07/12/2016 16:14 GMT+7

Ba đặc khu sẽ phát triển theo thế mạnh riêng

K.HƯNG
K.HƯNG

TTO - Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Đề án xây dựng đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc là vấn đề Bộ Chính trị rất quan tâm - Ảnh: Hữu Khoa

Đây là một nội dung trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ vừa được Thủ tướng ký ban hành.

Ba đặc khu sẽ được hình thành theo hướng mỗi đặc khu lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.

Việc nghiên cứu để xây dựng mô hình đặc khu tại VN đã được xúc tiến từ nhiều năm trước. Trong đó có việc thành lập Tổ nghiên cứu đặc khu kinh tế tại VN vào năm 1998.

Năm 2013, kết luận của Hội nghị TƯ 8, khóa XI cũng nêu rõ sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh ủy Kiên Giang và huyện Phú Quốc hồi tháng 8-2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đề án xây dựng đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc là vấn đề Bộ Chính trị rất quan tâm bởi đây là mô hình mới, ngay cả các nước trên thế giới cũng chỉ có đặc khu hành chính hoặc đặc khu kinh tế chứ chưa có mô hình đặc khu hành chính - kinh tế.

Liên quan tới đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), trong một hội thảo năm 2014, bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh khi đó là ông Phạm Minh Chính cho biết việc chọn Vân Đồn để xây dựng đặc khu bởi Vân Đồn nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng có sức lan tỏa mạnh tới toàn vùng, là điểm trung chuyển chiến lược từ khu vực Đông Á xuống Đông Nam Á, cầu nối ASEAN - Trung Quốc.

Theo nghị quyết của Chính phủ, UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch - đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho từng đơn vị.

Bộ Kế hoạch - đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện báo cáo về các đề án, trong đó cập nhật, phân tích, đánh giá tổng thể kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này.

Bộ này cũng sẽ phải đề xuất các nhóm cơ chế, chính sách kinh tế ưu đãi đặc thù áp dụng cho các đặc khu kinh tế - hành chính.

K.HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên