11/12/2017 16:04 GMT+7

Bắc Kinh 'đốt củi' Tôn Chính Tài

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc vẫn tiếp tục mạnh mẽ với việc tiến hành thủ tục khởi tố một người từng là "ngôi sao chính trị", một cựu Ủy viên Bộ chính trị trẻ tuổi.

Bắc Kinh đốt củi Tôn Chính Tài - Ảnh 1.

Ông Tôn Chính Tài khi còn đương chức - Ảnh: REUTERS

Ngày 11-12, công tố viên Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành các thủ tục khởi tố chính thức đối với cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh là ông Tôn Chính Tài, 54 tuổi, với cáo buộc tham nhũng cùng những tội danh khác.

Theo Tân Hoa Xã, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc đã xúc tiến "những biện pháp cưỡng chế" nhằm vào ông Tôn Chính Tài, bao gồm triệu tập, nộp tiền bảo lãnh và giam giữ.

Tội danh hằng hà

Từ tháng 7 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) đã mở cuộc điều tra đối với nguyên Bí thư Thành ủy Tôn Chính Tài vì có dấu hiệu "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" - cụm từ mà chính quyền Bắc Kinh thường dùng để chỉ các quan tham phạm tội tham nhũng.

Ủy viên Bộ chính trị họ Tôn đã bị miễn nhiệm chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cần biết Trùng Khánh là một thành phố lớn tại Trung Quốc.

Kết luận của CCDI đã đưa ra rất nhiều tội trạng: Tôn Chính Tài không hề có niềm tin lý tưởng, đi ngược lại tôn chỉ của Đảng, đánh mất lập trường chính trị, chà đạp nghiêm trọng kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị của Đảng; vi phạm nghiêm trọng 8 điều quy định và kỷ luật quần chúng, thích phô trương, ham đặc quyền; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức, chọn và dùng người theo tình thân và lợi ích, tiết lộ bí mật tổ chức; Vi phạm nghiêm trọng kỷ luật công tác, quan liêu nghiêm trọng, lười biếng; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật sinh hoạt, sa đọa trụy lạc, dùng quyền đổi sắc.

Giống như người tiền nhiệm của mình là cựu Bí thư Bạc Hy Lai (bị kết án chung thân năm 2013 vì tội tham nhũng), ông Tôn Chính Tài từng được gọi là "ngôi sao đang lên" trên bầu trời chính trị Trung Quốc. 

Ông thậm chí từng được đồn đoán là ứng viên tiềm năng kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình vì là một trong hai Ủy viên Bộ chính trị sinh sau năm 1960 (người còn lại là Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa).

Ông Tôn Chính Tài được đồn đãi là được cả hai ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào - khi còn là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc - ưu ái. Người ta cho rằng cơ sở ủng hộ của ông Tôn Chính Tài lớn gấp bội cơ sở ủng hộ của ông Hồ Xuân Hoa.

Tuy nhiên, từ tháng 7 năm nay, ông Tôn bất ngờ bị cách chức Bí thư và bị triệu tập điều tra với cáo buộc "vi phạm nghiêm trọng kỷ cương của Đảng".

Bắc Kinh đốt củi Tôn Chính Tài - Ảnh 3.

Ông Tôn Chính Tài từng là một trong hai Ủy viên Bộ Chính trị trẻ tuổi - Ảnh: AFP

Theo hãng tin Reuters, hôm 20-11 vừa qua chính quyền thành phố Trùng Khánh lại bất ngờ có chiến dịch công kích các lãnh đạo đã ngã ngựa. Tờ Trùng Khánh nhật báo đăng bài tố cáo ông Bạc muốn tạo dựng một "vương quốc độc lập" hành xử theo ý của mình; còn ông Tôn thì lười biếng, dối trên lừa dưới, dọa nạt những người không theo ý mình…

Người kế nhiệm Tôn Chính Tài là ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner) - người đã phục vụ dưới quyền ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ 5 năm ở Chiết Giang. Ông Trần được xem là một "ngôi sao đang lên" trên chính trường Trung Quốc như ông Tôn trước kia.

Tiếp tục săn quan tham đào tẩu

Trong khi đó báo Văn Hối của Hong Kong số ra ngày 11-12 cho biết theo CCDI, kể từ năm 2014 đến hết tháng 10-2017, thông qua chiến dịch "Thiên võng", Trung Quốc đã truy bắt được 3.587 tội phạm tham nhũng chạy trốn ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước quy án, thu hồi 9,54 tỉ Nhân dân tệ (tương đương 1,43 tỉ USD).

Trong số 3.587 người bị bắt giữ, có 701 người là cán bộ nhà nước. Theo báo cáo tổng kết công tác đấu tranh chống tham nhũng của CCDI, do Trung Quốc ngày càng thắt chặt lưới quét tham nhũng, số lượng quan tham trốn ra nước ngoài đã giảm dần trong những năm qua. Chẳng hạn năm 2014 có 101 người, nhưng sang năm 2017 chỉ còn 4 người. 

Công tác hợp tác quốc tế về đấu tranh chống tham nhũng của Trung Quốc cũng ngày càng đẩy mạnh, đến nay đã ký hiệp ước dẫn độ với hơn 50 nước, ký Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự với hơn 60 nước, ký Hiệp định hợp tác trao đổi thông tin tình báo về tài chính với 49 nước và vùng lãnh thổ.  

Cũng theo báo cáo trên, trong 100 nghi phạm tham nhũng người Trung Quốc lẩn trốn ở nước ngoài bị đưa vào danh sách "truy nã đỏ" của Interpol, đến nay đã có 51 đối tương bị bắt hoặc đầu thú, đưa về nước quy án, số còn lại đang lẩn trốn ở Mỹ (24 người), Canada (8), New Zealand (7), Úc (5), Anh, Pháp, Thái Lan, Philippines và Sri Lanka (mỗi nước 1).

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên