Thí sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển - ảnh tư liệu |
Ngoài ra, bạn đọc cũng đóng góp nhiều ý tưởng khác. Tuổi Trẻ Online xin trích đăng và mong tiếp tục đón nhận những sáng kiến, giải pháp khác từ bạn đọc về vấn đề này.
Phân chia thời gian và mức điểm
* Năm sau cũng áp dụng cách thi năm nay. Và nếu phân chia thời gian nộp theo mức điểm thì cơ hội tham khảo của thí sinh được nhiều hơn. Vì thời gian nộp hồ sơ dài nên dùng phần mềm để lọc nguyện vọng có khả năng trúng tuyển trong bốn nguyện vọng và chỉ công bố nguyện vọng đó.
Sau đó áp dụng việc:
1. Từ ngày 1 đến 6 các thí sinh từ 25 điểm trở lên phải nộp hồ sơ.
2. Từ ngày 7 đến 14-8 các thí sinh từ 20-24,75 điểm nộp hồ sơ sau khi tham khảo số liệu học sinh tốp trên và chỉ tiêu của ngành.
3. Từ ngày 15 đến 20-8 các thí sinh đã nộp hồ sơ nằm ngoài chỉ tiêu an toàn của bốn nguyện vọng đã đăng ký được phép rút hồ sơ điều chỉnh trường khác.
Các thí sinh có điểm từ 15-19,75 tham khảo số liệu của 15 ngày đầu và tiến hành nộp hồ sơ.
Tôi nghĩ sẽ bớt rối loạn hơn và có số liệu đầy đủ để quyết định hướng nộp hồ sơ của mình.
Tránh được cảnh các thí sinh điểm cao làm rối loạn mọi dự đoán trong các ngày cuối làm thí sinh điểm khá và thấp hơn trở tay không kịp.
* Cũng phải nói đến mặt tích cực của phương án xét tuyển đại học năm nay là cơ hội vào đại học sẽ đến với nhiều thí sinh, những thí sinh điểm cao sẽ không thể trượt đại học như phương án tuyển sinh của mọi năm.
Chỉ trách người làm công tác tuyển sinh là chưa chuẩn bị đầy đủ/chưa nghĩ hết các phương án cũng như bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ phương án tuyển sinh này.
Bộ đã có cơ sở dữ liệu điểm thi của thí sinh toàn quốc rồi, các trường đại học sẽ khai thác cơ sở dữ liệu điểm tập trung đó.
Thí sinh đã có mã số của riêng mình rồi thì cứ thế mà ngồi nhà vào mạng rồi nhập điểm, mã số của mình vào trường cần đăng ký sau đó theo dõi.
Nếu thấy không ổn thì nhập trường khác (vấn đề là phải rút khỏi trường đã đăng ký trước mới nhập vào trường tiếp theo được).
Làm như thế thì tại thời điểm nhập điểm xét tuyển này cần gì phải rút hồ sơ ra rồi lại đút hồ sơ vào.
Chúc Bộ Giáo dục và đào tạo thành công trong kỳ thi tuyển sinh sang năm.
Đăng ký trường đại học trước kỳ thi quốc gia
* Bình tâm lại, chúng ta sẽ thầm cảm ơn quy chế này đã giúp ta chọn lựa được một ngành học tương xứng với lực học và sở thích của mình.
Tôi dám nói như thế bởi tôi cũng có con thi trong đợt này và cả hai năm trước đó, rằng nếu với sức học của mình chỉ đạt ngang điểm sàn của bộ đề ra và thi theo lối cũ, dám chắc rằng số thí sinh đó có rất ít cơ hội để chọn lựa được ngôi trường ưng ý, nếu chưa nói là khả năng vào ĐH sẽ rất thấp nếu chọn ngành thi không phù hợp.
Cách xét tuyển này hay nhưng cần phải xây dựng phần mềm tốt để thí sinh, các trường đăng ký; điều chỉnh nguyện vọng thuận lợi cũng như việc xét kết quả nhanh chóng. Cần khắc phục công tác tuyên truyền về những thay đổi trong ký thi năm nay, khắc phục không ít lỗi căn bản như nộp sai giấy báo điểm, sai nguyện vọng/tổ hợp môn, không biết hồ sơ cần ghi như thế nào.... |
Năm nay rõ ràng bộ cũng như các trường, sở GD-ĐT đã có nhiều cảnh báo thí sinh khi lựa chọn trường để đăng ký xét tuyển: điểm số phải cao hơn điểm trúng tuyển năm ngoái ít nhất 2-3 điểm, những ngành "hot" thậm chí còn cao hơn.
Như ngành y mọi năm ở TP.HCM và Hà Nội đã là 27 điểm thì năm nay nếu đạt 28 trở lên mới gọi là chắc, còn thấp hơn thì rõ ràng phải chấp nhận "đánh cược", và chúng ta đã có cơ hội để "đánh cược".
Vạn sự khởi đầu nan, tôi nghĩ rồi cũng sẽ có những đánh giá, rút kinh nghiệm cho những năm sau.
Ví dụ như thời gian xét tuyển cụ thể nên giao quyền cho các trường, bộ chỉ ấn định "khoảng" thôi.
Hoặc có thể cho thí sinh đăng ký vào các trường ĐH trước kỳ thi quốc gia, sau khi có điểm thi các trường có thể "gút danh sách trúng tuyển" và thông báo xét tuyển bổ sung nếu còn thiếu, như vậy sẽ nhẹ nhàng hơn.
Người điểm cao được ưu tiên chọn trước
* Ủng hộ hướng đi này nhưng về cách thức xét tuyển có thể làm như sau:
Cũng chia nhiều đợt nhưng chia theo phổ điểm.
Ví dụ: Đợt 1 xét những bạn từ 27 điểm trở lên và chỉ chọn một trường, một ngành mà bạn đó đã suy nghĩ và muốn. Sau 3-4 ngày các trường sẽ thống kê kết quả những bạn nào đậu, chỉ tiêu còn bao nhiêu. Những bạn đã đậu đợt 1 sẽ không được tham gia đợt 2 nữa vì bạn đó điểm cao và được tùy chọn theo sở thích rồi. Bạn rớt đợt 1 sẽ được tham gia đợt 2.
Đợt 2 sẽ gồm các bạn từ 24 điểm trở lên. Cứ như thế cho đến khi các trường hết chỉ tiêu.
Cần xây dựng phần mềm để các bạn đăng ký qua mạng và thay đổi trường, nguyện vọng trong các đợt tuyển sinh.
Với cách chia đợt theo phổ điểm, bộ sẽ căn cứ vào phổ điểm để chia mỗi đợt sao cho khả năng phần mềm của bộ/ trường đáp ứng được trong thời gian thí sinh đăng ký, thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển.
Cách này là công bằng, bạn điểm cao được chọn trước và chọn ngành mình thích nhất. Những bạn điểm thấp hơn sẽ có cái nhìn tốt hơn về tình hình tuyển sinh trường ngành mình chọn và có thể coi là có nguyện vọng 2 khi đợt tuyển sinh trước đó rớt. Điều này sẽ giảm được áp lực khi cứ thấy điểm chuẩn cứ cao dần rồi bị đẩy ra như năm nay. Đăng ký xét tuyển qua mạng sẽ nhẹ nhàng hơn. Tất nhiên ở vùng xa thì khó có mạng, có thể đến sở GDĐT... nhưng phần nào đó những bạn này đã được cộng điểm ưu tiên rồi.
Có thể chia nhỏ hơn nữa xét tuyển theo phổ điểm đồng thời theo khối.
Trên đây là những ý kiến của các bạn đọc. TTO mong muốn đón nhận những ý kiến phản biện, đóng góp trên tinh thần xây dựng để việc thi, tuyển những năm sau chất lượng hơn, thuận lợi hơn. Ý kiến vui lòng gửi về email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận