Thế nhưng do cơ quan chức năng còn phân vân trong việc cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nên 150 cán bộ nhân viên của bệnh viện này vẫn đang thất nghiệp.
Lại rối ở Bệnh viện Tây đôBắt đầu thanh tra Bệnh viện Tây Đô
Phóng to |
Thông báo đóng cửa của Bệnh viện Tây Đô - Ảnh: Chí Quốc |
Do không biết đến khi nào bệnh viện mới hoạt động trở lại nên nhiều bác sĩ của bệnh viện này đã phải tự tìm việc khác.
Ai cũng tiếc
Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, sản phụ Phạm Thị Ngọc Tuyết bày tỏ nỗi thất vọng vì không được sinh tại Bệnh viện Tây Đô. Hai năm trước chị đã sinh tại đây một lần, cảm thấy hài lòng về thái độ phục vụ, giá cả và thời gian người nuôi bệnh ra vào bệnh viện khá thoải mái.
Diễn biến vụ tranh chấp ở Bệnh viện Tây Đô Bệnh viện Tây Đô được khởi công cuối năm 2004 và chính thức hoạt động tháng 8-2007. Giữa năm 2009 đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên góp vốn của công ty, vì vậy Thanh tra Sở Kế hoạch - đầu tư TP Cần Thơ đã tiến hành thanh tra và kết luận ông Diệp Thanh Bình - chủ tịch hội đồng thành viên công ty - có nhiều vi phạm. Sau đó do ông Bình không khắc phục nên một số thành viên góp vốn đã vây lấy bệnh viện để duy trì hoạt động, còn ông Bình mang con dấu về nhà. Tháng 4-2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên hủy hai giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch - đầu tư cấp cho Công ty TNHH Bệnh viện Tây Đô. Sau đó cơ quan chức năng TP Cần Thơ cũng tiến hành thu hồi con dấu của công ty. Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, hai giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bị hủy nên ông Bình không còn là người đại diện theo pháp luật của công ty, nhưng Sở Kế hoạch - đầu tư khẳng định việc triệu tập hội đồng thành viên không do ông Bình thực hiện là không hợp pháp. Vì vậy đến nay công ty vẫn chưa được cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần ba. |
Hai trong số nhiều nữ hộ sinh bị thất nghiệp do bệnh viện đóng cửa là bà Cao Thị Ngữ và Trương Thị Lượm cho biết làm tại đây từ khi bệnh viện mới thành lập, với tuổi cao (trên 50 tuổi) nên xin việc khác rất khó.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Giang - trưởng khoa gây mê Bệnh viện Tây Đô - nói khoa ông có 18 người, do bệnh viện lâu hoạt động trở lại nên khoảng 15 người trong số này đã đi tìm việc khác ở khắp các cơ sở y tế tại TP Cần Thơ. Riêng ông tiếp tục chờ thêm một thời gian nữa xem tình hình thế nào mới quyết định có chọn xin việc khác hay không.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Chơn (khoa ngoại) làm việc tại Bệnh viện Tây Đô bốn năm, vừa học xong chương trình chuyên khoa 1 tại TP.HCM (hai năm) trở về thì hay “hung tin” bệnh viện đóng cửa. Bác sĩ Chơn phải khám bệnh thêm ở phòng mạch cho một số bệnh nhân quen biết trong quá trình điều trị trước đây.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng - tổng giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Tây Đô, bệnh viện này có 200 giường bệnh. Thời điểm trước khi xảy ra tranh chấp giữa các thành viên góp vốn (năm 2009), mỗi ngày bệnh viện nhận khám 200-300 bệnh nhân, phẫu thuật 150-200 bệnh nhân. Từ năm 2009 đến nay dù ảnh hưởng của việc tranh chấp nội bộ nhưng mỗi ngày cũng nhận khám và phẫu thuật 150 bệnh nhân vì giá dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện không tăng. Do không có con dấu trong suốt thời gian tranh chấp nên các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ nhân viên bệnh viện không thanh toán được với cơ quan bảo hiểm với số tiền 2,4 tỉ đồng.
Chưa biết khi nào hoạt động trở lại
Ông Hoàng bức xúc: “Chúng tôi biết tới tháng 8-2012 thì giấy phép hành nghề của Bộ Y tế cấp cho bệnh viện hết hạn, nên từ tháng 5-2012 đã gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch - đầu tư đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới làm cơ sở xin con dấu và giấy phép hành nghề mới, nhưng đến nay sở vẫn cho biết đang lấy ý kiến cơ quan liên quan”. Trước đó tháng 6-2012, Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư TP Cần Thơ đã có văn bản gửi công ty thông báo hồ sơ đăng ký thay đổi kinh doanh của công ty chưa đủ cơ sở để xem xét vì việc triệu tập hội đồng thành viên của đơn vị này chưa đúng quy định, không do chủ tịch hội đồng thành viên (ông Diệp Thanh Bình) triệu tập.
Ông Nguyễn Thanh Hải - trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư TP Cần Thơ - giải thích do tính phức tạp vì tranh chấp nội bộ nên tính pháp lý của hồ sơ chưa rõ (vì có một bên tranh chấp làm), do vậy sở vừa có công văn gửi Công an, Sở Tư pháp, Tòa án và Viện kiểm sát TP Cần Thơ để xin ý kiến về tính pháp lý của bộ hồ sơ này nhưng những cơ quan trên chưa phản hồi nên vụ việc chưa giải quyết dứt điểm. “Dự kiến đầu tuần tới ban giám đốc sở sẽ có chỉ đạo tiếp theo. Vụ việc này phức tạp nên không thể xét cấp theo đúng thời gian quy định được” - ông Hải lý giải.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết quan điểm của TP là muốn bệnh viện sớm ổn định, hoạt động trở lại để vừa có nguồn thu cho công ty, vừa góp phần vào công tác khám chữa bệnh của người dân TP và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, ông Sơn nói rằng mấu chốt của vấn đề là tranh chấp nội bộ của công ty vẫn chưa ngã ngũ nên “cấp cho bên này thì bên kia kiện”, vì vậy vụ việc mới kéo dài. Theo ông Sơn, để có thể giải quyết vụ việc cần có phán quyết của tòa án về tranh chấp giữa hai bên, nhưng vừa qua tòa án cũng chỉ xử về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giữa công ty với Sở Kế hoạch - đầu tư mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận