26/08/2022 10:33 GMT+7

Áo 'vỗ về' trẻ tự kỷ

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Nhóm gồm bảy thành viên là sinh viên Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Kinh tế (thuộc ĐH Đà Nẵng) đã nảy ra ý tưởng nhân văn là chế tạo chiếc áo giúp giảm kích động cho trẻ tự kỷ.

Áo vỗ về trẻ tự kỷ - Ảnh 1.

Nhóm sinh viên giới thiệu sản phẩm “áo cho trẻ tự kỷ” tại cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên Đại học Đà Nẵng - Ảnh: THU HIỀN

Ý tưởng này bắt nguồn từ việc các bạn trẻ cùng chung mong muốn góp phần xoa dịu nỗi đau mà những đứa trẻ kém may mắn đang gặp phải.

Cái ôm dành cho trẻ

Hiện nay, số lượng trẻ em mắc chứng tự kỷ ở Việt Nam và trên thế giới ngày càng tăng nhưng vẫn chưa có giải pháp tối ưu hỗ trợ cho trẻ và gia đình có trẻ mắc hội chứng này. 

Ở Việt Nam vẫn còn có rất ít sản phẩm chuyên biệt giúp việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ tự kỷ đỡ áp lực và khó khăn hơn. Từ những trăn trở đó, nhóm dự án "Áo cho trẻ tự kỷ" đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình.

Các thành viên trong nhóm bắt đầu trực tiếp tìm gặp và trao đổi với các gia đình có trẻ tự kỷ để hiểu về cảm xúc của trẻ, những hành động mà trẻ thường làm mỗi khi mất kiểm soát và các giải pháp mà phụ huynh thường làm khi con họ ở trong tình trạng trên. 

Cùng với đó, nhóm liên hệ các trường chuyên biệt dạy trẻ tự kỷ và các chuyên gia bác sĩ cũng như khảo sát thông qua các nhóm dành cho trẻ tự kỷ để nắm bắt thông tin, tư liệu về trẻ tự kỷ, từ đó có thể đưa ra các giải pháp tối ưu nhất cho sản phẩm.

Mất khoảng bốn tháng để bảy bạn trẻ hoàn thành sản phẩm. Cuối cùng, chiếc áo cũng hoàn thiện với trọng lượng khoảng 1kg, chất liệu vải mềm và thoáng với ba lớp nhưng vẫn giúp trẻ cảm thấy thoáng mát khi mặc. Áo có hai tà với các miếng dán áo theo từng kích cỡ cho trẻ từ 6 đến 14 tuổi.

Nguyễn Văn Kiên, một thành viên của nhóm, cho biết sản phẩm hoạt động theo cơ chế kích thích ép sâu.

 "Khi trẻ tự kỷ bị kích động, áo sẽ tạo một lực ép ôm chặt vào cơ thể trẻ. Thiết bị massage trên hai vai đồng thời hoạt động giúp trẻ thư giãn hệt như cách cha mẹ ôm ấp, vỗ về con của mình khi các bé kích động. Nguyên lý kích thích ép sâu được các nhà nghiên cứu ghi nhận có tác dụng giảm trạng thái kích động cho trẻ tự kỷ" - Kiên nói.

Nguyễn Mạnh Dũng, trưởng nhóm, chia sẻ suốt thời gian vừa học vừa nghiên cứu, nhóm đã gặp không ít khó khăn. Đang còn là sinh viên nên việc tiếp cận những gia đình có trẻ tự kỷ là vô cùng khó bởi họ còn nhiều e ngại. 

Việc tìm hiểu các biện pháp để làm dịu trẻ khi trẻ kích động trong thời gian ngắn mà không làm cho trẻ khó chịu cũng là một thách thức với cả nhóm. Ngay trong giai đoạn thực hiện sản phẩm, vì ý tưởng khá mới nên nhóm đã thử rất nhiều nguyên liệu mới lựa chọn được nguyên liệu tốt nhất để hoàn thiện sản phẩm.

Cũng chính vì các thành viên đều đang là sinh viên, nên khi nguồn tiền để nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ dự án cộng đồng không đủ, các thành viên đã phải bỏ thêm tiền túi ra để nghiên cứu.

Một sản phẩm nhân văn

Sau khi hoàn thiện sản phẩm, nhóm mang chiếc áo đến thử với hơn chục trẻ tự kỷ khác nhau. Chiếc áo hoạt động đúng theo những gì nhóm tính toán, khiến ai nấy đều vỡ òa.

Chứng kiến thử nghiệm sau gần chục phút, chiếc áo đã giúp con mình thư giãn, tạo cảm giác thoải mái, tâm lý ổn định và đưa bé trở lại trạng thái cân bằng, chị L.T.N. - một phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ - vô cùng xúc động. 

"Mỗi khi con kích động, tôi thường ôm cháu vào lòng vỗ về, nhưng không thể cha mẹ nào cũng liên tục theo sát con để làm được điều đó. Chiếc áo này dễ mặc, dễ dùng và đóng vai trò như một cái ôm từ người thân. Mong sao chiếc áo sẽ có hàng loạt trên thị trường để giúp các con bớt cảm giác khó chịu và ba mẹ cũng an lòng hơn" - chị N. nói.

Trưởng nhóm Nguyễn Mạnh Dũng cho hay sắp tới nhóm sẽ hoàn thiện, phát triển thêm mẫu mã, có thể theo hướng áo khoác để tăng thêm diện tích ôm trọn cơ thể của trẻ, tăng thêm hiệu quả, đồng thời nghiên cứu tích hợp thêm các cảm biến theo dõi thể trạng, sức khỏe các bé tốt hơn. Theo tính toán của nhóm, chiếc áo nếu được đưa ra thị trường sẽ có giá thành khoảng 3 triệu đồng.

"Thời gian đến, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm và liên hệ với nhà trường để tiến hành kiểm định sản phẩm tại cơ quan chức năng" - Dũng nói.

Giải nhất cuộc thi khởi nghiệp

Dự án sản phẩm "Áo dành cho trẻ tự kỷ" của nhóm bạn trẻ đã xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên Đại học Đà Nẵng lần thứ II (InTE UD - 2022).

Tại cuộc thi, ThS Đinh Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc khối hệ thống phần mềm Công ty công nghệ Fossil Việt Nam, đánh giá:

"Đây là sản phẩm thiết thực, thể hiện tính nhân văn và xuất phát từ nhu cầu thực tế. Khi được nghiên cứu hoàn thiện, thử nghiệm trên diện rộng để đánh giá sẽ có tiềm năng ứng dụng, hỗ trợ hiệu quả việc chăm sóc trẻ tự kỷ".

Nhầm lẫn giữa trẻ tự kỷ và trẻ chậm nói Nhầm lẫn giữa trẻ tự kỷ và trẻ chậm nói

TTO - Một trong những dấu hiệu phổ biến của trẻ tự kỷ là rối loạn về ngôn ngữ. Nhiều cha mẹ lo lắng, nghi ngờ con mắc chứng tự kỷ khi thấy con chậm nói. Vậy làm sao để phân biệt trẻ chậm nói và trẻ tự kỷ?

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên