26/07/2024 14:24 GMT+7

Ảnh Việt muốn giữ quyền khai thác xe buýt hai tầng tại TP.HCM: Các cơ quan góp ý gì?

Theo các chuyên gia và sở ngành, việc mở cửa cho các doanh nghiệp tham gia xe buýt hai tầng sẽ tạo điều kiện cạnh tranh, nâng cao chất lượng.

Du khách đi xe buýt hai tầng tham quan trung tâm TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Du khách đi xe buýt hai tầng tham quan trung tâm TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thông tin Công ty TNHH Ảnh Việt Hop On - Hop Off Việt Nam không muốn Công ty cổ phần vận tải du lịch và truyền thông Viet Bigbus (Viet Bigbus) tham gia mở thêm tuyến xe buýt hai tầng tại TP.HCM gây xôn xao dư luận.

Công ty TNHH Ảnh Việt Hop On - Hop Off Việt Nam là đơn vị đầu tiên thực hiện thí điểm xe buýt hai tầng tại TP.HCM. 

Cụ thể, tuyến DL01 hoạt động từ tháng 1-2020 và tuyến DL03 hoạt động từ 29-5. 

Còn Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội khai thác tuyến DL02 vào tháng 8-2022; đến ngày 7-7 khai trương thêm tuyến DL04.

Nhiều sở ngành thống nhất cần thiết mở thêm tuyến mới

Là các địa phương có tuyến xe buýt hai tầng đi qua, UBND quận 4 và quận 5 cũng đã thống nhất đề xuất của Công ty Viet Bigbus. Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP và Sở Du lịch TP.HCM cũng thống nhất đề xuất.

Việc này nhằm phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, thu hút thêm du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn. 

Việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển loại hình sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng phục vụ nhằm tăng tính hấp dẫn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút và đáp ứng tốt nhu cầu khách du lịch.

Đánh giá về vấn đề này, một chuyên gia xe buýt nói rằng việc mở cửa cho các doanh nghiệp đủ điều kiện đầu tư xe buýt hai tầng nhằm tạo sự cạnh tranh về chất lượng, giá vé. 

Đây là vấn đề rất cần thiết, bởi càng cạnh tranh lành mạnh, xã hội càng có lợi. Người dân thêm lựa chọn đi lại, giá vé sẽ rẻ hơn, còn doanh nghiệp phải liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Theo đề xuất, tuyến mới của Công ty Viet Bigbus không trùng lắp với tuyến cũ và được các sở ngành TP thẩm định đủ điều kiện triển khai thì nên tạo điều kiện. Sau giai đoạn thí điểm (dự kiến năm 2025), TP nên tổng kết, tổ chức đấu thầu các tuyến theo quy định”, chuyên gia này nói.

Theo TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP.HCM, chuyện muốn hay không muốn mở tuyến mới chỉ là kiến nghị của doanh nghiệp. Còn về mặt quản lý nhà nước, nếu cơ quan chức năng không chấp thuận đề xuất mở tuyến mới (khi doanh nghiệp đủ điều kiện) sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh và các quy định về chống độc quyền.

"Tôi cho rằng các luồng tuyến giao thông công cộng có thể khai thác để phát triển kinh tế, du lịch thì nên khuyến khích nhiều doanh nghiệp, tổ chức tham gia. Không chỉ các tuyến nội thành mà các tuyến ngoại thành cũng rất giàu tiềm năng. 

Trên thực tế, hiện một số tuyến xe buýt tại TP được đấu thầu đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ thời gian qua", ông Thuận nói.

Viet Bigbus: Tuyến buýt hai tầng mới khác biệt so với các tuyến hiện hữu

Trong quá trình đề xuất, Công ty cổ phần Vận tải du lịch và truyền thông Viet Bigbus (Viet Bigbus) cũng cho hay hiện việc thí điểm dịch vụ xe hai tầng, thoáng nóc đang được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải. 

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, trong đó có nội dung bảo đảm sự công bằng, công khai, minh bạch, chống độc quyền trong triển khai thí điểm. Ngoài ra, việc thí điểm chỉ giới hạn một số tỉnh thành được tham gia, không có hạn chế đơn vị đăng ký phương án triển khai.

"So với các tuyến xe hai tầng hiện hữu, tuyến do công ty đề xuất có lộ trình dài hơn, mở rộng phục vụ qua quận 4, quận 5 và TP Thủ Đức. 

Xe sẽ đưa du khách đến với nhiều địa điểm nổi tiếng mà tuyến cũ không đi qua, giúp du khách hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa của TP. 

Việc trùng lắp điểm tham quan, du lịch là tất yếu, nhưng lộ trình các tuyến đề xuất của Công ty Viet Bigbus là có sự khác biệt so với các tuyến hiện hữu", công văn của Công ty Viet Bigbus nêu.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phương án tuyến xe buýt hai tầng của Công ty Viet Bigbus đề xuất đã được nhiều sở ngành tham gia góp ý và thống nhất thực hiện. Đề xuất này cũng phù hợp với các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, đủ điều kiện thực hiện trên địa bàn TP. 

Việc chấp thuận cho Công ty Viet Bigbus tham gia thí điểm nhằm tạo sự cạnh tranh, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và tránh sự độc quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Công ty Ảnh Việt nói gì?

Ông Nguyễn Khoa Luân, tổng giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on Hop off, cho rằng với vai trò là người tiên phong, doanh nghiệp của ông đã đầu tư rất nhiều cho hạ tầng, truyền thông điểm đến để du khách quen với sản phẩm nội đô này. Vì thế "việc các doanh nghiệp sau tham gia thực chất sao chép mô hình của công ty mình".

"Đây là một sự vi phạm nguyên tắc cạnh tranh. Kinh nghiệm các nước chỉ cấp phép giới hạn cho các doanh nghiệp tiên phong đầu tiên dịch vụ này, ví dụ New York chỉ có 3 công ty được phép vận hành xe 2 tầng, Paris 2 công ty, Singapore 1 công ty", ông Luân nêu ví dụ giải thích cho căn cứ kiến nghị của mình.

Thêm doanh nghiệp đề xuất mở tuyến xe buýt hai tầng ở TP.HCMThêm doanh nghiệp đề xuất mở tuyến xe buýt hai tầng ở TP.HCM

Việc thêm doanh nghiệp tham gia thí điểm xe buýt hai tầng nhằm góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và tránh sự độc quyền.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên