20/02/2025 13:06 GMT+7

Bán gạo giá rẻ lề đường, bị mời làm việc, người trong cuộc nói gì?

Ngày 20-2, bà Nguyễn Thị Thanh Triều (33 tuổi, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) xác nhận bà và chồng của mình là Bùi Văn Hoàng Phong (31 tuổi) bán gạo ven đường bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra giấy tờ và bắt đầu xảy ra sự cố...

Bán gạo giá rẻ lề đường, bị mời làm việc, người trong cuộc nói gì? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh Triều (33 tuổi, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đã bán gạo hàng trăm bao nhưng không bị kiểm tra

Theo bà Triều, trước đó hai vợ chồng bà đã tổ chức bán gạo giá rẻ rất nhiều lần ở Bến Tre nhưng không có ai nhắc nhở hay xử phạt.

Tính đến thời điểm xảy ra sự việc, bà đã bán hơn 750 bao gạo (loại 50kg) cho người dân Bến Tre. Toàn bộ gạo được lấy trực tiếp từ một nhà máy xay xát tại thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang về để bán lẻ cho người dân.

"Xuất phát từ việc nhiều nhà máy xay xát, kho lúa gạo không thể xuất khẩu được hàng trong dịp cuối năm 2024 nên xả kho, vợ chồng tôi đã thuê xe tải mua gạo của kho để bán lẻ tại các lề đường kiếm lời.

Trước Tết Nguyên đán 2025 tôi bán liên tiếp 9 ngày tại huyện Chợ Lách nhưng không có ai nhắc nhở hay kiểm tra hóa đơn gì hết.

Tuy nhiên, trong ngày 17-2 vợ chồng tôi chở một xe gạo 80 bao (loại 50kg) đến khu vực ven đường thuộc huyện Mỏ Cày Bắc để bán. Khi bán được khoảng 50 bao thì lực lượng quản lý thị trường kiểm tra giấy tờ và bắt đầu xảy ra sự cố", bà Triều kể lại.

Công an và vợ chồng người bán gạo giá rẻ ven đường nói gì quanh vụ mời làm việc? - Video: MẬU TRƯỜNG

Khi lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bến Tre kiểm tra, ông Phong - chồng bà Triều - không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số gạo nói trên nên quản lý thị trường yêu cầu chở số gạo còn lại về trụ sở để làm việc.

"Tuy nhiên, ngay sau đó chúng tôi đã nhờ phía nhà máy xay xát bổ sung hóa đơn qua tin nhắn điện thoại, đồng thời phía nhà máy chấp nhận xác nhận qua điện thoại với lực lượng quản lý thị trường nhưng không được đồng ý, họ nhất quyết yêu cầu tôi chở số gạo về trụ sở để làm việc.

Tôi yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phải niêm phong và lập biên bản số gạo nói trên nhưng họ không đồng ý", ông Bùi Văn Hoàng Phong kể tiếp.

Trước cáo buộc của công an về tội "chống người thi hành công vụ" và "gây rối trật tự công công", ông Phong cho biết trong lúc giải quyết vụ việc, ông không "động tay động chân" với bất kỳ ai nên không đồng ý với cáo buộc nói trên.

"Do chúng tôi và lực lượng quản lý thị trường không thống nhất được ý kiến nên khi họ định chở gạo của tôi đi, chị tôi đứng dùng tay giữ chốt thùng xe bị một vài người xúm lại quật chị tôi xuống đất. Thấy vậy chúng tôi bước lại để đỡ chị dậy thì cũng bị nhiều người xúm lại xịt hơi cay, đánh đập", ông Phong kể.

Cùng ngày, bà Triều cho biết trong số 5 người dân bị lực lượng chức năng khống chế vào tối 17-2 thì đều bị xây xát, thương tích. "Trong đó, ông Bùi Văn Bé Tư bị gãy sống mũi đang điều trị tại một bệnh viện ở Bến Tre. Còn ông Lê Văn Tài bị nặng hơn, tràn dịch màng phổi, gãy bẹ sườn phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu, hiện tình trạng sức khỏe đang rất xấu", bà Triều nói.

Công an làm việc với những người liên quan

Bán gạo giá rẻ lề đường, bị mời về cơ quan công an làm việc, người trong cuộc nói gì? - Ảnh 3.

Hiện trường lực lượng chức năng đang khống chế những người liên quan đến vụ việc - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Theo Công an tỉnh Bến Tre, vụ việc xảy ra vào khoảng 15h ngày 17-2, Công an thị trấn Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra đột xuất vụ mua bán gạo không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, đang được bày bán bên lề đường do Bùi Văn Hoàng Phong (31 tuổi, quê Bến Tre) đứng bán, trên xe tải và bày bán trên lề đường khoảng 30 bao gạo, loại 50kg/bao.

Tại thời điểm kiểm tra, Phong không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Lực lượng chức năng nhiều lần vận động, yêu cầu Phong về trụ sở Đội quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre) để làm việc.

Theo Công an tỉnh Bến Tre, trong quá trình làm việc Phong không chấp hành, có lời lẽ xúc phạm, dùng điện thoại gọi cho người nhà đến thu gom gạo cho lên xe tải và khóa cửa thùng xe, cản trở và tấn công lực lượng làm nhiệm vụ làm một chiến sĩ công an và một thành viên đội dân phòng cơ động thị trấn Phước Mỹ Trung bị chấn thương phần mềm. Các đương sự tiếp tục dùng điện thoại quay video phát tán lên mạng xã hội với lời lẽ bịa đặt, vu khống lực lượng làm nhiệm vụ.

Lực lượng công an đã phối hợp các lực lượng liên quan khống chế 5 người gồm: Bùi Văn Hoàng Phong (31 tuổi); Bùi Văn Bé Tư (39 tuổi); Bùi Thị Bé Phượng (38 tuổi); Lê Văn Tài (38 tuổi) cùng ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre và Nguyễn Thị Thanh Triều (33 tuổi, quê Tiền Giang) đưa về trụ sở công an để làm việc. Qua làm việc, các đương sự đã thừa nhận có hành vi chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng.

Bán gạo giá rẻ lề đường, bị mời về cơ quan công an làm việc, người trong cuộc nói gì? - Ảnh 4.Công an tìm lại ví tiền đánh rơi cho người dân qua camera

Trong lúc đi trên đường một người đàn ông đánh rơi ví ngay sau đó đã được công an phường giúp đỡ tìm lại tài sản gồm có tiền và nhiều giấy tờ quan trọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên