*Tổng thống Obama muốn đẩy nhanh hiệp định mậu dịch tự do
ASEAN - Trung Quốc cần khởi động đàm phán COCTổng thống Mỹ lần đầu đến Campuchia
Phóng to |
Campuchia, nước chủ tịch ASEAN đương nhiệm, thông báo ngày 19-11 rằng ASEAN đã đồng ý không “quốc tế hóa” các tranh chấp, giống như ý kiến trước đó của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.
Theo đó, ông Ôn Gia Bảo đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh không muốn thương lượng đa phương về chủ đề này ở một hội nghị thượng đỉnh hay trong nội bộ ASEAN.
Nhưng Philippines phủ nhận việc các nước đã đạt được thỏa thuận chung về lập trường đối với các tranh chấp. “Làm sao có thể có đồng thuận? Đồng thuận là 100%. Làm sao có đồng thuận khi có hai nước nói không?” - Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Philippines Albert de Rosario.
Các quan chức tham gia những cuộc hội đàm riêng giữa Trung Quốc và ASEAN nói Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã giơ tay cắt ngang bài phát biểu và nói nước ông, với tư cách một quốc gia có chủ quyền, có đầy đủ quyền “để bảo vệ các lợi ích quốc gia của chúng tôi”.
Trong khi đó, thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda bày tỏ thất vọng với Thủ tướng Campuchia Hun Sen vì không đề cập tới biển Đông. “Thủ tướng Noda đã nêu ra vấn đề biển Đông, vốn là mối bận tâm chung của cộng đồng quốc tế, có ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, một tuyên bố của Chính phủ Nhật cho biết.
Thủ tướng Úc Julia Gillard cho rằng ASEAN và Trung Quốc “đã có một số hợp tác tốt liên quan tới biển Đông”, nhưng không nên loại bất cứ điều gì khỏi nghị trình cuộc họp thượng đỉnh vốn là nơi các nhà lãnh đạo trao đổi về những vấn đề an ninh, kinh tế và thương mại, theo báo Úc Sydney Morning Herald.
Tổng thống Barack Obama, trong chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống đương nhiệm Mỹ tới Campuchia, cũng bày tỏ quan ngại về các tranh chấp. Mỹ ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử chung ở biển Đông cho các nước trong khu vực.
* Cùng ngày, tại Phnom Penh, Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bắt đầu thảo luận về sáng kiến mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư song phương.
Mục đích chính trong sáng kiến nói trên, có tên gọi Cam kết mở rộng quan hệ kinh tế Mỹ - ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các nước châu Á tiến tới tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định thương mại mà Mỹ đang đàm phán với 10 quốc gia ASEAN và khu vực Tây bán cầu.
Các nước tham gia sáng kiến sẽ đàm phán về đơn giản hóa các thủ tục thuế quan, cùng bảo vệ giới đầu tư và những nguyên tắc ứng xử trong thương mại.
Mỹ muốn mở rộng TPP tới Campuchia, Lào và Myanmar - những nước thành viên ASEAN không tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng khẳng định ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ và là đối tác thương mại lớn thứ năm của nước này. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của ASEAN đã tạo nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu Mỹ.
Các quan chức Mỹ nói cuộc gặp riêng này đã được Nhà Trắng gửi yêu cầu đi từ trước khi ông Obama tái cử. Tuy nhiên, ngoài Mỹ chỉ có một nửa các nước tham dự TPP có mặt tại hội nghị ở Phnom Penh lần này, bao gồm các nước Úc, New Zealand và các nước ASEAN Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận