Phóng to |
Các nguyên thủ quốc gia tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 9 - Ảnh: Reuters |
Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần 9 (ASEM 9) đã diễn ra chiều 5-11 tại thủ đô Vientiane, Lào trong bối cảnh khủng hoảng ở châu Âu và những căng thẳng về lãnh thổ ở châu Á.
Theo TTXVN, phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Choummaly Sayasone nhấn mạnh ASEM 9 là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với hợp tác ASEM mà còn góp phần củng cố xu thế đối thoại, hợp tác và liên kết ở hai châu lục và trên thế giới, nhất là trong bối cảnh cục diện thế giới và ở hai khu vực đang có nhiều diễn biến nhanh chóng và phức tạp.
Thủ tướng Thongsing Thammavong, trong phát biểu chào mừng hội nghị, cũng khẳng định với chủ đề “Bạn bè vì hòa bình, đối tác vì thịnh vượng”, ASEM 9 sẽ tập trung trao đổi nhiều biện pháp quan trọng nhằm tăng cường hợp tác ASEM trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi kinh tế và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Tạo động lực mới cho hợp tác
Tham dự phiên họp “các vấn đề kinh tế tài chính”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: nhu cầu gia tăng hợp tác và liên kết khu vực trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việt Nam đề xuất ASEM cần tạo động lực mới cho trụ cột hợp tác kinh tế của diễn đàn thông qua phối hợp chặt chẽ hơn chính sách kinh tế - tài chính, đồng thời làm sống động lại cơ chế Hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEM đã bị gián đoạn gần mười năm qua.
Trong quá trình hợp tác, ASEM cần quan tâm thỏa đáng các vấn đề phát triển, các chương trình kết nối khu vực và liên khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển và bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các thành viên phát triển và đang phát triển.
Thủ tướng cũng chia sẻ quyết tâm của VN trong ổn định, lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời đóng góp vào những nỗ lực phát triển chung của khu vực và thế giới.
Trước đó, tại Diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 13, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ trương của Việt Nam về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp đóng góp tích cực hơn cho nỗ lực của các chính phủ, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai châu lục, phục hồi kinh tế và đẩy mạnh quan hệ đối tác công - tư.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Choummaly Sayasone. Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt Việt - Lào, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1 tỉ USD trong năm nay và 2 tỉ USD vào năm 2015. Về ASEAN, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để góp phần củng cố đoàn kết và thống nhất nhận thức trong ASEAN, bảo đảm Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới ở Campuchia thành công tốt đẹp, góp phần giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Tại cuộc hội kiến với Tổng thống Pháp FranÇois Hollande, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Pháp đã nhất trí đẩy nhanh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, cũng như trao đổi về việc nâng cấp quan hệ song phương. Ngoài ra, Thủ tướng cũng tiếp người đồng cấp Ý, Luxembourg, Slovenia, tổng thống các nước Bulgaria, Indonesia và ngoại trưởng Anh.
Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Pháp François Hollande tại Lào - Ảnh: AFP |
Tranh chấp biển Đông cần được giải quyết đa phương
Theo cộng tác viên Tuổi Trẻ tại Vientiane, trong ba cuộc gặp gỡ bên lề tại ASEM 9 với Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ và Na Uy ngày 4-11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino một lần nữa khẳng định các tranh chấp ở biển Đông cần được giải quyết bằng đối thoại đa phương và có sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Trả lời báo chí bên lề ASEM 9, Solony Coloma, thư ký báo chí của tổng thống Philippines, cho biết trong các cuộc gặp gỡ, các đối tác châu Âu hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận của ASEAN với vấn đề biển Đông.
Liên minh châu Âu ủng hộ việc tăng cường an ninh hàng hải tại biển Đông vì đó là con đường huyết mạch của thương mại toàn cầu. An ninh ở khu vực này cũng là quan tâm của EU. Chẳng hạn, an ninh hàng hải biển Đông là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các chính sách bảo hiểm áp dụng cho các hãng vận chuyển châu Âu.
Tuy nhiên, Kyodo trích lời một quan chức ngoại giao cho biết các nước tham gia ASEM sẽ không đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận tại các phiên toàn thể.
“Pháp bước vào vòng nhảy ở biển Đông” Dưới tựa đề này, báo Asie-Info ngày 1-11 cho rằng việc Pháp bán cho Philippines năm tàu tuần duyên là “một hành động có ý nghĩa chính trị”. Báo này đặt câu hỏi: ”Pháp đang làm gì ở khu vực này?” và viết: Dĩ nhiên, đây không chỉ là việc Pháp muốn dự phần vào cuộc chạy đua mua sắm thiết bị quân sự của khu vực này như Nga đã làm với Việt Nam hay Đức với Indonesia. Paris thừa hiểu việc này sẽ khiến Bắc Kinh giận dữ, nhưng đã làm ngơ cảnh báo này. Sau những cơ hội bị bỏ lỡ dưới thời tổng thống Sarkozy, Pháp đã điều chỉnh chính sách với Trung Quốc theo một công thức “có thể đảm bảo ổn định trong quan hệ song phương”. Công thức này gồm ba từ: tôn trọng lẫn nhau, trách nhiệm và có qua có lại. Báo này kết luận: ông François Hollande muốn tìm kiếm lợi ích mà thế kỷ 21 đang mang lại ở châu Á, nơi mà các hoạt động của Pháp đang ngày càng tăng lên, kể cả ở Đông Nam Á. Từ “trách nhiệm” trong chính sách ngoại giao của ông có nghĩa là “mọi quốc gia cần hành động đúng với vị trí và năng lực của mình”. Điều này cũng có nghĩa là Trung Quốc phải tuân thủ các luật chơi của một cường quốc. Điều này lại còn có nghĩa là Pháp cũng phải sẵn sàng nhận lãnh phần trách nhiệm của mình, dù là khiêm tốn đi nữa. Theo báo Philippine Daily Inquirer, Manila đã mua năm tàu tuần duyên trị giá 116 triệu USD và thời điểm chuyển giao là năm 2014. Các tàu này sẽ được đưa vào tuần tra ở biển Đông ngay sau đó. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận