Tại hội chợ hàng Việt của quận Ba Đình (Hà Nội) vừa được tổ chức trong 8 ngày, có vài chục gian hàng mở trong khuôn viên nhà thi đấu ở trung tâm quận để bán hàng Tết.
Là hội chợ hàng Việt để bán các sản phẩm hàng Tết nên bên cạnh các đặc sản vùng miền thì đây cũng là nơi để nhiều đơn vị "xả" hàng tồn.
Từ đặc sản đến... hàng Tết cũng thanh lý
Chị Hương (kinh doanh hàng may mặc) cho biết giá thuê gian hàng vài triệu đồng trong thời gian diễn ra hội chợ.
Công ty của chị làm hàng may xuất khẩu và hàng thời trang, còn hàng tồn nhiều do thời kỳ dịch bệnh nên mở gian hàng trong hội chợ để "xả" hàng với giá rẻ, mong cuối năm gỡ gạc được ít vốn.
"Buôn bán năm nay khó khăn lắm. Hội chợ diễn ra cả hơn một tuần, nhưng hàng bán rất chậm. Mỗi ngày thu về không nổi 1 triệu, không bù đắp được cả chi phí thuê gian hàng. Năm nay thất thu, chấp nhận lỗ vẫn phải làm, nhưng không ngờ còn lỗ nặng vậy" - chị Hương bày tỏ.
Cùng với hơn 60 sản phẩm vùng miền, sản phẩm OCOP là đặc sản từ các nơi, nhiều đơn vị kinh doanh hàng đồ gia dụng, hàng bãi cũng được đưa vào hội chợ. Tuy vậy, để kích thích người tiêu dùng mua sắm dịp cuối năm, các đơn vị đều bán với giá thanh lý, sale đậm tới 30 - 50%.
"Chúng tôi giảm giá nhiều nhưng lượng hàng tiêu thụ không được như kỳ vọng. Các sản phẩm đều là hàng công ty, có chất lượng tốt nên việc khuyến mãi, giảm giá giúp tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, kinh doanh đỡ ảm đạm.
Nhưng do sức mua kém, hàng tồn nhiều nên cũng không lại được với chi phí bỏ ra" - anh Nam, nhân viên kinh doanh ngành hàng gia dụng, chia sẻ.
Không tính lãi để quảng bá thương hiệu
Hội chợ xuân Giảng Võ tổ chức hằng năm, có quy mô lớn ở Hà Nội, cũng là địa chỉ tập hợp các thương hiệu hàng Việt và hàng tiêu dùng có uy tín.
Với hơn 200 gian hàng, hàng trăm sản phẩm đặc sản vùng miền, thực phẩm, bánh kẹo, cho đến hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, đồ gốm sứ, nội thất... được quy tụ tại đây.
Anh Đức (kinh doanh mặt hàng hương, trầm) than thở đưa hàng ra từ Quảng Ngãi, nhưng hội chợ gần kết thúc mà mới bán được gần 50% lượng hàng.
Không khí mua sắm ảm đạm, người dân đến tham quan nhiều hơn mua hàng, nên dù đã giảm giá vẫn không... ăn thua.
"Ngoài chi phí thuê gian hàng, vận chuyển, chúng tôi phải thuê thêm nhân viên bán hàng nên lời lãi không đủ bù đắp chi phí.
Cũng biết là kinh doanh khó khăn nhưng vẫn phải chấp nhận để làm thương hiệu, đưa sản phẩm ra thủ đô giới thiệu cho khách hàng" - anh Đức chia sẻ.
Tuy vậy, các sản phẩm đặc sản vùng miền, hàng thực phẩm như bánh gai Hải Dương, giò chả Ước Lễ, miến dong Cao Bằng, chè Tân Cương... được người mua lựa chọn nhiều hơn.
Chị Hoa (ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết rất thích sử dụng các đặc sản vùng miền nên tranh thủ buổi trưa ra hội chợ để mua sắm làm đồ dùng và quà biếu Tết.
Tuy vậy, chị chỉ lựa chọn được một số sản phẩm từ nhà cung cấp chính thức như nước mắm, chè tuyết hay miến dong...
Anh Toàn (nhân viên kinh doanh hàng đặc sản vùng miền) cho hay sức mua năm nay không "đã" như các năm trước dịch. Do đó, đơn vị cũng chuẩn bị lượng hàng phù hợp, đẩy mạnh phân phối qua nhiều kênh khác nhau.
Việc bán hàng qua kênh hội chợ chủ yếu để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng thủ đô nên cũng không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, dù thậm chí là bị lỗ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận