29/04/2018 12:14 GMT+7

Bán ảnh nạn nhân diệt chủng Khmer Đỏ, tiền đã cao hơn đạo đức?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Người Campuchia đang hết sức tức giận khi hình ảnh nạn nhân của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ trưng bày tại Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng (Phnom Penh) bị chụp lại và rao bán trên những trang mua bán ảnh lớn nhất thế giới.

Bán ảnh nạn nhân diệt chủng Khmer Đỏ, tiền đã cao hơn đạo đức? - Ảnh 1.

Hình ảnh nạn nhân của nạn diệt chủng Khmer Đỏ bị rao bán vì mục đích thương mại trên trang Sprague Photo Stock - Ảnh chụp màn hình

Một người phụ nữ tóc ngắn hướng thẳng đôi mắt về máy chụp hình, đầu khẽ nghiêng về một bên. Trong lòng cô là một đứa bé đang ngủ say.

Người phụ nữ ấy là vợ của một sĩ quan Khmer Đỏ bị thất sủng. Cũng giống như hàng ngàn người khác, cô là tù nhân tại nhà tù S-21 của chế độ diệt chủng.

Đó là hình ảnh chụp chung cuối cùng của hai mẹ con. Đứa bé bị tách ra khỏi người mẹ trước khi những tên đồ tể của Khmer Đỏ dẫn cô đến nơi hành quyết, rất nhanh sau khi bức ảnh được chụp.

Bán ảnh nạn nhân diệt chủng Khmer Đỏ, tiền đã cao hơn đạo đức? - Ảnh 2.

Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng ngày nay đã trở thành địa điểm tham quan, giáo dục và học tập - Ảnh: BÌNH AN

Khmer Đỏ bị đánh bại một cách nhanh chóng bởi quân tình nguyện Việt Nam. Hàng chục năm sau cuộc chiến, những đau thương và quá khứ kinh hoàng vẫn hiện diện ở đất nước Chùa tháp.

Hình ảnh hai mẹ con khi xưa cùng hàng chục nạn nhân khác của Khmer Đỏ nay đã được nhiều người biết đến, với những chú giải rành rọt như đưa người xem trở về quá khứ. Sẽ chẳng có gì phải nói nếu người ta bắt gặp những hình ảnh đó ở Toul Sleng - một bảo tàng được hoán cải từ S-21 khét tiếng.

Nhưng không.

Những hình ảnh đó xuất hiện ít nhất trên 2 trang bán ảnh trực tuyến lớn của thế giới. Với cái giá 199,99 USD cho mỗi tấm hình, giờ đây bất kỳ ai cũng có thể sở hữu nó. Có tới 2.000 tấm ảnh như thế trên Alamy.

"Đây thật sự là một điều sai trái. Những bức ảnh đó được chụp bởi lính Khmer Đỏ trước khi chúng tra tấn và giết người khác", tạp chí Mekong Review, nơi phát hiện sự việc, viết.

Bán ảnh nạn nhân diệt chủng Khmer Đỏ, tiền đã cao hơn đạo đức? - Ảnh 3.

Bức ảnh gốc được trưng bày tại Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng ở Phnom Penh. Ảnh chụp năm 2013 - Ảnh: REUTERS

Tác giả của các hình ảnh nạn nhân S-21 trên Alamy của Anh và Sprague Photo Stock ở Mỹ dường như đã chụp chúng bên trong bảo tàng Toul Sleng. Chụp ảnh là điều cấm kỵ bên trong bảo tàng.

Giám đốc bảo tàng, ông Chhay Visoth, thừa nhận không hề hay biết vụ việc cho đến khi được hỏi.

"Bán hay sử dụng những hình ảnh như thế là phạm pháp nhưng hơn hết là vô đạo đức. Họ đã là nạn nhân của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và họ càng không nên trở thành nạn nhân một lần nữa của các mục đích ích kỷ", ông Chhay Visoth chỉ trích.

Tiền cao hơn đạo đức?

Người đứng đầu Cục Văn thư Campuchia Youk Chhang, một chứng nhân của lịch sử sống sót sau chế độ Khmer Đỏ, nhấn mạnh những ký ức đau thương của một đất nước nên được sử dụng một cách hợp lý với sự trân trọng.

Bán ảnh nạn nhân diệt chủng Khmer Đỏ, tiền đã cao hơn đạo đức? - Ảnh 4.

S-21 ngày xưa nay đã trở thành Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng, nơi nhắc nhở thế hệ sau của Campuchia về giá trị của những gì đang có sau những năm tháng đen tối dưới chế độ Khmer Đỏ - Ảnh: REUTERS

Các tài liệu và những hình ảnh về Khmer Đỏ, các nạn nhân của chúng đã được lan truyền trên khắp thế giới. Điều đó là bởi vì chúng tôi, với tư cách là nạn nhân, muốn cả thế giới biết hàng triệu người Campuchia đã phải chịu sự cai trị tàn bạo của Khmer Đỏ như thế nào. Đó là bởi vì chúng tôi muốn đòi công lý cho cả những người đã mất đi và còn sống sau chế độ diệt chủng.

Ông Youk Chhang giãi bày trên Phnom Penh Post

Không phải ai cũng có cùng suy nghĩ đó. Nhem En, 58 tuổi, một cựu binh lính của Khmer Đỏ, tác giả của các bức ảnh gốc, cho rằng chính ông ta chứ không phải ai khác mới là người sở hữu tác quyền.

Nhem En phục vụ cho Khmer Đỏ trong khoảng 3 năm ở S-21 với nhiệm vụ duy nhất là chụp lại các tù nhân trước khi họ bị đưa đi tra tấn và hành quyết.

Nhem En còn sống và đang bức xúc về bản quyền của những tấm ảnh đơn giản-nhưng ám ảnh mà ông ta đã chụp.

Tôi là người chụp chúng nên bản quyền phải thuộc sở hữu của tôi nhưng ở Campuchia bản quyền chẳng là gì cả. Truyền thông nước ngoài sử dụng hình ảnh của tôi nhưng họ thậm chí còn không cảm ơn tôi. Người nước ngoài có thể không biết tôi là ai nhưng chính phủ Campuchia thì có và họ nên làm cái gì đi chứ.

Tay cựu lính Khmer Đỏ nêu bức xúc

Tiền, bản quyền thật sự cao hơn đạo đức, nhân cách và quá khứ đau thương của cả một dân tộc như vậy hay sao? Một tiểu ban thành lập năm 2001 của chính phủ Campuchia là cơ quan duy nhất có quyền sở hữu hợp pháp các bức ảnh trên, theo Phnom Penh Post.

Trước làn sóng giận dữ của người Campuchia và sự vào cuộc của báo chí, cả hai trang Alamy và Sprague Photo Stock đã phải đưa ra lời xin lỗi đồng thời xóa toàn bộ những tấm ảnh nói trên.

Các nhiếp ảnh gia cung cấp những bức ảnh cho Alamy không có quyền chụp ảnh trong Bảo tàng Toul Sleng. Các bức ảnh đã được xóa vĩnh viễn khỏi nền tảng của Alamy. Chúng tôi muốn gửi lời xin lỗi tới Bảo tàng Toul Sleng và mong muốn xem sự việc đã kết thúc tại đây.

Thông báo của Alamy ngày 27-4 viết

100 tranh vẽ từ trại diệt chủng của Đức quốc xã 100 tranh vẽ từ trại diệt chủng của Đức quốc xã

TTO - Lần đầu tiên 100 bức họa của những họa sĩ Do Thái từng sống trong trại tập trung của Đức quốc xã được trưng bày tại Đức.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên