đến, cần triển khai rộng rãi hơn đến các đối tượng người dân, như đối tượng công chức nam đang thử nghiệm.
Tôi tin chắc rằng đến một ngày nào đó khi du khách đến Huế họ sẽ ấn tượng khi nhìn thấy người dân mặc áo dài sinh hoạt hằng ngày, từ học sinh đi học trên đường, công chức đi làm đến nhân viên văn phòng, nhân viên cơ sở dịch vụ du lịch... Dĩ nhiên chúng ta cần lộ trình để ăn mặc sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết theo mùa tại Huế.
Áo dài không chỉ làm sứ mệnh định vị điểm đến Huế mà còn mở ra cơ hội kinh doanh cho người dân làm du lịch. Riêng công ty chúng tôi mỗi tháng đưa khoảng 1.000 khách đến Huế thì hết 70% du khách mua áo dài mặc và mang về làm quà kỷ niệm. Các sô áo dài, quà lưu niệm... sẽ được khai thác và đầu tư. Đó là cơ hội cho ai nhìn thấy dư địa này.
Vì những lý do trên, theo tôi, việc còn lại là bàn giải pháp triển khai như thế nào. Tôi chỉ góp ý điều chỉnh các chữ trên tấm thẻ bài công chức nên thay lại là "Liêm chính - Kiến tạo - Hành động", như thông điệp của Thủ tướng để nhắc nhở công chức nghiêm túc trong công việc hằng ngày.
Là người đàn ông Việt Nam, khi tham dự các sự kiện quốc tế, bản thân tôi luôn rất tự hào khi diện cho mình bộ áo dài đẹp nhất và tôi luôn được dành những lời ngợi khen.
* Ông HUỲNH ĐÌNH QUỐC THIỆN (giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng):
Nên phát động công chức mặc áo dài trong dịp Festival Huế
Việc Huế đề xuất mặc áo dài truyền thống đáp ứng được nhu cầu tiếp ứng văn hóa, đặc biệt đối với Huế - là cố đô, quần thể di sản mang dấu ấn lịch sử, văn hóa, việc mặc áo dài là một cái hay, nét đẹp riêng.
Tuy nhiên, để phát động toàn thể công chức văn hóa mặc áo dài thì nên tính toán tiến hành từng bước. Theo tôi, trước mắt nên áp dụng cho cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và cán bộ làm việc ở Sở VH-TT, cán bộ làm việc ở các bảo tàng trước để thí điểm. Nếu đem lại hiệu ứng tốt trong cộng đồng, được cộng đồng và công chức "cho điểm 10" thì việc đó quá tốt.
Mặc áo dài là phong tục truyền thống, nét đẹp của nước ta. Nam thì chỉ thường mặc áo dài trong các dịp lễ hội có tính nghi lễ, cúng bái... Trang phục áo dài nam đi với khăn đóng. Việc đưa áo dài truyền thống trở thành trang phục công sở nên đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó, phải xét yếu tố khí hậu, thời tiết Huế mưa thì mưa dầm mưa dề, nắng thì nắng gắt với nhiệt độ hơn 40 độ. Mùa lạnh thì nhiệt độ rất thấp. Thời tiết cũng ảnh hưởng đến việc mặc trang phục. Đa phần công chức đi xe máy, có bất tiện gì không cũng nên lưu tâm.
Theo tôi, các thời điểm diễn ra lễ hội Fetival Huế, TP Huế có thể phát động cán bộ, công chức, viên chức văn hóa Huế tình nguyện mặc áo dài để tôn vinh nét đẹp truyền thống Việt Nam, đóng góp cho hình ảnh lễ hội, tạo dấu ấn không chỉ văn hóa vật thể mà còn văn hóa phi vật thể của đất nước nói chung và xứ Huế nói riêng.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, có nên biến áo dài nam thành trang phục chính thức nơi công sở cho nam viên chức, ít nhất mỗi thứ hai đầu tuần hoặc khi lễ hội, tham gia hoạt động ngoại giao?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
-
TTO - Tối nay, 25-6, cô gái đến từ Tây Ninh: Nguyễn Thị Ngọc Châu đã vượt qua 40 nhan sắc khác đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 tại Trung tâm hội chợ triển lãm Sài Gòn - SECC, quận 7, TP.HCM, để đội lên đầu chiếc vương miện.
-
TTO - Nói với hàng trăm nhà đầu tư có mặt tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 chiều 25-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắn nhủ nhà đầu tư an tâm trước diễn biến trồi sụt của thị trường chứng khoán thời gian qua và kêu gọi tiếp tục đầu tư.
-
TTO - Theo chính quyền Ukraine, đợt oanh tạc vào miền bắc nước này xuất phát từ nước láng giềng Belarus và diễn ra ngay trước thềm một cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Belarus ngày 25-6.
-
TTO - Tính từ 16h ngày 24-6 đến 16h ngày 25-6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 657 ca nhiễm mới trong nước (tăng 4 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 512 ca trong cộng đồng).
-
TTO - Ngày 25-6, Công an TP.HCM đã làm việc với 3 người là trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng là ông Huỳnh Công Tân, bà Lê Thị Thu Hà (Ha Lee), bà Nguyễn Thị Mai Nhi (Hoàng Nhi). Ông Tân, bà Nhi, bà Hà đang bị nhiều người tố giác, đề nghị khởi tố.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận