![]() |
Y sĩ Trần Thị Gái đang khám bệnh tại Trạm y tế xã Tân Thạnh Đông - Ảnh: L.T.Hà |
Tân Thạnh Đông là xã đông dân nhất của huyện Củ Chi với khoảng 33.000 người. Năm 2008 Trạm y tế Tân Thạnh Đông được xếp loại xuất sắc và được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hiện trạm y tế có tám CBCNV, năm qua đã khám chữa bệnh cho 15.721 lượt người, cấp cứu 110 ca tai nạn giao thông và tai nạn khác... |
Chị là người tôi đi tìm: trưởng TYT Tân Thạnh Đông. Tên chị là Trần Thị Gái, năm nay 49 tuổi, đã gắn bó với TYT xã từ năm 1983, trong đó có tám năm giữ nhiệm vụ trưởng trạm.
Cách đây 26 năm, sau khi tốt nghiệp lớp nữ hộ sinh sơ cấp, chị Gái về làm việc tại TYT Tân Thạnh Đông. Thời đó dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn, xa xôi, đêm xuống tối thui vì chỉ có đèn dầu. Nước máy cũng không. Còn TYT thì chưa có bác sĩ. Người dân ở xã chủ yếu làm ruộng, trồng thuốc lá, chăn nuôi bò.
Hết cả hồn!
Đêm đầu tiên nhận ca trực và cũng là ngày đầu tiên đi làm, chị Gái hết cả hồn khi thấy bà bầu đến sinh nhiều quá. Trong lúc chị đang đỡ cho sản phụ này thì sản phụ khác hô… rặn. Chạy sang lo cho sản phụ đó thì sản phụ khác lại la làng: “Tôi mắc rặn quá”. Không có điện, chị Gái phải căng mắt đỡ sinh dưới ánh đèn dầu. Cả TYT chỉ có một bàn sinh, chị phải kéo thêm mấy cái bàn làm việc ghép lại với nhau, rồi trải giấy lên cho sản phụ nằm.
Sản phụ đến sinh nhiều, hết cả nước dự trữ, chị lại xách đèn dầu lọ mọ ra giếng gánh nước về trạm. Tất bật, suốt đêm không ngủ, chị vẫn không mệt mỏi mà chỉ lo sản phụ không được mẹ tròn con vuông. Tới khi nghe tiếng gà gáy te te, trời hưng hửng sáng chị mới hay mình đã giúp bảy bà mẹ “vượt cạn” an toàn chỉ trong một đêm. Chị Gái và các anh chị ở TYT Tân Thạnh Đông phải vất vả nhiều đêm, nhiều năm như thế cho đến khi công tác kế hoạch hóa gia đình được đẩy mạnh.
Không chỉ đỡ sinh tại TYT, bất cứ lúc nào khi người dân gọi “có người sinh rớt” là chị lại lao đi. Chị vẫn chưa quên lần đến đỡ sinh cho một bà mẹ bị bệnh tâm thần cách đây 23-24 năm. Đến nơi, chị thấy hai chân, thân người đứa bé đã chui ra ngoài, còn hai tay và đầu mắc kẹt bên trong. Đứa bé gần như không còn ngọ nguậy. Gia đình sản phụ sốt ruột, khuyên chị: “Bỏ nó đi, lo cho mẹ thôi”.
Không đành lòng, chị cố gắng lựa thế, xoay người đứa trẻ. Cuối cùng, chị cũng đưa được bé ra ngoài nhưng bé nằm bất động, không một tiếng khóc, tím tái vì ngạt. Không có máy hút nhớt, chị dùng ngay miệng mình hút nhớt trong miệng, mũi và hà hơi thổi ngạt để hô hấp nhân tạo cho bé. Một lát sau người bé từ từ hồng lên, cọ cựa tay chân và... oe oe khóc. Bé gái sinh ngược ngày đó giờ đã có gia đình, có con. Kể lại với tôi, giọng chị Gái đầy hạnh phúc: “Nhờ vậy mà người mẹ tâm thần có được đứa con chăm sóc lúc tuổi già…”.
Lấy bằng trước, sinh con sau
26 tuổi chị Gái lập gia đình. Hằng ngày nhìn những đứa bé kháu khỉnh do chính mình đỡ sinh, chị rất khao khát có con bế bồng. Nhưng “thấy mình dở quá, chỉ biết đỡ đẻ! Mình khuyên chị em phải kế hoạch gia đình nhưng lại không thể đặt vòng hay triệt sản, điều hòa…” nên chị rủ rỉ với chồng tạm gác chuyện có con để chị đi học.
Năm 1988 chị Gái thi đậu lớp y sĩ sản nhi của Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM. Do lớp không đủ người, chị phải đợi thêm một năm mới được đi học. Ba năm sau chị lấy bằng y sĩ sản nhi và trở lại TYT Tân Thạnh Đông làm việc. Một năm sau, khi đã 33 tuổi chị mới dám sinh và đó cũng là đứa con duy nhất của chị. Chồng chị hồi đó làm ở UBND xã. Thấy vợ tâm huyết với công việc, muốn học tập phấn đấu, anh đã xin nghỉ việc, lặng lẽ lui về nhà làm kinh tế để vợ yên tâm công tác.
Để người dân hiểu lợi ích của kế hoạch hóa gia đình, cứ mỗi lần khám phụ khoa, khám thai chị lại tỉ tê phân tích thiệt hơn của việc sinh đẻ nhiều cho chị em hiểu. Nhiều chị nghe xong hỏi thăm cách “ngưng đẻ” tốt nhất. Chị lại giải thích, hướng dẫn tỉ mỉ để các chị, các cô chọn biện pháp tránh thai phù hợp. Dần dần, số ca sinh ở TYT giảm còn 2-3 ca một ngày, rồi vài ca một tuần. Hiện TYT còn đỡ sinh trung bình năm ca một tháng.
Ứng tiền riêng làm việc chung
Năm 2007, khi xã Tân Thạnh Đông có nhiều ca mắc sốt xuất huyết, chị Gái lo lắm. Chị rất hiểu để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết chỉ có chính quyền và cơ quan y tế thì chưa đủ, phải có dân giúp sức. Muốn vậy phải phát động chiến dịch tuyên truyền. Tiền đâu tổ chức? Xin kinh phí thì phải chờ đợi, mà chống dịch không thể chậm được. Chị đến gặp lãnh đạo xã nói ngay: “Tôi ứng tiền nhà làm trước rồi xã thanh toán lại sau, được không?”. Xã đồng ý. Chị ứng ngay 2 triệu đồng để làm lễ, treo băngrôn, tổ chức xe loa, vận động người dân hưởng ứng chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết.
Sau đó, chị cùng anh em ở TYT đến từng nhà khảo sát dịch. Đi tìm từng ổ lăng quăng, phân tích cho người dân thấy ổ lăng quăng chính là ổ dịch gây sốt xuất huyết. Rồi chị xắn tay áo cùng bà con dọn dẹp những vật chứa nước đọng, xúc rửa lu, hũ để muỗi không có chỗ đẻ. Sau đó, chị quay lại kiểm tra xem bà con có tiếp tục diệt ổ lăng quăng không. Chị còn soạn những bài tuyên truyền sức khỏe viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để phát trên đài truyền thanh của xã, ấp cho bà con nghe.
Tận tụy, hết lòng vì sức khỏe người dân nên ở xã Tân Thạnh Đông ai cũng thương, cũng quý cái tình, cái tâm của chị dành cho họ. Họ khen chị “mát tay” và trìu mến gọi chị là “mụ vườn”. Người “mụ vườn” ấy đã có 22 năm tuổi Đảng, được dân ở xã Tân Thạnh Đông tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND liên tiếp ba nhiệm kỳ.
Chính chị là một trong rất nhiều thầy thuốc đang hằng ngày, hằng giờ tận tụy hi sinh, cống hiến lặng thầm, vượt mọi thử thách để thực hiện nhiệm vụ cứu người và vun đắp hình ảnh “Thầy thuốc như mẹ hiền” ngày càng thiêng liêng trong lòng người bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận