07/06/2014 09:50 GMT+7

Ba mức tín nhiệm: khó trả lời cử tri

QUỐC THANH - VÕ VĂN THÀNH
QUỐC THANH - VÕ VĂN THÀNH

TT - Ngày 6-6, Quốc hội đã nghe các báo cáo về việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và thảo luận tại tổ về nội dung trên.

Quốc hội tạm dừng lấy phiếu tín nhiệmVẫn giữ 3 mức đánh giá tín nhiệm

cV6Z4UF7.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

Bà Nguyễn Thị Nương, trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết Ủy ban Thường vụ đã thảo luận, cân nhắc nhiều mặt và đề nghị chọn phương án mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ ba). Riêng đối với thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và nhiệm kỳ HĐND 2011-2016, Quốc hội và HĐND tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014.

Về mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ ba mức đánh giá tín nhiệm như quy định của nghị quyết 35, nghĩa là vẫn để ở ba mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Đề nghị hai mức tín nhiệm, hai lần lấy phiếu trong một nhiệm kỳ

"Tôi cố nhớ lại, sinh hoạt trong đoàn thể, sinh hoạt trong Đảng cũng không có như vậy và chưa có một tổ chức nào lấy phiếu tín nhiệm mà để ba mức như thế này cả"

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

Thảo luận ở tổ TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (chủ tịch HĐND TP.HCM) nói: “Tôi đề nghị phiếu tín nhiệm chỉ hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm”. Bà Quyết Tâm: “Tôi cố nhớ lại, sinh hoạt trong đoàn thể, sinh hoạt trong Đảng cũng không có như vậy và chưa có một tổ chức nào lấy phiếu tín nhiệm mà để ba mức như thế này cả”. Theo bà Tâm, nếu với hai mức tín nhiệm, vị nào được phiếu tín nhiệm nhiều nghĩa là có tín nhiệm cao và ngược lại. Cách làm như vậy rất khoa học, rất dễ hiểu, ai cũng chấp nhận nhưng tại sao Quốc hội lại không làm được điều này? “Tôi cũng rất khó hiểu” - bà Tâm thắc mắc. Bà Tâm kể có cử tri hỏi bà: “Với ba mức tín nhiệm thì làm cách nào và căn cứ vào đâu để bà bỏ phiếu được?”, bà Tâm không trả lời được câu hỏi này với cử tri. Đại biểu Huỳnh Thành Lập (trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho biết cũng nhận được câu hỏi tương tự từ cử tri.

Trong tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu các nội dung đề nghị giữ ba mức đánh giá tín nhiệm, tuy nhiên bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng chưa thuyết phục. Cụ thể, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết 35 đã xác định mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, giúp người đó tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là một căn cứ làm cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm và giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc xác định ba mức tín nhiệm như quy định của nghị quyết 35 là phù hợp, bảo đảm sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ. Nếu chỉ quy định hai mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì trùng với mức phiếu ở bước bỏ phiếu tín nhiệm khi xem xét trách nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, bà Tâm nói: “Giải thích trước nhân dân, đại biểu Quốc hội mà giải thích như vậy thì các đồng chí có chấp nhận được không? Riêng tôi thấy chưa thuyết phục, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lắng nghe thêm”.

“Tín nhiệm trung bình”

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cũng nhất trí chỉ nên có hai mức tín nhiệm vì cách làm ba mức khiến việc lấy phiếu phân tán, không tập trung. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho biết qua thảo luận tại tổ cho thấy vẫn có hai luồng ý kiến với tỉ lệ ý kiến khoảng 50-50 về mức đánh giá tín nhiệm, cụ thể: đồng ý vẫn giữ ba mức và đề nghị có hai mức. Tuy nhiên theo ông Đáng, rất nhiều ý kiến tại tổ thảo luận không đồng ý trong một nhiệm kỳ chỉ một lần lấy phiếu tín nhiệm, đề nghị phải hai lần lấy phiếu trong một nhiệm kỳ.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đến nay có bao nhiêu đoàn đại biểu Quốc hội đã gửi góp ý, trong đó có bao nhiêu đoàn đồng ý duy trì ba mức tín nhiệm, bao nhiêu đoàn đề nghị chỉ hai mức, để minh bạch với cử tri. Theo ông Lịch, lẽ ra tại kỳ họp thứ 7 này đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai (sau lần đầu tiên tổ chức vào giữa năm ngoái đã mang lại sự phấn khởi cho cử tri). Nhưng kỳ này phải tạm dừng với lý do để rút kinh nghiệm, sửa quy định cho tốt hơn. “Không biết cái mới đang bàn để sửa này có tốt hơn không? Tôi chỉ sợ là sửa kiểu này, khi về cử tri hỏi tốt hơn chỗ nào thì không biết trả lời sao đây ” - ông Lịch nói.

Đối với phương án giữ nguyên ba mức đánh giá tín nhiệm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” hay “tín nhiệm thấp” thì đều là tín nhiệm. Do vậy, để cho chặt chẽ về câu chữ thì Quốc hội nên sửa thành “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình” và “tín nhiệm thấp”.

4 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn

Ngày 6-6, ông Nguyễn Hạnh Phúc (chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho biết tại kỳ họp lần này sẽ có bốn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

Đoàn thư ký kỳ họp đã nhận được 95 văn bản chất vấn, với 110 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ và 20 vị bộ trưởng, trưởng ngành. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là một trong những bộ trưởng nhận được nhiều chất vấn nhất với 11 chất vấn. Trả lời câu hỏi vì sao bộ trưởng Bộ Y tế nhận được nhiều chất vấn nhưng không có tên trong danh sách trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, ông Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra lý do là bộ trưởng Bộ Y tế nằm trong nhóm bộ ngành có nhiều vấn đề bức xúc, tuy nhiên bộ trưởng Bộ Y tế từng trả lời chất vấn tại phiên toàn thể kỳ họp thứ 4 (năm 2012) và cách đây mấy tháng đã trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là hai ngày rưỡi, từ ngày 10 đến 12-6. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoặc một vị phó thủ tướng được Thủ tướng ủy quyền trả lời chất vấn vào cuối phiên chất vấn chiều 12-6. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, thông thường tại kỳ họp đầu năm thì một phó thủ tướng sẽ được ủy quyền để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đã có ý kiến đại biểu đề nghị Thủ tướng trong khi trả lời chất vấn thì đề cập vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông hiện nay.

Trả lời câu hỏi về việc Quốc hội có ra nghị quyết riêng về biển Đông không, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Quốc hội tùy theo tình hình diễn biến mà có ứng xử phù hợp, nhưng vẫn phải kiên trì biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

V.V.THÀNH - Q.THANH

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Lấy phiếu tín nhiệm có tính chất răn đe

Chiều 6-6, tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có phát biểu về việc lấy phiếu tín nhiệm. Tổng bí thư nhấn mạnh cần phân biệt giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Tổng bí thư khẳng định về lấy phiếu tín nhiệm, lâu nay pháp luật không cấm và cũng chẳng ai nói không được lấy phiếu tín nhiệm. Đây là một hình thức để chúng ta xem xét, đánh giá cán bộ, gọi là một kênh thăm dò tín nhiệm của cán bộ, một bước để đi đến bỏ phiếu tín nhiệm.

Về việc vì sao có ba mức trong lấy phiếu tín nhiệm, Tổng bí thư nói chính là vì lấy phiếu tín nhiệm nên mới thiết kế ba mức. Còn nếu lấy hai mức là bỏ phiếu tín nhiệm rồi, một là chấp nhận anh còn làm tiếp, hai là thôi. Các quy định về lấy phiếu tín nhiệm và triển khai thực tế vừa qua đã có tính chất răn đe. “Trên thực tế vừa rồi khối anh sợ và đã điều chỉnh mình, nếu không sắp tới đưa ra bỏ phiếu thì sao” - Tổng bí thư nói. Cũng theo Tổng bí thư, tại sao để ba mức là tương đối co giãn để người được lấy phiếu biết mình ở mức nào trong sự tín nhiệm của tập thể.

Về việc vì sao trước đây định làm hằng năm, giờ lại chỉ tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ ba), Tổng bí thư cho biết ngoài các lý do nêu trên còn có các lý do khác là hằng năm đều có đánh giá, trước khi bầu cử có đánh giá, cũng lại lấy phiếu. Khi vào đầu nhiệm kỳ, Quốc hội bầu các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội... đều có bỏ phiếu cả, cũng là dịp để bỏ phiếu đánh giá. Rồi cuối nhiệm kỳ lại đánh giá nữa. Nhiều việc liên tục, nếu quanh năm chỉ bận việc lấy phiếu tín nhiệm thì ảnh hưởng đến các công việc khác, nên mức như ở trên là vừa phải.

V.V.THÀNH ghi

QUỐC THANH - VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên