15/11/2015 07:22 GMT+7

Bác sĩ giúp 100.000 người mù sáng mắt

D.KIM THOA (Theo New York Times)
D.KIM THOA (Theo New York Times)

TT - Chỉ với ca tiểu phẫu khoảng năm phút, bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng người Nepal Sanduk Ruit đã mang lại ánh sáng cho những người bị mù vì chứng đục thủy tinh thể (còn gọi là bệnh cườm mắt).

Bác sĩ Sanduk Ruit chăm sóc mắt cho người bệnh - Ảnh: YouTube
Bác sĩ Sanduk Ruit chăm sóc mắt cho người bệnh - Ảnh: YouTube

Báo New York Times tuần rồi đăng bài viết về chuyên gia nhãn khoa Sanduk Ruit, người đã khôi phục thị lực cho hơn 100.000 người mù, có lẽ nhiều hơn bất cứ một chuyên gia nhãn khoa nào trong lịch sử thế giới.

Hiện tại bệnh nhân, nhất là những người nghèo, từ khắp nơi vẫn tiếp tục vượt đường sá tới tìm ông với hi vọng lại được nhìn thấy những người thân yêu của họ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, toàn cầu hiện có khoảng 39 triệu người bị mù, khoảng một nửa trong số đó bị mù do đục thủy tinh thể và khoảng 246 triệu người khác bị suy giảm thị lực.

Với những người nghèo bị mù, hi vọng sáng lại mắt gần như là không tưởng. Nhưng bác sĩ Ruit đã là người tiên phong trong kỹ thuật tiểu phẫu đục thủy tinh thể đơn giản chỉ tốn 25 USD cho mỗi bệnh nhân và gần như lúc nào cũng thành công. Trên thực tế, “phương pháp Nepal” của ông hiện đang được dạy tại các trường y khoa của Mỹ.

Nhà báo Kristof đã cùng bác sĩ Ruit tới vùng Hetauda miền nam Nepal để tận mắt chứng kiến bàn tay tài hoa của ông khi làm tiểu phẫu cho 102 người mù gồm cả đàn ông và phụ nữ. Bà Thuli Maya Thing, 50 tuổi, là một trong số ấy.

Bà Thuli Maya kể suốt mấy năm bị mù vì chứng đục thủy tinh thể, bà đã rất vất vả khi phải trông nom các cháu. Vì bị mù và không còn khả năng lao động nên đôi khi cả nhà bà lâm vào cảnh đói ăn. Bà nói: “Tôi không thể đi lấy củi hay lấy nước được. Tôi cũng không nấu ăn được. Nhiều lần tôi bị ngã, cũng có lúc bị bỏng lửa nữa”.

Trong tâm trạng vừa hồi hộp vừa háo hức, bà được bác sĩ Ruit tiến hành thao tác phẫu thuật đục thủy tinh thể đã hỏng và thay thủy tinh thể nhân tạo. Toàn bộ quá trình tiểu phẫu một bên mắt chỉ mất khoảng năm phút. Tiếp đó ông Ruit lặp lại thao tác tương tự với mắt phải của bà Thuli Maya. Ông khẳng định bà sẽ nhìn lại được.

Ở Mỹ, một ca phẫu thuật đục thủy tinh thể như thế thường cần tới những máy móc rất phức tạp. Hiểu rõ đó là điều không khả thi tại các nước nghèo, bác sĩ Ruit đã nghiên cứu ra phương pháp phẫu thuật không cần dùng kim khâu này.

Thoạt đầu nhiều người còn nghi ngờ, thậm chí giễu cợt những sáng kiến của ông. Nhưng rồi sau đó Tạp chí Nhãn khoa Mỹ (American Journal of Ophthalmology) công bố nghiên cứu về một thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy kỹ thuật phẫu thuật của bác sĩ Ruit mang lại kết quả thành công tương đương tới 98% so với kết quả phẫu thuật của các máy móc phức tạp phương Tây. Khác biệt chỉ là phương pháp của bác sĩ Ruit nhanh hơn và rẻ hơn.

“Các kết quả thật đáng kinh ngạc” - bác sĩ Geoffrey Tabin, chuyên gia về mắt tại Trung tâm nhãn khoa Moran của Đại học Utah, nói. Bác sĩ Tabin cũng đã học phương pháp phẫu thuật đặc biệt của bác sĩ Ruit. Ông cho biết những người bệnh được phẫu thuật theo cách này cũng thu được kết quả tốt y như những người bệnh của ông tại thành phố Salt Lake ở tiểu bang Utah, Hoa Kỳ.

Bác sĩ Tabin trong vai trò là giám đốc tổ chức thiện nguyện Himalayan Cataract Project đã hỗ trợ bác sĩ Ruit trong quá trình mang kỹ thuật phẫu thuật đặc biệt của ông tới các nước khác như Ethiopia và Ghana. Họ cùng chung tay trong dự án Ruit/Tabin có địa chỉ website tại CureBlindness.org.

Theo thống kê của bác sĩ Ruit, tới nay ông đã thực hiện 120.000 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể, hầu hết làm với một bên mắt của người bệnh. Nhưng ông không chỉ tìm ra một cách phẫu thuật hiệu quả mà còn xây dựng nên cả một hệ thống chăm sóc mắt tổng thể.

Ông thành lập Viện nhãn khoa Tilganga gồm các bệnh viện, trạm y tế và các chương trình đào tạo cùng một ngân hàng mắt, sử dụng tiền chi phí do những người bệnh giàu có hơn để hỗ trợ những người bệnh nghèo như bà Thuli Maya. Viện Tilganga mỗi năm thực hiện phẫu thuật mắt cho khoảng 30.000 người bệnh, trong đó một nửa thu phí còn một nửa miễn phí.

Viện Tilganga cũng sản xuất mỗi năm 450.000 thủy tinh thể dùng trong phẫu thuật với giá bán chỉ 3 USD/thủy tinh thể, rẻ hơn rất nhiều nếu so với mức giá 200 USD ở phương Tây. Rẻ nhưng chất lượng lại rất tốt, bằng chứng là chúng được xuất khẩu tới 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có một số nước ở châu Âu. Với những người bị mất một mắt, Tilganga cũng tạo ra những con mắt giả trông y như thật chỉ với giá 3 USD, vẫn rẻ hơn nếu so với giá 150 USD cho một con mắt giả nhập khẩu.

Hệ thống chăm sóc mắt của bác sĩ Ruit thật sự gây ấn tượng với nhiều chuyên gia y khoa trên thế giới. Bác sĩ David F. Chang, cựu chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật các bệnh khúc xạ và đục thủy tinh thể Mỹ (American Society of Cataract and Refractive Surgery), gọi ông Ruit là “một trong những chuyên gia nhãn khoa quan trọng nhất trên thế giới”.

Bác sĩ Ruit năm nay 61 tuổi, ông sinh ra và lớn lên tại một vùng xa xôi ở miền đông bắc Nepal. Ông học y khoa tại Ấn Độ và hiện đang tiếp tục mang những sáng kiến y học của mình tới các quốc gia có thu nhập thấp.

Ông nói: “Nếu chúng tôi có thể làm việc này tại Nepal thì ở đâu trên thế giới này cũng có thể làm như vậy”.

D.KIM THOA (Theo New York Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên