Anh Trần Văn Thọ và con gái Trần Thị Thanh Thủy (6 tuổi) - Ảnh: M.Phượng |
Bà con trong xóm kháo nhau “thấy ông Thọ, chạy xe ôm xóm mình, lên tivi nhận thưởng chiếc ôtô hơn 1,4 tỉ đồng”.
“Chiều nhận giải, sang hôm sau mọi người biết cả” - anh Trần Văn Thọ, ở ấp 3, xã Nhựt Chánh, “người trong cuộc” vừa trúng thưởng ôtô, cười vui kể. Đã hai tháng trôi qua, nhưng niềm vui ấy vẫn còn trên gương mặt chai sạm của người tài xế xe ôm này.
Giấc mơ có thật
Anh Thọ bộc bạch: “Đến tận bây giờ nhiều lúc tui còn nghĩ mình đang nằm mơ. Huống chi là lúc đầu khi nhận được điện thoại báo trúng chiếc xe hơn tỉ đồng, tui làm sao tin được”.
Ngồi trên chiếc võng đung đưa, anh kể: “Bữa đó, đâu như cuối tháng 8, tui đang chạy xe ôm thì có số lạ gọi đến. Nhấc máy nghe, có người thông báo là tui đã trúng thưởng một ôtô hiệu BMW, nghe mà ngỡ ngàng đến muốn... xỉu”.
Anh lấy hơi, kể tiếp: “Hằng ngày tui hay nhận được mấy tin nhắn rác, mấy cuộc gọi tới quảng cáo linh tinh nên khi đó tui nghĩ chắc là bị lừa đảo vớ vẩn. Rồi tui cũng quên luôn, ai dè trúng thiệt”.
“Nhiều lúc buồn buồn, tui cũng có tham gia các chương trình tải nhạc chờ quay số trúng thưởng. Nhưng chủ yếu là để giải khuây chớ chẳng bao giờ nghĩ có trúng giải” - anh Thọ nói.
Nhưng rồi giấy mời đã được bưu điện gửi tới tận nhà, tên người nhận, địa chỉ đúng của anh Thọ. Niềm vui vỡ òa. “Vợ chồng con cái ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Lúc ấy mới dám tin mình đã trúng xe hơi” - anh Thọ cười thật tươi nhớ lại.
Lo cho con ăn học Anh Thọ cho biết cả hai vợ chồng anh giờ đây đều đã cảm thấy thoải mái vì không còn phải nặng đầu với chuyện nợ nần. Bây giờ, đối với anh xe ôm Trần Văn Thọ, mọi lo lắng đều dành cho gia đình nhỏ của mình. “Không có tiền, cái gì cũng đâm ra khó. Hồi đó cũng vì nghèo mà thôi nhau. Gặp người vợ thứ hai, chưa kịp có con cái thì đã lại lỡ dở chuyện gia đình” - anh tâm sự. Từ đấy, anh lặng lẽ ở với người mẹ già và làm bạn với chiếc xe máy cũ kỹ. Năm 2006, anh Thọ mới gặp được chị Đặng Thị Riêng. Cũng một mình mẹ góa nuôi con, chị Riêng đồng cảm và cùng anh Thọ về xây tổ ấm. “Con riêng của vợ tui giờ lớn rồi, về sống với bên nội của nó. Cả hai vợ chồng tui bây giờ dành dụm để lo cho con bé út 6 tuổi. Mình không biết chữ, bằng mọi giá phải cho con bé ăn học đàng hoàng để sau này sướng hơn cha mẹ” - anh Thọ cho biết. |
Với đôi vợ chồng nghèo quanh năm chỉ biết đến công việc thì ngày 12-9 vừa qua là ngày họ hạnh phúc nhất. Anh Thọ cất chiếc xe máy cà tàng vào góc nhà, vợ anh xin nghỉ một ngày công, con gái xin trường nghỉ học một buổi, cả gia đình lên TP.HCM nhận giải. Đi cùng với họ còn có một người dượng, một người cậu.
“Chưa bao giờ có trong túi quá 10 triệu đồng, gạo chạy từng ngày, nợ nần chồng chất. Mấy chục năm chạy xe ôm, cái vôlăng ôtô nhìn cũng sợ chớ mơ chi đến việc sử dụng...” - anh Thọ bộc bạch.
Nghĩ thế, anh đã quyết định bán chiếc xe ấy cho người chủ của một doanh nghiệp với giá 900 triệu đồng để lấy tiền lo toan cuộc sống.
“Hôm đó, người ta trả trước cho tui 600 triệu đồng. Nhìn cả cục tiền dày cộm, đủ loại, tui ngợp, phải nhờ người cậu đếm và mang về tận nhà” - anh Thọ thật thà kể.
Vun vén gia đình
Hai tháng trôi qua, gia đình nhỏ của anh Thọ đã dần trở về cuộc sống bình thường từ trước đến nay. Anh vẫn rong ruổi với những chuyến xe ôm chở khách quanh huyện, các huyện lân cận và lên tận Sài Gòn. Có người kêu, anh Thọ lại đi ngay. Còn vợ anh vẫn đi làm công nhân ở một công ty gần nhà.
Mọi sinh hoạt vẫn vậy, nhưng số tiền “trong mơ” ấy đã giúp anh Thọ tươi tỉnh hẳn. Vẻ mệt mỏi, ủ dột ngày nào giờ đã được thay bằng niềm vui nơi khóe mắt cùng suy nghĩ: “Trời thương cho mình tiền, phải ráng làm ăn để giữ lấy”.
Người dượng, cũng là chủ quán cà phê nơi anh Thọ ngồi hằng ngày để đón khách đi xe ôm, tiếp chuyện: “Quen thân mới biết, từ ngày có tiền, vợ chồng vui vẻ làm ăn, còn nó đỡ hẳn chuyện nhậu nhẹt”.
900 triệu đồng làm cho người đàn ông đương thất chí bừng tỉnh. Thời cơ hàn, gia đình anh đã phải vay mượn khắp bà con chòm xóm để sống qua ngày.
Mang ơn họ, nhận tiền về, anh trả hết các khoản nợ nần vay mượn, những người nghèo khó anh tặng họ chút đỉnh. Rồi anh cười, thật thà tâm sự: “Trước đây tôi uống cà phê của dượng Bảy rồi trả sau, nhưng chưa bao giờ tui trả hết được cho dượng”.
Đến lúc này, anh Thọ cho biết mình mới thật sự cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Điều anh day dứt và trăn trở suốt 18 năm qua đã tạm nguôi ngoai.
“Ngày ấy gia đình nghèo khó quá. Vợ tui ra đi mang theo đứa con trai hơn 3 tuổi. Thôi nhau, tui cũng không có tiền cấp dưỡng cho con trai”, giọng anh Thọ nghe buồn buồn và như chùng xuống. Thương con nhưng anh bất lực vì không thể làm tròn nghĩa vụ của người cha. Chính vì thế, ngay sau khi nhận tiền thưởng, anh đã lên tòa đóng tiền cấp dưỡng cho con.
Số tiền còn lại anh Thọ gửi hết vào ngân hàng, tuyệt nhiên không mua sắm, phung phí vào bất cứ việc gì. “Tiền để trong túi thế nào cũng bay hết. Giờ một tháng coi như có thêm được tiền lãi gần bằng tiền lương của vợ, ổn định trước đã” - anh cho biết.
Nhìn con gái chạy từ nhà trên xuống nhà dưới, anh kể: “Cứ 6g30, tui chở vợ đến công ty cách nhà trọ 4 cây số, rồi chở con gái qua trường học. Sau đó đợi đón khách đi xe ôm. 10g15 tui rước con về đây (nhà mẹ anh Thọ - PV) để con ăn trưa. Hơn 1g chiều tui chở con đến lớp, tối lại đón con về bên nhà trọ”. Vì căn nhà của mẹ ruột quá chật, gần một năm nay anh Thọ đã thuê một căn nhà trọ ở ấp 1 để vợ tiện đi làm. Cứ sáng sáng anh lại chở vợ đi, con gái ngồi giữa líu lo. Anh bảo rằng đời thế là vui.
Anh Thọ thổ lộ: “Tui xưa giờ chạy xe ôm. Cả đời xe ôm rồi nên nói lấy tiền làm ăn kể cũng khó. Ngày trúng tiền, bà con ai cũng khuyên bảo đây là lộc trời cho, phải giữ lấy. Mỗi người trong đời nếu chăm chỉ thì cũng sẽ có cơ hội để sống ổn định. Giờ tui có cơ hội đó rồi, còn lại phải chăm chỉ nếu không thì dễ mất lắm”.
Rồi anh nhẩm tính: số tiền gửi ngân hàng, tiền lời hằng tháng hơn 2 triệu đồng sẽ dành phụ vào thu nhập xe ôm bấp bênh của anh. Đồng lương công nhân còm của vợ để chi tiêu trong gia đình, lo cho con gái đi học.
Sau đó, anh Thọ dự định sẽ kiếm miếng đất rẻ, cất căn nhà vừa đủ để cả nhà có chỗ che mưa che nắng. Số còn lại anh gửi thành tiền tiết kiệm để dành cho con gái của mình vào đại học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận