22/10/2014 11:15 GMT+7

3 lý do chính khiến giá dầu rơi tự do

CH.LUÂN (Theo CNBC, Barron)
CH.LUÂN (Theo CNBC, Barron)

TTO - Thị trường dầu đã trượt giá trong 4 tuần liên tiếp và đóng cửa thấp hơn trong 8-10 tuần qua.

Mức giảm 4,9% giá dầu Brent của tuần trước đã đánh dấu tuần giao dịch tồi tệ nhất trong thị trường dầu 18 tháng qua - Ảnh: Getty Images News

CNBC trích nhận định của một số nhà phân tích cho rằng có thể do Mỹ cố tình thao túng thị trường làm tổn thương Nga ngay tại thời điểm căng thẳng chính trị như hiện nay.

Giám đốc nghiên cứu toàn cầu Patrick Legland thuộc Tổ chức Societe Generale cho rằng giá dầu giảm ngay thời điểm nhạy cảm này là "một sự trùng hợp thú vị": “Tôi không chắc có phải do nhu cầu thấp hơn không, hay là chiến thuật di chuyển của Mỹ. Nhưng với vai trò nhà đầu tư, tôi luôn bất ngờ vì những sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy".

Dầu Brent kỳ hạn tăng nhẹ lên 86,48 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng 20-10. Trước đó, nó đã gần chạm mức sàn từ năm 2010 và sụt giảm 25% so với giá tháng 6, vì lo ngại cung vượt cầu và nhu cầu của các nền kinh tế chủ chốt sụt giảm.

Thị trường dầu đã trượt giá trong 4 tuần liên tiếp và đóng cửa thấp hơn trong 8-10 tuần qua, khiến các kho dự trữ năng lượng và dầu mỏ giảm theo.

Thực tế mức giảm 4,9% trong giá dầu Brent của tuần trước đã đánh dấu tuần giao dịch tồi tệ nhất trong thị trường 18 tháng qua. Tính trong năm nay, dầu Brent đã giảm 22%.

Các nhà kinh tế cảnh báo về tình trạng tăng trưởng toàn cầu yếu kém những năm tới và giảm phát ở châu Âu.

Nghiên cứu của ông Legland thừa nhận thực tế kinh tế toàn cầu có sụt giảm nhưng không đến mức đẩy giá dầu rớt mạnh như hiện nay.

Thực tế sự cân bằng cung - cầu không thay đổi giá dầu quá nhanh như vậy - giảm đến 13% chỉ trong 1 tháng, và đặc biệt là dầu Brent giảm hơn 6 USD/thùng trong 3 ngày của tuần trước.

Mỹ tất nhiên sẽ chối bất kỳ cáo buộc nào về việc thao túng thị trường dầu. "Rất khó để kiểm chứng - theo giám đốc nghiên cứu các thị trường mới nổi Timothy Ash tại Standard Bank - Rõ ràng là giá dầu giảm có lợi cho phương Tây, đồng thời gia tăng áp lực đối với Nga".

Mỹ đã đạt thành tựu lớn trong nỗ lực tự cung tự cấp dầu thô bằng việc phát triển bùng nổ ngành công nghiệp đá phiến dầu 10 năm qua, đồng thời trở thành đối thủ cạnh tranh với các nước xuất khẩu dầu lớn, như Ảrập Saudi và Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin đã cảm nhận được sự đau thương đến từ những hình phạt kinh tế nặng nề của châu Âu và Mỹ, từ lúc sáp nhập Crimea trở lại Nga vào tháng 3-2014.

Kinh tế Nga phụ thuộc vào sản xuất dầu và dự báo tăng trưởng của nó sẽ bị tổn thương mạnh từ căng thẳng địa chính trị.

Đầu tháng 10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm một nửa dự báo tăng trưởng của Nga trong năm 2015 và Moody cũng mới hạ thấp xếp hạng nợ công của nước này hôm 19-10, vì áp lực liên tục từ giá dầu và giới hạn tiếp cận các thị trường vốn quốc tế của Nga.

Giám đốc nghiên cứu rủi ro chính trị Yoel Sano tại Business Monitor International khẳng định: "Rõ ràng một trong những lý do đẩy giá dầu xuống là sản lượng "khủng" của Mỹ.

Tôi không biết Mỹ có cố ý thao túng hay không nhưng hẳn là Mỹ có lợi với giá dầu này, nhất là khi sử dụng như đòn đánh vào giới cầm quyền nước Nga".

Những yếu tố khác khiến giá dầu sụt giảm, từ 115 USD/thùng trong tháng 6 xuống còn 85 USD/thùng hiện tại, là đồng USD mạnh do kỳ vọng FED sẽ thắt chặt tài chính, IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 3,7% còn 3,3% và nhất là Cơ quan Năng lượng quốc tế tuần qua còn giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2014 và 2015.

Dù vậy, sự đầu hàng của nhà đầu tư không phản ánh các nguyên tắc cơ bản. Thực tế, bán tháo sẽ đem lại cơ hội mua cho một số kho dự trữ châu Á.

CH.LUÂN (Theo CNBC, Barron)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên