Bộ Tài chính cho rằng Bamboo Airways cần giải trình thêm nhiều thông tin. Trong ảnh: hành khách trên máy bay của Bamboo Airways - Ảnh: C.TRUNG
Trả lời văn bản của UBND tỉnh Bình Định đề nghị góp ý hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án của Bamboo Airways, Bộ Tài chính đã đề nghị UBND tỉnh cần rà soát, thẩm định các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật vận tải hàng không theo quy mô tăng thêm của Bamboo Airways để phù hợp với quy định Việt Nam và quốc tế.
Video: Sau 3 tháng bay, Bamboo Airway lỗ hơn 300 tỉ đồng
Hơn 3 tháng lỗ hơn 300 tỉ đồng
Dù mới chính thức cất cánh vào ngày 16-1-2019, Bamboo Airways (thuộc Tập đoàn FLC) đã rầm rộ đề xuất tăng số lượng máy bay từ mức được phê duyệt là 10 chiếc đến năm 2023 lên mức 22 máy bay ngay trong năm 2019, và 30 chiếc đến 2023. Tổng mức đầu tư dự án cũng được tăng lên 8.300 tỉ đồng.
Hồ sơ điều chỉnh dự án kèm theo giấy chứng nhận đăng ký của Bamboo Aiways do Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định cấp thay đổi lần thứ 4 vào ngày 4-3-2019 cho thấy hãng này đã có vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng.
Dự án của FLC đề nghị tăng gấp 3 lần số máy bay, nhưng Bộ Tài chính nhấn mạnh hãng chưa có thuyết minh tính hiệu quả, phương án đảm bảo cân đối dòng tiền.
Tính đến 30-4, tức chỉ sau khoảng 3 tháng bay, Bamboo Airways lỗ 329 tỉ đồng. Doanh nghiệp mới bắt đầu khai thác kinh doanh, chưa đủ cơ sở để đánh giá hiệu quả. Trong khi đó, với tổng nguồn vốn 2.200 tỉ đồng nhưng khoản phải thu về trả cho vay ngắn hạn tại thời điểm 30-4 lên tới hơn 1.062 tỉ đồng.
Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Định cần lấy ý kiến bộ GTVT về tính khả thi và sự phù hợp các quy hoạch, kế hoạch phát triển hàng không dân dụng khi Bamboo Airways tính tăng số lương lớn máy bay, trong đó cần xem các chỉ tiêu về nguồn nhân lực; gắn việc tăng quy mô của hãng với năng lực hạ tầng…
Không dễ cho tăng thêm hãng bay, máy bay
Ngoài các hãng bay đang hoạt động, hiện còn có Vinpearl Air, Vietravel Airlines, Thiên Minh Group... đang xếp hàng chờ cấp phép bay. Theo ông Lại Xuân Thanh - chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, việc phát triển của các hãng hàng không phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là năng lực kiểm soát an ninh, an toàn.
"Phải tuân thủ quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế. Cái này đã có barem rất cụ thể, một máy bay, một nhà khai thác thì phải có bao nhiêu người chăm lo cho việc kiểm soát an toàn khai thác" - ông Thanh nói, đồng thời cho rằng muốn phát triển thêm các hãng hàng không, đội máy bay phải nhìn vào năng lực phát triển của nhà chức trách hàng không.
Ngày 12-8, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, trong đó yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý đầu tư phát triển ngành hàng không nhưng phải phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về năng lực giám sát của nhà chức trách hàng không và năng lực của doanh nghiệp hàng không.
Yêu cầu giải trình khả năng tài chính
Báo cáo tài chính năm 2018 của FLC (công ty mẹ của Hãng Bamboo Airways) đã được kiểm toán cho thấy tổng nợ phải trả doanh nghiệp này lên tới 13.679 tỉ đồng, bằng 59% tổng tài sản, tỉ lệ nợ phải trả/vốn sở hữu lên tới 146%.
Bộ Tài chính kết luận: hoạt động của FLC phụ thuộc vào hình thức huy động vốn bằng vay nợ. Nếu FLC cam kết bảo lãnh thực hiện mọi nghĩa vụ của Bamboo Airways phát sinh từ hợp đồng thuê, mua máy bay…, theo Bộ Tài chính, FLC và hãng bay phải có báo cáo làm rõ, giải trình năng lực, khả năng tài chính để thực hiện quyền bảo lãnh, nghĩa vụ liên quan...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận