29/06/2021 14:31 GMT+7

‘Bác sĩ 91’ hai năm chống COVID, chỉ nhìn con qua cổng bệnh viện

T.T
T.T

Hai năm dịch giã hoành hành là 2 năm gần như vắng nhà biền biệt, vị ‘bác sĩ 91’ xa con trai từ lúc con 5 tuổi và giờ chuẩn bị vào lớp 1.

‘Bác sĩ 91’ hai năm chống COVID, chỉ nhìn con qua cổng bệnh viện - Ảnh 1.

Bác sĩ Linh - ‘bác sĩ 91’ (bìa phải) luôn có mặt ở những điểm nóng khắp các tâm dịch cả nước - Ảnh: NVCC

Trực chiến khắp các điểm nóng cam go nhất

Bác sĩ CKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy được mọi người đặt biệt danh 'bác sĩ 91' (BS 91) vì cứu chữa thành công phi công người Anh - bệnh nhân nhiễm COVID-19 có số thứ tự 91 tại Việt Nam năm 2020.

Qua 4 đợt dịch bùng phát, bác sĩ Linh có mặt ở hầu hết những điểm nóng cam go nhất như Đà Nẵng, Gia Lai, Kiên Giang và gần nhất là Bắc Giang.

20 ngày ở Bắc Giang, BS Linh đã cứu chữa nhiều bệnh nhân từ cận tử đến hồi sinh xuất viện. Đến khi những bệnh nhân nặng ở đây giảm đáng kể thì Sài Gòn bất ngờ bùng phát nhiều ca bệnh phức tạp. Vị bác sĩ tức tốc bàn giao nhiệm vụ cho đồng nghiệp để từ Bắc Giang trở lại Sài Gòn tiếp ứng.

Ngày trở về, anh chia sẻ: 'Chúng tôi về chắc chắn sẽ lao vào cuộc chiến với tất cả những kinh nghiệm và kiến thức của mình. Dù Bắc Giang, Hà Nội, miền Trung hay TP.HCM cũng đều là quê hương ruột thịt của chúng ta'.

Về đến Sài Gòn, chưa kịp ngơi nghỉ, BS Linh lao vào xử lý ngay các ca bệnh nặng rồi đi hỗ trợ các bệnh viện khác về kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo). Chưa xong, anh lại chạy xuống Bệnh viện Dã chiến Củ Chi hồi sức cho một ca nghiêm trọng. Bệnh nhân này được đánh giá còn nặng hơn ca phi công người Anh năm 2020.

Vất vả là thế nhưng BS Linh chưa bao giờ tỏ ra kiệt sức hay xuống tinh thần. Mỗi lúc tan ca trực, hạnh phúc nhỏ nhoi của anh là gọi điện thoại về hỏi thăm vợ và đứa con trai sắp bước vào lớp 1. 2 năm chống dịch đi khắp các "chiến tuyến" là chừng ấy thời gian anh xa con, xa gia đình biền biệt.

‘Bác sĩ 91’ hai năm chống COVID, chỉ nhìn con qua cổng bệnh viện - Ảnh 2.

Mỗi khi tan ca trực, BS Linh lại gọi điện thoại về hỏi thăm gia đình, đặc biệt là nói chuyện với con trai - Ảnh: NVCC

Chỉ có thể nhìn con qua cổng bệnh viện

Trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại, anh lúc nào cũng mạnh mẽ, can trường nhưng mỗi lần nhắc về con trai, vị bác sĩ đều nghẹn ngào xúc động.

Giữa nỗi nhớ con khắc khoải, anh khoe với phóng viên bức thư con trai 6 tuổi nguệch ngoạc những nét chữ đầu đời: 'Ba 91 ơi! Nghĩa nhớ ba nhiều lắm. Ba nhớ uống nhiều nước trái cây...'.

Ngày từ Bắc Giang trở về Sài Gòn, anh cùng đồng đội được cách ly tại BV Chợ Rẫy, rồi sau đó di chuyển đến các điểm nóng liên tục, chưa có phút giây nào về thăm gia đình trọn vẹn. BS Linh tâm sự: 'Đôi lúc chỉ có thể nhìn vợ và con trai qua cổng bệnh viện. Từ lúc con trai 5 tuổi, rồi giờ 6 tuổi, suốt thời gian biền biệt ấy, phần việc chăm sóc, dạy dỗ con, mình chỉ có thể nhờ cậy cả vào một tay vợ. Mong ước của tôi là đại dịch sớm được kiểm soát, cuộc sống bình yên để có thể trở về kịp đưa con đến trường vào lớp 1'.

Chắc hẳn suốt hai năm COVID-19 diễn biến phức tạp, không chỉ con trai 6 tuổi của "BS 91", mà còn rất nhiều những em nhỏ khác đang phải rời xa vòng tay cha, mẹ, vì cha mẹ các em đang phải ngày đêm chiến đấu trên mặt trận chống dịch COVID-19.

Xúc động trước câu chuyện xa con đằng đẵng của vị 'BS 91' và nhiều trường hợp tương tự, bà Trần Xuân Dzu, Tổng Giám Đốc của Tổ chức giáo dục ILA đã quyết định sẽ làm điều gì đó thiết thực, nhằm tri ân sự hy sinh thầm lặng của những người hùng áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch. 

Nhận được sự đồng lòng ủng hộ của toàn thể thành viên ILA, bà quyết định trao tặng gói học bổng đặc biệt trị giá 50 tỉ đồng dành cho con các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Mỗi học bổng là một năm học tại ILA với giá trị tương đương gần 70 triệu đồng.

'Mỗi học bổng là một lời cảm ơn từ chúng tôi đến những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch xa nhà. Chúng tôi muốn góp sức với những người mẹ, người cha như bác sĩ Linh, hỗ trợ chăm sóc các con theo cách của riêng mình, với mong muốn bù đắp lại những tháng ngày thiếu vắng hơi ấm của cha, mẹ', bà Trần Xuân Dzu chia sẻ.

Bà Dzu tin rằng, các suất học bổng này sẽ góp phần chuẩn bị hành trang cho tương lai của các công dân nhỏ đang ít nhiều chịu ảnh hưởng của đại dịch. Sau thời gian các con trải nghiệm khóa học một năm cùng ILA, các gia đình sẽ nhận ra sự thay đổi tích cực và rõ rệt về khả năng ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, sự tự tin, sáng tạo và tư duy logic, phản biện… của các con. 

Đó chính là món quà tri ân kèm theo sự tự hào mà các con gửi đến phụ huynh của mình, những người hùng áo trắng đã không ngại nguy khó trong những tháng ngày hy sinh quên mình ở tuyến đầu chống dịch.

Hiện ILA đang trực tiếp liên hệ các bệnh viện tuyến đầu để trao tặng học bổng cho con các y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế trực chiến tại các bệnh viện, điểm nóng ở những tâm dịch. Riêng với BS Linh, ILA sẽ gửi học bổng trực tiếp đến gia đình anh.

‘Bác sĩ 91’ hai năm chống COVID, chỉ nhìn con qua cổng bệnh viện - Ảnh 3.

Các học viên của ILA chụp ảnh cùng thông điệp “Thank you! We love you” để tri ân các chiến sĩ áo trắng

Cùng với gói học bổng 50 tỉ đồng, ILA còn tặng 20.000 khẩu trang y tế đến các bệnh viện, đồng thời phát động cho toàn thể học viên khắp 45 chi nhánh ILA trên cả nước chụp ảnh với thông điệp 'Thank you! We love you' để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến lực lượng chống dịch tuyến đầu.

Trong lúc cả nước chờ đợi những đợt tiêm vắc xin quy mô lớn sắp tới, ILA tin rằng ngay lúc này, mỗi lời động viên chân thành của cộng đồng sẽ tiếp thêm sức mạnh để những chiến sĩ áo trắng như BS Linh - 'BS 91' giữ vững tinh thần và ý chí kiên cường để chiến đấu sớm kiểm soát đại dịch…

Để tránh thiếu sót, mọi thông tin giúp ích cho chương trình học bổng đều có thể gửi trực tiếp về ILA qua email: CSR@ILAVIETNAM.EDU.VN

 
T.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên