11/02/2021 20:59 GMT+7

'Ba à, Tết năm nay con dạy các con con gói bánh'

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Anh Tôn Thất Hưng Bình sống ở bang California (Mỹ) khấn với người cha đã mất: "Ba à, mấy đứa nhỏ rất là thích và muốn thử gói bánh chưng, bánh tét nên năm nay con sẽ cho các cháu gói bánh làm quà giỗ ông nội".

Ba à, Tết năm nay con dạy các con con gói bánh - Ảnh 1.

Anh Tôn Thất Hưng Bình hướng dẫn con gói bánh chưng ở Mỹ - Ảnh: Tôn Thất Hưng Bình

Đầu năm 2021, dù chưa đến Tết nhưng 5 người trong nhà anh Bình, gồm hai vợ chồng và ba bạn nhỏ sinh ba 15 tuổi, đã hai lần thử gói bánh chưng, bánh tét để "luyện tập" cho buổi gói thật sự vào ngày Tết. Anh Bình bồi hồi: "Khoảng 30 năm nay gia đình tôi mới gói lại bánh chưng, bánh tét".

Những năm qua, như nhiều gia đình bận rộn trong thời đại 4.0, nhất là khi ngày Tết Việt Nam ở Mỹ thường hay rơi vào ngày trong tuần, nhà anh cũng chỉ đủ thời gian ăn Tết kiểu hiện đại. Tất cả là đi mua, thậm chí đặt hàng online và được ship về nhà.

"Nhưng cuộc sống luôn có sự sắp đặt bất ngờ thú vị", anh Bình chia sẻ. "Hồi mấy đứa còn nhỏ, tết thì các bé thích múa hát. Khi lớn lên, biết ngại, cả ba không chịu múa, hát nữa. Rồi đến tuổi trung học, không ai bảo mà các cháu bắt đầu thích tìm hiểu về nguồn gốc Việt Nam, thích nhận lì xì, thích lì xì qua lại cho nhau, thích đi chùa ngày Tết và thích học nấu đồ ăn Việt".

Năm nay, chính vì các con khích lệ: "Mình làm cái gì Việt Nam một chút mà đặc biệt đi ba", mà vợ chồng anh Bình tổ chức gói bánh chưng, bánh tét.

Lần thử gói bánh đầu tiên vào tháng 12-2020, vợ chồng anh chỉ các con cách đi chợ, cách chọn mua nếp, mua đậu xanh, làm nhân và cách gói bánh, cột dây.

Ba à, Tết năm nay con dạy các con con gói bánh - Ảnh 2.

Lần đầu gói bánh chưng của bạn thiếu niên gốc Việt 15 tuổi ở California - Ảnh: Tôn Thất Hưng Bình

Ba bạn nhỏ được hướng dẫn và giao mỗi người một việc, bạn thì rửa và luộc lá chuối, bạn thì làm khuôn từ bìa carton, bạn thì chuẩn bị nếp, đậu. Người lớn gói bánh và hướng dẫn.

Vợ chồng anh Bình chia sẻ: "Đồ ăn Việt và đồ ăn ngày Tết ở San Jose, bang California không thiếu thứ gì. Nhưng nhà mình gói bánh để có không khí. Giống như mình vẫn nhớ những kỷ niệm ngày Tết thời ấu thơ, mình mong là dù có ở đâu, các con mình cũng sẽ nhớ đến ngày Tết Việt".

Chị Megan, vợ anh Bình, nói: "Ngày Tết nhà tôi dù tất bật thế nào cũng cố gắng chu toàn một mâm cơm cúng giao thừa, mặc dù không linh đình như ở Việt Nam. Tôi thấy vui vì các con biết học hỏi về nguồn cội, biết tham gia phụ giúp cho cha mẹ. 

Con gái còn học vài câu để giới thiệu về bánh chưng, bánh tét cho bạn bè. Câu chuyện Lang Liêu rồi sẽ được các con thay thế hệ chúng tôi kể lại cho những thế hệ sau".

Tết giữa trời tuyết trắng

Chị Phan Bích Thiện bồi hồi kể về lần đầu tiên đón Tết ở Hungary, quê chồng: "Năm 1999 là năm đầu tiên tôi đón Tết ở Hungary nên chưa có người quen. Ngày giáp Tết chạy đi mua sắm đồ về nấu cơm cúng mà chạnh lòng vì xung quanh chẳng có gì là không khí Tết. Giao thừa xong, nước mắt tôi cứ thế mà tuôn".

Năm 2021, ngày Tết ở Hungary với chị Thiện dù vẫn nhớ Việt Nam không còn nỗi buồn vì đã hội nhập hoàn toàn vào cuộc sống nơi đây. 

"Tết ở Hungary cũng không thiếu một thứ gì vì đồ Việt nhập sang rất đầy đủ, từ măng, miến, lá dong, bánh chưng, lạt buộc, đậu, nếp, cả quả gấc tươi từ Việt Nam cũng có", chị Thiện cho biết.

Trong những năm bình thường, cộng đồng Việt sẽ có hoạt động như lễ hội Tết vào những dịp cuối tuần giáp Tết, có ông đồ viết chữ, gian hàng ẩm thực, mâm ngũ quả, biểu diễn văn nghệ…Năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 rất khẩn cấp ở châu Âu, lễ hội xuân, tiệc tất niên… chắc chắn sẽ không tổ chức.

"Vì COVID-19 nên con gái út phải chờ sau Tết mới bay sang. Hôm nay mẹ con dọn dẹp bàn thờ rồi lục tục gói bánh chưng. Con còn kéo thêm hai bạn người Hungary đến gói cùng. Vừa gói vừa bảo mẹ bật nhạc Tết Việt Nam. Không khí Tết rộn ràng khắp nhà. 

Con gái còn giải thích ý nghĩa của bánh chưng cho các bạn Hungary. Cám ơn con gái, vậy là con không chỉ giữ gìn mà còn biết quảng bá truyền thống dân tộc rồi đấy", chị Thiện chia sẻ.

Ba à, Tết năm nay con dạy các con con gói bánh - Ảnh 3.

Con gái chị Phan Bích Thiện (phải) gói bánh chưng cùng bạn bè ở Hungary - Ảnh: Phan Bích Thiện

Chị cho biết, mặc dù tổ chức gói bánh chưng hơi vất vả nhưng quan trọng là tạo được không khí.

Xa nhà sống ở Nga nhiều năm rồi định cư ở Hungary, chị càng thấm thía rằng Tết không chỉ đáng nhớ bởi hương vị Tết mà quan trọng hơn là không khí, sắc màu Tết. Cảnh người đi mua sắm tấp nập, thậm chí phải giơ cành hoa lên cao để không bị đụng vào nhau mới làm nên cái hồn Tết Việt. Cảnh cả nhà tất bật lau dọn bàn thờ, cọ rửa nồi chảo sáng choang, ngày cuối năm đi mua hoa thược dược, hoa lay-ơn… đi theo mãi suốt cuộc đời chị Thiện.

Ở châu Âu, Tết thường rơi vào những ngày đông. Khi bên ngoài tuyết trắng bao phủ, lạnh lẽo, không khí Tết gần như không có thì chị Thiện tự nhủ: "Mình tự tạo không khí Tết trong gia đình mình".

Rất may là cả nhà, kể cả ông xã người Hungary của chị Thiện đều thích ăn bánh chưng nên chưa đến Tết mà hai tháng trước, hai vợ chồng đã bàn nhau năm nay ăn Tết thế nào, gói bao nhiêu cái bánh.

Một trong những tài sản quý giá của chị Thiện là cái khuôn gói bánh bố chị tự tay đóng trong một lần sang Đông Âu thăm con cháu. Từ đó đến nay, nhà chị luôn dùng cái khuôn này gói bánh và nấu trong cái nồi chuyên dùng nấu phở, mỗi lần được 4 chiếc bánh.

Ba à, Tết năm nay con dạy các con con gói bánh - Ảnh 4.

Hai mẹ con chị Thiện bên cặp bánh chưng mới gói - Ảnh: Phan Bích Thiện

Chị Thiện bùi ngùi: "Có thể với các con mình, ngày Tết Việt không đậm sâu như với mình thuở trước. Không có cảnh thức canh nồi bánh chưng và ngủ gà ngủ gật trên vai mẹ nhưng các con vẫn thích sẽ có ký ức Tết của riêng mình".

Sau nhiều năm hội nhập hoàn toàn vào xã hội Hungary, cái Tết với chị Thiện mặc dù còn rất nhiều nỗi nhớ nhưng không còn nỗi buồn. 

Ở quê hương mới, chị muốn truyền cho các con những trải nghiệm riêng về ngày Tết Việt vì tự bản thân mình, chị cho rằng những kỷ niệm của tuổi thơ sẽ đi theo suốt cuộc đời một con người và chị vui vì dù sinh trưởng ở châu Âu, các con mình biết tự tay gói chiếc bánh chưng đặt lên bàn thờ. 

Gói bánh tét, làm dưa món để nguôi nỗi nhớ

Từ ngày lấy chồng và sang Na Uy sinh sống năm 2016, vợ chồng tôi thường đi tránh đông kết hợp về Việt Nam ăn Tết khoảng 5 tuần nên chị chưa bao giờ mất Tết cho đến Tết năm ngoái. Tết Tân Sửu năm 2021, do đại dịch COVID-19, một lần nữa, vợ chồng tôi không đón Tết ở Việt Nam.

Tôi sống ở Førde, trong cộng đồng tôi chỉ biết có đúng hai người Việt khác nên nơi đây không có cái gọi là không khí Tết. Tết năm ngoái, giờ chót mới quyết định không về Việt Nam, tôi hoảng quá bày ra gói bánh tét, làm bún măng gà, chả gà, dưa món, dưa cải, bánh ít, thịt kho trứng… Chồng tôi ăn được nhiều món Việt nhưng nấu gì ra cũng hai vợ chồng ăn với nhau nên có hơi buồn.

Chợ Tết Việt Nam người mua kẻ bán tràn ra đường thì ở đây, tôi nấu bánh tét trên bếp điện và ngắm tuyết dày hơn nửa mét bên ngoài cửa sổ. Ngày mùng 2, mùng 3, để có không khí, chúng tôi mời vài người bạn, và gia đình anh chồng cùng các cháu sang chơi, lì xì các cháu. Các cháu chồng rất vui vì được lì xì và biết đến phong tục của người Việt.

Tôi muốn nhắn gửi đến người thân trong gia đình: "Năm nay con không về Việt Nam, khi nào hết dịch COVID-19 sẽ gặp lại nhau, trực tiếp chúc mừng năm mới mọi người".

Chị Kim Phung Kirketeig

Mâm Tết nhà tôi: Khi mỗi bữa cơm ngày Tết đều là một trời kỷ niệm Mâm Tết nhà tôi: Khi mỗi bữa cơm ngày Tết đều là một trời kỷ niệm

TTO - Những ngày này, ngoài không khi tất bật chuẩn bị đón Tết nguyên đán của dân tộc thì cảm xúc của mỗi người dân Việt chúng ta đều có chút nôn nao, bồi hồi khi nghĩ về những mâm cơm Tết xưa…

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên