06/02/2014 09:15 GMT+7

Bãi giữ xe thu 30.000 đồng/xe máy

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TT - Sáng 5-2, hai bãi giữ xe tại lăng Ông, P.1, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) chật kín xe. Tại hai bãi giữ xe này, khi có người dắt xe ra thì ngay lập tức có người chạy xe vào lấp chỗ trống.

Khủng hoảng "nhét" xe vào bãi tại bến xe, ga tàuChiếm lề đường làm bãi giữ xe lại thu quá giá“Chặt chém” ở bãi giữ xe

ky2wGfGK.jpgPhóng to
Người giữ xe trước cổng khu du lịch Suối Tiên (Q.9, TP.HCM) chào mời khách vào gửi xe. Ngày 5-2, giá giữ xe tại bãi này là 30.000 đồng/xe máy - Ảnh: M.Trường

Tại đây treo bảng giữ xe cho người đi viếng lăng Ông và người đi chợ Bà Chiểu, nhưng phần lớn xe gửi tại đây là xe của người đi viếng lăng Ông. Đa số mọi người chỉ gửi xe trong khoảng 30 phút.

Đứng quan sát tại đây chừng 20 phút, chúng tôi đếm có khoảng 50 người vào gửi xe máy và cũng chừng ấy người lấy xe ra, nhân viên bãi giữ xe này thu 10.000 đồng/xe máy.

Thỉnh thoảng có một vài người phản ứng với nhân viên bãi giữ xe vì bị thu phí quá cao, nhưng không có ai được trả lại tiền hoặc được thu theo giá quy định của UBND TP.HCM.

Theo quyết định 32/2012/QĐ-UBND của UBND TP về việc thu phí trông giữ xe trên địa bàn TP, mức phí cao nhất đối với xe máy (xe số) gửi buổi ngày là 4.000 đồng/xe.

Gọi đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ, một bạn đọc tên Huy cho biết trong những ngày từ mồng 2 đến mồng 4 tết, bãi giữ xe tại lăng Ông thu đến 20.000 đồng/xe máy.

“Với lượng người gửi xe rất đông, chủ bãi giữ xe này “chặt chém” như vậy nhưng không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý gì” - anh Huy nói.

Tương tự, những ngày qua, khách đi lễ chùa Ngọc Hoàng ở P.Đa Kao, Q.1 (TP.HCM) cũng phải trả mức phí giữ xe cao năm lần giá quy định.

Một bạn đọc giấu tên phản ảnh: “Thường ngày những bãi giữ xe quanh chùa Ngọc Hoàng thu khoảng 5.000 đồng/xe máy, nhưng sáng mồng 4 tết tôi gửi xe ở đây để vào chùa, khoảng một giờ sau lấy xe ra thì nhân viên giữ xe thu tới 20.000 đồng. Thấy giá cao vô lý, tôi thắc mắc và cự cãi thì nhân viên bãi giữ xe này viện lý do giá gửi xe tết nên phải cao hơn bình thường. Sau một hồi đôi co thì cuối cùng tôi cũng phải trả 20.000 đồng như những người khác”.

Cùng ngày, chúng tôi chạy xe máy qua trước cổng khu du lịch Suối Tiên (P.Tân Phú, Q.9) và nhiều người “nhiệt tình” chạy ra đường mời chào vào gửi xe tại các bãi giữ xe tự phát nằm dọc đường. Chỉ một đoạn đường khoảng 100m trên quốc lộ 1, đoạn trước cổng khu du lịch Suối Tiên nhưng có khoảng 10 bãi giữ xe như thế.

Trong đó có những bãi giữ xe đơn giản chỉ là một tấm bảng dựng ngoài đường trước một bãi đất trống hoặc có những bãi giữ xe tận dụng các con hẻm, thềm nhà...

Khoảng 11g 30 ngày 5-2, chúng tôi gửi xe tại một bãi giữ xe nằm cạnh cổng khu du lịch Suối Tiên. Gọi là bãi giữ xe nhưng đây chỉ là một bãi đất trống có diện tích khá rộng, phía trước có treo bảng “bãi giữ xe” và hai nhân viên ngồi ngay lề đường để mời chào khách.

Khoảng 30 phút sau, chúng tôi quay lại lấy xe, nhân viên bãi giữ xe hét giá 30.000 đồng! Tưởng mình nghe nhầm, tôi hỏi lại lần nữa thì người này khẳng định giá trên là đúng vì đang tính theo “giá giữ xe ngày tết” (?).

Trong khi đó, cạnh bãi giữ xe này là một bãi giữ xe của khu du lịch Suối Tiên được niêm yết giá 4.000 đồng/xe máy nhưng do hết chỗ nên người dân phải tự tìm các bãi giữ xe bên ngoài và bị “chặt chém” không nương tay...

Tiếp nhận thông tin từ báo Tuổi Trẻ, đại diện P.Tân Phú, Q.9 cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo phường và lãnh đạo phường đã cử cán bộ đi khảo sát giá tại các bãi giữ xe xung quanh khu du lịch Suối Tiên để có hướng xử lý cụ thể”.

Còn việc giữ xe thu quá giá quy định tại P.1, Q.Bình Thạnh (trong đó có hai bãi giữ xe tại lăng Ông), chiều 5-2, một nhân viên trực tại UBND P.1 hứa sẽ báo cáo lãnh đạo phường để kiểm tra, xử lý.

Chiều 5-2, chúng tôi gọi đến số điện thoại của UBND P.Đa Kao, Q.1 nhiều lần để phản ảnh nhưng không ai nghe máy...

Phí giữ xe máy tại các đền, chùa tăng 40-100%

Đây là thông tin do Bộ Tài chính tổng hợp về tình hình giá cả dịp tết và sau tết trên cả nước. Theo Bộ Tài chính, giá cả cơ bản vẫn giữ bình ổn như những ngày trước tết, chỉ một số hàng hóa, dịch vụ giá tăng cao như phí giữ ôtô, xe máy (tại các đền, chùa) tăng từ 40-100%; giá hàng ăn như bún, phở tăng 40% so với ngày thường.

Riêng việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường, giá cả trong dịp tết này, Bộ Tài chính cho biết có 39 địa phương đã triển khai cho doanh nghiệp vay và hỗ trợ lãi suất với tổng kinh phí 1.095 tỉ đồng. Đặc biệt, chương trình bình ổn thị trường Tết Giáp Ngọ 2014 có nhiều điểm mới như đẩy mạnh xã hội hóa. Nhiều địa phương vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp tết với nguồn vốn và hàng hóa tự có của doanh nghiệp. Đáng chú ý, TP.HCM không dùng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà tổ chức kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn với các tổ chức tín dụng để vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất, đơn vị vận chuyển...

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên