23/10/2013 11:39 GMT+7

Bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác khách hàng bị xử tội gì?

 C.M ghi
 C.M ghi

TTO - Bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Mạnh Tường làm chết bệnh nhân rồi phi tang thi thể xuống sông không chỉ phạm tội hình sự mà còn là hành vi vô nhân đạo khiến dư luận phẫn nộ. Pháp luật quy định xử phạt hành vi này ra sao?

WJLYP17b.jpgPhóng toViệc tìm kiến thi thể bệnh nhân bị bác sĩ Tường ném xuống sông Hồng vẫn chưa có kết quả - Ảnh: Quang Thế

Toàn cảnh vụ bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác khách hàng

Luật sư Trương Xuân Tám - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

Xử phạt nặng theo điều 99 Bộ luật hình sự

Theo tôi trong trường hợp này hành vi của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã có dấu hiệu của tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo điều 99 Bộ luật hình sự.

Theo những thông tin ban đầu về vụ án, Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường nhận phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền và hậu quả là chị Huyền tử vong trong quá trình phẫu thuật. Chưa có chứng cứ nào cho thấy bác sĩ Tường và nhóm kỹ thuật viên tại Trung tâm có mâu thuẫn, mục đích giết chết chị Huyền nên việc chị H. tử vong là nằm ngoài mong muốn của bác sĩ và Trung tâm thẩm mỹ.

Có thể trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật đã vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc chữa trị y tế như: Trung tâm thẩm mỹ hoạt động chưa có giấy phép, bác sĩ tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp kỹ thuật chưa được cho phép, kỹ thuật thẩm mỹ bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện nhưng lại thực hiện tại Trung tâm thẩm mỹ… Những vi phạm trên dẫn đến hậu quả chết người nên bác sĩ phải bị xử lý theo điều 99 Bộ luật hình sự.

Do xác định việc chết người là lỗi vô ý nên điều 99 chỉ quy định hình phạt đối với hành vi làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp bị xử phạt từ 1-6 năm tù.

Ngoài bác sĩ Tường là người trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho chị Huyền phải bị xử lý theo tội danh trên thì cơ quan điều tra cũng cần tiến hành làm rõ hành vi của nhóm nhân viên kỹ thuật cùng tham gia trong ê kíp tiến hành phẫu thuật cho chị Huyền.

Những nhân viên kỹ thuật nào có tham gia vào quá trình phẫu thuật, có vi phạm trong quá trình gây mê, hồi sức, không cấp cứu kịp thời bệnh nhân… dẫn đến việc chị Huyên tử vong có thể cùng bị xử lý về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp với vai trò đồng phạm cùng với bác sĩ Tường.

Hành vi bác sĩ không trình báo cơ quan công an về cái chết của bệnh nhân, không báo cho gia đình nạn nhân mà lại lén phi tang thi thể bệnh nhân đã gây phẫn nộ cho gia đình nạn nhân và dư luận. Tuy nhiên, theo tôi, hành vi này của bác sĩ Tường không cấu thành thêm tội độc lập nào khác. Rất nhiều người sau khi thực hiện tội phạm đã tìm cách xóa dấu vết hiện trường, phi tang chứng cứ để tránh bị phát hiện.

Dù không cấu thành thêm tội danh nào khác nhưng việc ném xác nạn nhân xuống sông, gây thêm đau khổ cho gia đình nạn nhân, làm khó khăn thêm cho công tác điều tra vụ án của bác sĩ Tường phải được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bác sĩ này.

Tình tiết này sẽ được tòa án xem xét trong quá trình vận dụng khung hình phạt để xét xử bị cáo với mức án nghiêm khắc, đảm bảo phòng ngừa chung.

Dù vậy, vẫn không loại trừ khả năng chị Huyền có thể chưa chết khi bị bác sĩ cùng nhân viên bảo vệ vứt xuống sông. Trường hợp khi tìm được xác chị Huyền, qua giám định pháp y xác định chị Huyền chưa chết khi bị vứt xuống sông (có thể lúc đó do hoảng loạn mà bác sĩ cùng các nhân viên tại Trung tâm thẩm mỹ tưởng chị H. đã chết) thì bác sĩ Tường cùng các nhân viên có liên quan phải bị xử lý về tội giết người theo điều 93 Bộ luật hình sự (có khung hình phạt từ 7 năm tù đến tù chung thân hoặc tử hình).

Xử phạt nghiêm, tước chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn

Theo Quy trình khám chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành tại quyết định số 1313/QĐ-BYT, trong trường hợp biết sức khỏe của bệnh nhân, khách hàng của mình nguy kịch, đáng lý ra bác sĩ cần phải đưa ngay bệnh nhân đi Bệnh viện để chữa trị, cấp cứu kịp thời.

Việc bác sĩ cố tình che đậy hậu quả sai sót và trước đó đã trực tiếp gây nên cái chết thương tâm cho khách hàng là một vi phạm nghiêm trọng. Đây không chỉ là việc làm trái với đạo đức, quy tắc hành nghề y mà đã vi phạm pháp luật hình sự.

Bác sĩ vi phạm ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự thì cơ quan chức năng cũng phải tước chứng chỉ hành nghề bác vĩnh viễn đối với bác sĩ Tường.

Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến sự quản lý của Nhà nước đối với ngành y. Một quyết định, một phán đoán của người thầy thuốc có thể làm cho bệnh nhân khỏi bệnh, nhưng cũng có thể làm cho tình trạng bệnh nhân xấu đi. Đạo đức nghề nghiệp luôn được phải rèn luyện. Người thầy thuốc cũng vậy, luôn phải tỉnh táo, cân nhắc trước mọi sự quyết định của mình, vì đó là sức khoẻ, tính mạng, hạnh phúc của bệnh nhân.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

Đoàn luật sư TP.HCM

Đọc thêm:

Gia đình thuê thuyền, mang đèn tìm xác nạn nhân trong đêmBác sĩ ném xác bệnh nhân, ngành y tế xin lỗi nhân dânBắt chủ thẩm mỹ viện nghi làm chết bệnh nhân rồi ném xácBắt vợ chồng bác sĩ thẩm mỹ viện nghi ném xác bệnh nhân xuống sông HồngThực nghiệm hiện trường vụ ném xác trên cầu Thanh TrìBắt khẩn cấp bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường

 C.M ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên