30/06/2023 09:00 GMT+7

Át chủ bài 'Bidenomics' của ông Biden

Ông Biden đang đặt cược vào chiến lược phục hồi kinh tế Mỹ mang tên "Bidenomics" trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, nhưng liệu kế hoạch này có "xuôi chèo mát mái"?

Nguồn: CNN - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: CNN - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TUẤN ANH

Hôm 28-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ khôi phục giấc mơ Mỹ khi ông có bài phát biểu quảng bá chính sách "Bidenomics" - thuật ngữ Nhà Trắng dùng để tóm tắt chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Biden.

"Bidenomics là về tương lai. Bidenomics chỉ là một cách khác để nói rằng hãy khôi phục giấc mơ Mỹ", ông Biden phát biểu tại TP Chicago, bang Illinois.

Bậc thang cho người nghèo

Với bài phát biểu kéo dài khoảng nửa giờ, ông Biden đã cố gắng thu hút sự ủng hộ của các cử tri thuộc tầng lớp lao động và trung lưu - lực lượng quan trọng đối với hy vọng tái đắc cử tổng thống năm tới của ông.

Thời gian qua nhiều người trong số cử tri này đã rời bỏ Đảng Dân chủ để chuyển sang ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa.

Theo Đài CNN, "Bidenomics" sẽ là trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông Biden. Tổng thống Mỹ giải thích chính sách kinh tế của ông sẽ tập trung vào việc ủng hộ tầng lớp trung lưu, đồng thời chống lại những chính sách có lợi cho các nhà đầu tư và tập đoàn giàu có.

"Tầm nhìn này là bước đột phá cơ bản so với lý thuyết kinh tế vốn đã không đáp ứng kỳ vọng của tầng lớp trung lưu Mỹ trong nhiều thập niên", ông Biden phát biểu và bác bỏ lý thuyết "lợi ích kinh tế nhỏ giọt" (trickle-down economics).

Lý thuyết "lợi ích kinh tế nhỏ giọt" đã trở thành trọng tâm trong các chính sách của cựu tổng thống Ronald Reagan (Đảng Cộng hòa) vào những năm 1980 và đã được thúc đẩy dưới nhiều hình thức khác nhau bởi các nhà lãnh đạo tiếp theo của Đảng Cộng hòa.

Theo lý thuyết này, khi chính phủ giảm thuế và tạo ra lợi ích cho các doanh nghiệp và những người giàu có, những tác động tích cực sẽ được "nhỏ giọt" xuống các tầng lớp khác trong xã hội.

Tuy nhiên ông Biden phản đối lý thuyết này vì cho rằng nó là nguyên nhân dẫn đến việc các ngành công nghiệp chuyển ra nước ngoài, cắt giảm đầu tư công và bóp nghẹt cạnh tranh.

Vào năm 2017, tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã ký ban hành "Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm", giảm thuế đáng kể cho các tập đoàn và phần lớn các hộ gia đình Mỹ.

Tìm cách tạo ra sự tương phản với ông Trump - người tiền nhiệm và cũng là đối thủ đáng gờm hơn cả trong cuộc đua tổng thống năm 2024, ông Biden tuyên bố sẽ tìm cách phát triển nền kinh tế Mỹ "từ giữa ra ngoài và từ dưới lên trên, thay vì chỉ từ trên xuống".

Ông khẳng định theo kế hoạch của mình, "người nghèo sẽ có cái thang để đi lên và người giàu vẫn làm tốt".

Tổng thống Biden cho biết "giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến" sẽ là làm cho "luật thuế công bằng với tất cả mọi người". Điều này hàm ý ông Biden có thể khôi phục kế hoạch tăng thuế với người giàu và doanh nghiệp lớn nếu ông tái đắc cử và Đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện quốc hội.

Ông Biden đang lo gì?

Báo Financial Times cho rằng vấn đề kinh tế lớn nhất đối với ông Biden kể từ khi đắc cử đến nay là lạm phát, vốn đã đạt mức cao nhất trong 40 năm vào năm ngoái trước khi giảm bớt. Đối với nhiều cử tri, đó là di sản tai hại nhất trong cách tiếp cận kinh tế của ông Biden.

Tuy nhiên ông Biden đã chỉ ra một số tin tức tích cực gần đây. "Giảm lạm phát vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi hiện nay. Lạm phát hiện ở mức thấp hơn một nửa so với năm trước", ông Biden lưu ý.

Dẫu vậy ông Biden vẫn đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục người Mỹ tin vào chương trình nghị sự kinh tế của mình.

Theo cuộc khảo sát của Đài CNN hồi tháng 5, có tới 2/3 số người Mỹ được hỏi cho biết họ không tán thành cách ông Biden điều hành nền kinh tế và 3/4 cảm thấy kinh tế Mỹ đang tồi tệ.

Điều khiến Nhà Trắng lo lắng lúc này là những khó khăn kinh tế diễn ra trong nhiệm kỳ của ông Biden (vật giá leo thang, thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng) giờ đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người Mỹ như là các chính sách thất bại, ngay cả khi một số khó khăn đã bắt đầu giảm.

Đảng Cộng hòa đã không ngừng chỉ trích thành tích kinh tế của ông Biden, đặc biệt về lạm phát, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5-2023 vẫn ở mức tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức trước đại dịch COVID-19.

"Ông Biden đã tiếp tục theo đuổi cùng một loại chính sách chi tiêu lớn, đẩy chúng ta vào mớ hỗn độn này ngay từ đầu", thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune chỉ trích.

Ngoài ra hiện tại không ai biết chắc sự cải thiện kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng tới hay không. Các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ vẫn dự kiến sẽ phải tăng lãi suất thêm trong năm nay để đối phó lạm phát.

Chiến lược rủi ro cao?

Hãng tin Bloomberg đánh giá việc ông Biden đặt kinh tế làm trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử có thể là chiến lược mang tính rủi ro cao. Sau hai năm lạm phát tăng nhanh, người Mỹ nhìn chung không có ấn tượng tốt với kinh tế trong nước và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nếu xảy ra một cuộc suy thoái trước ngày bầu cử năm 2024.

Phe Cộng hòa tìm lời khai của quan chức về con trai ông BidenPhe Cộng hòa tìm lời khai của quan chức về con trai ông Biden

Ngày 29-6, phe Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã tìm kiếm lời khai của hơn một chục quan chức liên quan cuộc điều tra thuế liên bang đối với con trai ông Biden.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên