14/10/2014 11:57 GMT+7

​Babyscan - liều thuốc niềm tin

TRẦN MẠNH - NHẬT HUY
TRẦN MẠNH - NHẬT HUY

TT - Chế tạo ra chiếc máy đo phóng xạ cho trẻ em mang tên Babyscan nhưng các nhà khoa học Nhật Bản thẳng thắn thừa nhận nó chỉ có giá trị về mặt... tinh thần.

Babyscan, chiếc máy đo phóng xạ cho trẻ em đã đem lại sự an tâm cho hàng ngàn phụ huynh tại Fukushima - Ảnh: Trần Mạnh
Babyscan, chiếc máy đo phóng xạ cho trẻ em đã đem lại sự an tâm cho hàng ngàn phụ huynh tại Fukushima - Ảnh: Trần Mạnh

Tác động tâm lý còn hơn hậu quả phóng xạ

Dù cơ quan chức năng công bố các nghiên cứu cho thấy nồng độ phóng xạ ngoài môi trường đã về mức an toàn nhưng người dân vẫn lo sợ. Nhiều phụ huynh không dám cho con ra ngoài chơi vì cho rằng máy móc chỉ đo được phóng xạ ở người lớn nhưng bỏ qua trẻ em nên chúng vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Một nhóm các nhà khoa học ở ĐH Tokyo đã nghiên cứu, chế tạo ra Babyscan.

Tại cuộc nói chuyện với các nhà báo khoa học ở Bệnh viện Minamisoma ngày 11-9-2014, giáo sư vật lý Ryogu Hayano (ĐH Tokyo) xuất hiện với một chiếc quần kaki đặc biệt. Trên ống quần chân trái của ông in những ký hiệu toán học khó hiểu đối với mọi người có mặt.

Nhìn ông, người ta có cảm giác là một nghệ sĩ hơn là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (ông từng có thời gian làm việc tại Cơ quan Nguyên tử châu Âu - CERN, trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ).

“Tôi là đồng tác giả của máy Babyscan, một công cụ truyền thông hiệu quả cho người dân Fukushima - ông Hayano vui vẻ giới thiệu - Các bạn sẽ ngạc nhiên tại sao một cái máy lại có ý nghĩa về truyền thông hơn là khoa học. Bởi vì xét về khoa học thì sự ra đời của nó là không cần thiết, nhưng lại cực kỳ cần thiết đối với việc trấn an người dân, nhất là những bậc cha mẹ có con nhỏ”.

Ngày 11-3-2011, trận động đất và sóng thần sau đó gây ra một thảm họa hạt nhân lớn tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi trên bờ biển phía đông bắc của Nhật Bản. Gần 16.000 người đã thiệt mạng trong trận động đất, sóng thần và không ai chết vì hạt nhân.

Nhưng việc ba trong số sáu lò phản ứng hạt nhân của nhà máy bị rò rỉ phóng xạ ra môi trường xung quanh gây nhiễm bẩn đất, nước, không khí và thực phẩm đã làm dấy lên mối lo lắng khủng khiếp cho người dân ở khu vực này. Người ta sợ mức độ nhiễm xạ sẽ giống như vụ Chernobyl 25 năm trước đó.

Ngay lập tức, các cơ quan liên quan của Nhật đã triển khai một chương trình toàn diện để đo lường bức xạ đối với người dân như sử dụng máy quét toàn thân, đo nồng độ phóng xạ trong thực phẩm, trong môi trường, lập bản đồ phân bố phóng xạ trong cả khu vực... Những công việc này đến nay vẫn đang tiếp tục.

Tuy nhiên, trái với lo lắng của nhiều người, mức độ phóng xạ trong môi trường và cơ thể người dân ở Fukushima thấp hơn nhiều so với dự báo. Kết quả các cuộc khảo sát tiến hành với gần 22.000 người dân của tỉnh Fukushima đã chỉ ra rằng mức độ nhiễm xạ trong cơ thể người tại đây thấp hơn nhiều so với dự đoán.

“Chiếc nôi” thân thiện

Bất chấp những thông tin khoa học tích cực từ chính phủ, người dân ở Fukushima không thôi lo lắng về sức khỏe của bản thân, nhất là đối với trẻ em. Nguyên nhân là để đo mức độ nhiễm xạ trong cơ thể người tại Fukushima, người ta dùng máy quét có tên Fastscan vốn được thiết kế để đo cho những người trưởng thành.

Trẻ em lớn vẫn có thể đo bằng máy Fastscan khi đứng trên một chiếc ghế, nhưng những em dưới 4 tuổi thì có vấn đề khi đứng suốt mấy phút trong máy quét, và càng không khả thi khi muốn đo phóng xạ cho bé sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết đứng.

Không chỉ không thích hợp về kích thước, máy đo Fastscan cũng không hoàn toàn phù hợp với thể trạng của trẻ em. Do trọng lượng cơ thể thấp hơn nhưng quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, cùng một mức hấp thụ phóng xạ ban đầu nhưng kết quả mức độ nhiễm xạ của trẻ em sẽ thấp hơn nhiều so với người lớn. Do đó, để đo mức độ nhiễm xạ trong cơ thể trẻ em cần một loại máy khác phù hợp hơn.

Trước mối lo lắng ngày càng gia tăng của các bậc cha mẹ, mùa xuân năm 2013 giáo sư Hayano và các cộng sự đã tiến hành một dự án nhằm phát triển chiếc máy đo nhiễm xạ toàn thân cho trẻ em gọi là Babyscan.

“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một chiếc máy đo không chỉ có giới hạn phát hiện nồng độ phóng xạ caesium (Cs) thấp hơn Fastscan mà còn thân thiện với trẻ em để chúng có thể ở trong đó vài phút mà không phải sợ hãi như trong phòng giam” - ông Hayano nói.

Thế nhưng, phiên bản đầu tiên của chiếc máy Babyscan trông thật đáng sợ. Đó là một khối sắt vuông thành sắc cạnh, sáng bóng và lạnh lẽo. Khi ông Hayano đưa bức ảnh cho mọi người xem, không ai có thể thích nổi chiếc máy này. Có phóng viên còn nói nhỏ “nhìn giống nơi ướp xác hơn là đo nồng độ phóng xạ”!

“Tôi hiểu suy nghĩ của các bạn. Bản thân tôi khi làm ra máy này cũng không hài lòng, chẳng đứa trẻ nào muốn chui vào trong cái thứ này để đo đâu. Nhưng tôi chỉ là một giáo sư ngành vật lý mà thôi, không phải là nhà thiết kế” - ông Hayano vừa cười vừa nói.

Để giải quyết tình trạng này, ông Hayano đã nhờ tới một giáo sư chuyên về thiết kế tại ĐH Tokyo tên là Shunji Yamanaku thiết kế lại chiếc máy.

Chiếc máy Babyscan chúng tôi được tham quan tại Bệnh viện Minamisoma hoàn toàn khác biệt so với chiếc ban đầu mà giáo sư Hayano đưa ra. Nó trông như một chiếc nôi trẻ em (tất nhiên lớn hơn nhiều) với những đường cong mềm mại và được bọc bên ngoài bằng lớp nhựa mềm với màu sắc trang nhã giữa trắng tự nhiên và xanh da trời. Tất cả các vật liệu làm ra vỏ máy đều không ảnh hưởng gì đến da của trẻ khi tiếp xúc.

Điểm khác biệt nữa của Babyscan so với Fastscan là nó được thiết kế để các em nhỏ nằm trong đó thay vì đứng. “Chúng tôi nhận ra rằng trẻ em lớn hơn một chút thích nằm úp trong chiếc máy này để vừa đo nhiễm xạ vừa lướt máy tính bảng hoặc đọc sách. Trong khi đó, những em nhỏ hơn lại thích nằm ngửa khi có thể nhìn thấy khuôn mặt mẹ mình. Nằm kiểu gì vẫn đo chính xác như thường” - ông Hayano cho biết.

Chiếc máy Babyscan đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện trung tâm Hirata (Fukushima) và bắt đầu hoạt động từ ngày 2-12-2013. Được sự chấp thuận của Ủy ban đạo đức ĐH Tokyo, 100 em bé đầu tiên được đo bằng máy Babyscan với độ tuổi trung bình 4,2 (trong đó bé nhỏ nhất chỉ gần 

4 tháng, còn bé lớn nhất 10 tuổi). Không có phóng xạ được tìm thấy trong 100 em bé đầu tiên và rõ ràng các bậc phụ huynh rất hạnh phúc về điều này. Cho đến nay đã có trên 1.000 trẻ em được đo bằng Babyscan và vẫn không có trường hợp nào phát hiện phóng xạ.

Ảnh: Phương Liễu
Ảnh: Phương Liễu

 

Yên lòng các bậc phụ huynh

Trên 1.000 gia đình ở TP Minamisoma đang chờ đến lượt con em mình được nằm trong chiếc máy xinh xắn Babyscan. Nhưng mức độ lo lắng của các bậc cha mẹ đã giảm nhiều. Với các kết quả nghiên cứu trước đó thì rõ ràng Babyscan là không cần thiết. Thế nhưng nó lại có ý nghĩa rất lớn trong việc làm yên lòng các bậc phụ huynh. Điều không cần thiết đã trở thành cần thiết.

Giáo sư RYOGU HAYANO

__________

Kỳ tới: Ứng phó với khủng hoảng: tự cứu mình

TRẦN MẠNH - NHẬT HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên