27/12/2013 07:30 GMT+7

"Ba chung" không phù hợp với đổi mới giáo dục

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định như vậy tại buổi đối thoại trực tuyến “Những điểm mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện ngày 26-12.

“Ba chung” đáng lý phải cáo chung từ lâuHết "ba chung" lại "ba riêng": liệu có bát nháo?"Cha đẻ ba chung": Quan trọng nhất là kỷ cương thi cử

JSx3eaa7.jpgPhóng to
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại cuộc giao lưu trực tuyến ngày 26-12 - Ảnh: Đăng Lương

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc kéo dài “ba chung” sẽ không phù hợp với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. “Thi cử, tuyển sinh thuộc về công việc chuyên môn cần được giao lại cho các trường. Bộ GD-ĐT sẽ đóng đúng vai cơ quan quản lý của mình, tập trung xây dựng, ban hành văn bản chính sách và giám sát việc thực hiện của các trường” - ông Ga lý giải.

Không thể gây sốc

Thực tế, việc đặt ra yêu cầu tuyển sinh riêng không phải là câu chuyện mới tinh cho mùa tuyển sinh 2014. Từ năm 2011, ngay khi chính Bộ GD-ĐT chưa có ý định buông “ba chung” thì Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chỉ đạo một số trường ĐH trọng điểm xây dựng phương án tuyển sinh riêng. Kết quả năm 2011 có Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và năm 2012 có ĐH Quốc gia TP.HCM trình Bộ GD-ĐT phương án tuyển sinh riêng. Thứ trưởng Ga cho biết lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường này hoàn thiện, bổ sung một số điều, nhưng sau đó không nhận được hồi âm.

Chỉ xét tuyển khi phân luồng tốt

Đáp lại câu hỏi “Nhiều nước vào ĐH chỉ cần xét duyệt hồ sơ, còn VN thì sao?”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: “Chúng ta sẽ làm với điều kiện phải phân luồng thật tốt học sinh sau THCS. Lúc đó sẽ không cần thi tuyển, chỉ cần xét tuyển vì học sinh vào lớp 10 chắc chắn có mục tiêu và đủ khả năng học ĐH. Phân luồng của ta hiện rất hạn chế khi chỉ có vài phần trăm học sinh sau lớp 9 đi học nghề. Mục tiêu đến năm 2020, nước ta sẽ có 30% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Khi đó chúng ta sẽ thực hiện được phương thức tuyển sinh chỉ qua xét duyệt hồ sơ”.

Nhưng tại sao Luật giáo dục ĐH có hiệu lực từ năm 2014 mà tới năm 2017 Bộ GD-ĐT mới hoàn toàn giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường? “Nhật Bản cần có lộ trình năm năm để đổi mới tuyển sinh. VN cũng không thể gây sốc để tuyên bố rằng ngay năm sau sẽ tuyển sinh riêng toàn bộ... Trong hệ thống giáo dục ĐH hiện tại, có những trường mới thành lập, lực lượng cán bộ còn non, chưa đủ sức gánh vác ngay tổ chức một kỳ thi riêng. Đó là lý do Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức thi “ba chung” cho những trường chưa sẵn sàng thi riêng đến hết năm 2016. Lộ trình này cũng phù hợp khi học sinh vào lớp 10 năm nay vẫn có thể thi theo cách truyền thống của kỳ thi ba năm tới, nhưng học sinh vào lớp 10 năm 2014 nhất định sẽ phải làm quen dần để tham gia kỳ thi riêng bắt buộc của năm 2017” - ông Ga nói.

Điều khiến nhiều trường ngần ngại đưa ra phương án tuyển sinh riêng ngay là đã thi riêng thì không được dùng kết quả “ba chung” một lần nữa được lãnh đạo bộ khẳng định đó là quy tắc bất di bất dịch. “Mục đích của đổi mới tuyển sinh là các trường phải xây dựng được phương án của riêng mình, nên cách thi của trường này có thể sẽ không phù hợp với mục tiêu tuyển sinh của trường khác, nên không thể xét tuyển kết quả lẫn nhau của các phương thức thi khác nhau. Điều này đúng là gây khó cho thí sinh, nên Bộ GD-ĐT đã gợi ý các trường có thể tập hợp thành nhóm để thực hiện chung một phương án, tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh” - ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, nhấn mạnh.

“Bài học cay đắng”

Đó là cụm từ được Thứ trưởng Bùi Văn Ga dùng khi nói đến việc buông lỏng tuyển sinh đầu vào các hệ đào tạo tại chức, đào tạo liên thông trong suốt một thời gian dài khiến chất lượng đào tạo các hệ này đều khập khiễng, khiến xã hội quay lưng với các sản phẩm đầu ra của giáo dục. “Bài học cay đắng nhất mà chúng ta rút ra được từ đào tạo tại chức, liên thông, các hệ đào tạo không chính quy là không khống chế một ngưỡng trong tuyển sinh đầu vào. Các trường muốn tuyển thế nào cũng được miễn là lấy đủ chỉ tiêu. Do đó, họ thường lấy điểm từ cao xuống thấp, có khi thi mà chẳng rớt em nào. Hậu quả là chất lượng đào tạo kém, không phù hợp nhu cầu sử dụng lao động. Bộ GD-ĐT đã nhận thấy bất cập này, rút kinh nghiệm đưa vào dự thảo quy chế tuyển sinh riêng buộc các trường phải đặt ra ngưỡng tuyển sinh tối thiểu, tránh tuyển sinh ồ ạt” - ông Ga nói.

Theo cách này, các trường không thể muốn tuyển bao nhiêu cũng được mà chỉ tuyển đến ngưỡng tối thiểu được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên khi được hỏi “ngưỡng tối thiểu” là gì, ông Ga lại chưa đưa ra đáp số cụ thể vì “mỗi trường một phương thức thi riêng, một cách đánh giá riêng, họ phải đưa ra ngưỡng tối thiểu trong đề án trình lên Bộ GD-ĐT. Song có thể hình dung ngưỡng tối thiểu là điểm sàn trong thi “ba chung”.

Thứ trưởng Ga cũng thừa nhận việc nâng cao chất lượng đối với các hệ đào tạo phi chính quy không phải là việc dễ dàng. Năm 2013, Bộ GD-ĐT đã đưa ra việc khống chế chỉ tiêu tuyển sinh hệ vừa học vừa làm không quá 20% chỉ tiêu chính quy, nhưng do thí sinh dự thi giảm nên vẫn có hiện tượng trường “vét” đến tận thí sinh cuối cùng. Do đó, phương án đặt ra ngưỡng tối thiểu này cũng sẽ được áp dụng đối với các kỳ thi lâu nay vốn đã do các trường tự quyết như thi vừa làm vừa học (tại chức), thi liên thông.

Cơ hội cho thí sinh giỏi một môn?

Một thí sinh băn khoăn bạn chỉ giỏi môn toán mà học kém môn lý, hóa. Nếu thi theo khối thi truyền thống điểm không cao và áp vào bài thi “ba chung” của bộ năm trước, thí sinh này sẽ trượt, liệu thi riêng có mở cánh cửa vào ĐH của thí sinh này rộng hơn không? Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định trường ĐH có thể không tổ chức thi theo khối với đầy đủ ba môn toán - lý - hóa cho khối A như lâu nay, mà có thể chỉ thi toán, rồi phỏng vấn và làm bài kiểm tra năng lực theo yêu cầu của nhà trường.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên