02/10/2022 08:43 GMT+7

Bác sĩ 'bớt' giờ làm việc công: Chuyện không của riêng ai

PHƯƠNG NGA
PHƯƠNG NGA

TTO - Đang trong giờ làm việc tại bệnh viện công ở TP.HCM, bốn bác sĩ đi khám bệnh tại phòng khám tư ở tỉnh khác (Tuổi Trẻ 1-10). Cái sai đã rõ rồi, nhưng đây không phải là câu chuyện cá biệt của bốn bác sĩ này.

Bác sĩ bớt giờ làm việc công: Chuyện không của riêng ai - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân chờ khám tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Vì sao biết sai nhưng nhiều bác sĩ đã chọn cách này?

Chuyện không mới lạ và không của riêng ai. Và đây là chuyện của chính sách và cơ chế chứ không chỉ là chuyện đúng - sai của riêng bác sĩ hay bệnh viện nào.

Nước chảy về chỗ trũng

Thực tế cho thấy không ít phòng khám và bệnh viện tư có mặt bằng, trang thiết bị máy móc nhưng rất thiếu bác sĩ khám chữa bệnh. 

Ngoài việc mời gọi sự cộng tác của những bác sĩ đã nghỉ hưu, họ mời nhiều bác sĩ đang làm việc ở bệnh viện công. Bác sĩ bệnh viện công tại TP.HCM tham gia khám chữa bệnh tại nhiều phòng khám và bệnh viện tư tại TP.HCM.

Khi phòng khám tư có mặt ở các tỉnh, sự "cộng tác của bác sĩ đến từ TP.HCM" luôn là lời quảng bá cho phòng khám. Bệnh nhân ở tỉnh cũng yên tâm hơn khi đến phòng khám tư nhân có bác sĩ từ bệnh viện công tại thành phố thay vì phải khăn gói xe đò đi TP.HCM khám chữa bệnh.

Nhưng làm thế nào để những bác sĩ bệnh viện công, bệnh viện lớn có thể đến với bệnh nhân các phòng khám mà vẫn đảm bảo giờ làm việc, vẫn hoàn thành trách nhiệm, không vi phạm quy định? 

Chuyện này chưa có quy định cụ thể. Bác sĩ bệnh viện công đi khám bệnh ở phòng khám tư nếu ngoài giờ và không vi phạm các nguyên tắc về làm việc cũng là một cách làm thêm theo chuyên môn. Có thêm thu nhập, tất nhiên rồi, nhưng đây chỉ là một trong những lý do.

Nhìn rộng ra, nhiều cơ sở y tế tư nhân và bệnh nhân đến đó rất cần có bác sĩ. Thực tế cho thấy nhiều bệnh nhân đủ điều kiện chọn dịch vụ phòng khám tư, nhu cầu ngày càng nhiều nhưng chúng ta chưa có đủ y bác sĩ cho cả hệ thống y tế và cho bệnh nhân. 

Và phòng khám ở nhiều bệnh viện công vẫn đang quá tải. Sau những vất vả mùa dịch, chưa được nghỉ ngơi lại sức, y bác sĩ bệnh viện công đối diện với sự quá tải công việc và thiếu nhân lực là chuyện bệnh viện công cũng không tránh được.

Vậy làm sao có nhân sự dư dôi để "chia sẻ" với cơ sở y tế tư nhân? Bác sĩ có đủ sức lực để làm cả hai việc (nếu nhận thêm việc)? Và làm sao chu toàn việc công khi chọn "gánh" thêm việc ở phòng khám tư, nhất là khi làm thêm trong giờ (đáng lẽ) đang làm ở bệnh viện công?

Thiệt thòi ai chịu?

Bác sĩ "bớt" giờ làm việc ở bệnh viện để chạy về phòng mạch của mình và chạy sang phòng khám tư là chuyện không mới lạ và "không của riêng ai". 

Lãnh đạo các bệnh viện công biết chuyện này không? Tôi tin là biết, biết ai thêm có báo cáo và không khó để biết ai đang tự ý bỏ giờ làm việc công đi làm bên ngoài.

Biết rồi làm sao nữa? Về lý thì sẽ có xử lý, sẽ siết chấm công... Không thiếu những cách để làm nghiêm. 

Nhưng thực tế thu nhập, cuộc sống và tâm tư nghề nghiệp của y bác sĩ hẳn lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo ngành y thấu hiểu hơn ai hết. Nên biết vậy nhưng làm sao ngăn cấm bác sĩ làm thêm bằng việc đi khám chữa bệnh?

Và khi chấp nhận thực tế bác sĩ tự giảm giờ làm ở bệnh viện công cũng đồng nghĩa việc bệnh nhân bệnh viện công phải chịu thiệt thòi dù ít hay nhiều. Khi bác sĩ đi phòng khám tư, lãnh đạo gọi còn không được, bệnh nhân cần liên hệ gấp phải làm sao? 

Cuối cùng, để phòng khám tư có bác sĩ thì bệnh nhân bệnh viện công chịu thiệt thòi vì thiếu sự quan tâm tốt nhất có thể.

Mọi việc sẽ ổn hơn khi nước ta có thêm nhiều y bác sĩ, có thể đủ cho cả cơ sở y tế công và tư. Đồng thời, thu nhập từ nơi làm việc chính thức ít nhất phải đủ để bác sĩ sống tốt hơn, không bị áp lực áo cơm. 

Và đây là chuyện của chính sách và cơ chế chứ không chỉ là chuyện đúng - sai của riêng bác sĩ hay bệnh viện nào.

Thêm nữa là việc cần có thêm điều dưỡng cho các bệnh viện công lẫn tư và các giải pháp cải thiện thu nhập cho họ. Chúng ta đào tạo điều dưỡng đi làm việc nước ngoài trong khi lực lượng này trong nước đang rất thiếu và thu nhập thấp. 

Trên thực tế, nhiều điều dưỡng cũng phải xoay trở làm thêm ngoài giờ ở bệnh viện khác hoặc việc khác (ngoài chuyên môn) để có thể sống tốt hơn.

Sở Y tế TP.HCM làm rõ vụ bác sĩ trốn việc

Ngày 1-10, Sở Y tế TP.HCM đã cử đoàn kiểm tra làm rõ thêm thông tin báo Tuổi Trẻ phản ánh bác sĩ của Bệnh viện TP Thủ Đức trốn việc xuống Tiền Giang làm phòng khám tư.

Tại buổi làm việc, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Thủ Đức Vũ Trí Thanh cho biết qua thông tin phản ánh từ Tuổi Trẻ, bệnh viện đã khẩn trương rà soát lại việc tuân thủ các quy định, chỉ được phép tham gia khám chữa bệnh cho các tổ chức khác khi đã có xin phép và được sự đồng ý bằng văn bản của lãnh đạo bệnh viện. Bệnh viện sẽ xem xét và có các biện pháp xử lý phù hợp.

Sở Y tế cảm ơn và ghi nhận phản ánh của báo Tuổi Trẻ. Sở nhắc lại điều 14 của Luật viên chức quy định viên chức được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc theo hợp đồng, được ký hợp đồng vụ việc với đơn vị khác nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập...

Trước đây, vào ngày 17-7-2018, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành văn bản về việc tăng cường kỷ luật kỷ cương trong ngành y tế TP.HCM, trong đó nêu rõ: "Không để xảy ra tình trạng công chức, viên chức, người lao động tham gia khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ tại các cơ sở y tế ngoài công lập khi chưa được người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý".

T.DƯƠNG

Bác sĩ được làm việc nơi khác ngoài nơi chính nhưng phải xin phép, được đồng ý bằng văn bản Bác sĩ được làm việc nơi khác ngoài nơi chính nhưng phải xin phép, được đồng ý bằng văn bản

TTO - Ban giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức đã chỉ đạo các khoa, phòng về việc không được lấy giờ làm việc của cơ quan, phải xin phép và chỉ được phép tham gia khám, chữa bệnh cho các tổ chức khác khi được sự đồng ý bằng văn bản của lãnh đạo bệnh viện.

PHƯƠNG NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên