19/01/2021 05:55 GMT+7

Bà con lạnh run, mất trâu bò, rủ nhau đi ngắm băng tuyết là sai?

KHÔI NGUYÊN
KHÔI NGUYÊN

TTO - Nghe nơi này có băng, nơi kia có tuyết, nhiều người thích thú, tò mò, rủ nhau đi trải nghiệm, chụp ảnh đăng lên mạng. Và nhiều người khác nhảy vào 'ném đá', bảo có gì đáng háo hức khi người dân địa phương bị chết mất trâu bò, hư hết hoa màu...

Bà con lạnh run, mất trâu bò, rủ nhau đi ngắm băng tuyết là sai? - Ảnh 1.

Sa Pa (Lào Cai) chìm trong sương mù, nhiệt độ giảm sâu - Ảnh: VŨ TUẤN

Thông tin một vài địa phương phía Bắc xảy ra hiện tượng băng tuyết những ngày qua khiến nhiều người thấy thích thú, tò mò. Người người lên đường, đi trải nghiệm, chụp ảnh làm kỷ niệm, đăng mạng xã hội... làm vui. 

Dòng người đến Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang... không ngại đường trơn trượt và những cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn. Và lực lượng CSGT phải vất vả điều tiết giao thông.

Thông tin ban đầu từ báo chí cho biết rét đậm, rét hại, băng tuyết tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm hàng trăm gia súc chết rét, người dân mổ thịt bán dọc đường để gỡ gạc vốn liếng. Nhìn mà thương. Những thiệt hại và ảnh hưởng sẽ còn tiếp diễn lâu dài. Thời tiết khác lạ là niềm vui của không ít người, đồng thời là nỗi niềm của người nghèo ở địa phương, người khó sẽ khó hơn.

Có nhiều người lên tiếng chỉ trích những người "đổ xô đi trải nghiệm" giá lạnh. Tôi không đồng tình việc này. Vì sao? Tôi nghĩ du khách có cảm xúc thông cảm, chia sẻ là tích cực, lành mạnh hơn là sự thỏa mãn sở thích phù phiếm. Đến để hiểu được những thiệt hại người dân địa phương đang hứng chịu và biết đâu sẽ có những hoạt động giúp đỡ, quan tâm, hỗ trợ người dân đang được triển khai... Tại sao không?

Tất nhiên, tôi vẫn mong mọi người nên đảm bảo an toàn sức khỏe, an toàn giao thông khi đến vùng khí hậu đang khắc nghiệt. Và điều quan trọng hơn là cần chú ý tôn trọng, chia sẻ cảm xúc của người dân bản địa đang chịu cảnh khó khăn. 

Nên "sưởi ấm", chia sẻ thiệt hại (ít nhất bằng con tim) thay vì chỉ "đốt nóng" sở thích cá nhân. Đến vùng khó khăn, đừng hào hứng sống ảo quá mà quên thực tế đồng bào mình đang lâm cảnh khó.

Chuyện gia súc chết (thậm chí người già mất vì rét) trong mùa cuối năm âm lịch không phải chưa từng xảy ra ở những khu vực này. Làm sao thay đổi được lối sống, tập quán của người dân để ứng phó tốt, giảm thiệt hại sau thiên tai cũng là chuyện cần làm sau những thiệt hại không nhỏ năm nay.

Vùng cao nước ta là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc còn khó khăn, lại là nơi có sức hút lớn về du lịch. Đó là tiềm năng, cơ hội phát triển của địa phương, nơi có những em nhỏ phải ra đường trong giá lạnh để bán hàng cho du khách. Cần có những dự án hỗ trợ thay đổi hành vi của phụ huynh nhưng hiệu quả không phải đến tức thì, ngày một ngày hai với mục tiêu sinh kế bền vững cho người vùng này.

Du lịch trải nghiệm thời tiết cũng vậy. Tôi nghĩ sẽ thu được nhiều lợi hơn nếu được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản, để vừa đảm bảo an toàn cho người đi du lịch, đồng thời có thể dùng nguồn đó góp vào quỹ an sinh xã hội hay cách hỗ trợ thiết thực khác cho những người bị thiệt hại. Chỉ có làm hiệu quả hơn việc "sưởi ấm" này vào mùa băng tuyết mới có thể xóa được tâm lý, tranh cãi trong dư luận. 

Nhưng kiểu du lịch này sẽ vẫn tiếp tục gây tranh cãi nếu chưa giải quyết bài toán sinh kế bền vững. Tức là du khách trải nghiệm thời tiết lạ có thể góp phần nâng cao đời sống và giúp dân địa phương có điều kiện ứng phó tốt nhất trước thiệt hại về thời tiết khắc nghiệt.

Nghiên cứu ban hành quy định tổ chức giao thông khi có băng tuyết Nghiên cứu ban hành quy định tổ chức giao thông khi có băng tuyết

TTO - Ngày 11-1, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ban hành công điện về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trong điều kiện có giá rét, băng tuyết.

KHÔI NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên