14/02/2021 07:39 GMT+7

Anh lần đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên cơ thể 300 trẻ em

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Vắc xin do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca hợp tác phát triển sẽ được thử nghiệm trên 300 trẻ em từ 6-17 tuổi để đánh giá mức độ hiệu quả. Đây là lần đầu tiên loại vắc xin này được thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể trẻ em.

Anh lần đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên cơ thể 300 trẻ em - Ảnh 1.

Vắc xin AstraZeneca được nhiều nước chọn vì dễ bảo quản - Ảnh: REUTERS

Trong thông cáo ngày 13-2, AstraZeneca cho biết sẽ có 240 trẻ được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có tên ChAdOx1 nCoV-19. Những em còn lại sẽ được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm màng não để đánh giá và so sánh.

Theo nguyên tắc thử nghiệm, những người tiêm và được tiêm sẽ không biết loại vắc xin đang được sử dụng là gì. “Những thử nghiệm mới này sẽ mở rộng hiểu biết của chúng ta về việc kiểm soát virus SARS-CoV-2 ở các nhóm tuổi nhỏ hơn", giáo sư Andrew Pollard - giám sát viên chính của đợt thử nghiệm - khẳng định.

Đại học Oxford xác nhận đây là lần đầu tiên vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 được thử nghiệm trên nhóm từ 6-17 tuổi. Trước đây loại vắc xin này đã được tiêm cho các em trong độ tuổi 16 và 17 nhưng không đủ dữ liệu để đánh giá mức độ hiệu quả.

Một nghiên cứu của Trường cao đẳng Nhi đồng hoàng gia Anh cho biết COVID-19 hiếm khi gây tử vong hoặc các biến chứng nặng ở trẻ em so với các bệnh nhân lớn tuổi.

"Cũng có một số bằng chứng cho thấy trẻ em có thể ít bị nhiễm bệnh hơn. Vai trò của trẻ em trong việc phát tán bệnh một khi đã bị lây nhiễm vẫn chưa rõ ràng. Không có bằng chứng nào cho thấy trẻ em dễ lây bệnh cho người khác hơn người lớn", nghiên cứu lưu ý.

Bác sĩ Rinn Song, một nhà lâm sàng học thuộc Oxford Vaccine Group, cho rằng việc thử nghiệm trên trẻ em là cần thiết để sớm đưa vắc xin ngừa COVID-19 vào chương trình tiêm chủng cho trẻ. Tuy nhiên, bác sĩ Song cũng nhấn mạnh điều tối quan trọng là vắc xin phải an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch đáng kể.

Vắc xin của Oxford/AstraZeneca được ca ngợi là "vắc xin cho thế giới" vì rẻ hơn và dễ phân phối hơn một số đối thủ, theo Hãng tin Reuters. Với lợi nhuận ấn tượng trong năm 2020, AstraZeneca đã đặt mục tiêu sản xuất 3 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 trong năm nay, với mục tiêu trước mắt là 200 triệu liều/tháng kể từ tháng 4.

Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bằng chứng về thời gian hiệu quả của vắc xin COVID-19. Bộ trưởng Y tế Anh, ông Matt Hancock, ngày 13-2 nhận định nhiều khả năng nhân loại sẽ phải sống chung với COVID-19 như bệnh cúm.

Ông Hancock cũng bày tỏ hi vọng COVID-19 sẽ trở thành loại bệnh có thể chữa trị được vào cuối năm nay với sự ra đời của các loại thuốc đặc trị hiệu quả.

Người đã khỏi COVID-19 chỉ cần tiêm 1 liều vắc xin Người đã khỏi COVID-19 chỉ cần tiêm 1 liều vắc xin

TTO - Chuyên gia Pháp cho biết những người đã hết bệnh COVID-19 sẽ có miễn dịch tương tự tiêm vắc xin nên chỉ cần thêm 1 liều vắc xin nữa là đủ. Pháp cho biết đã có hơn 2,1 triệu người ở nước này tiêm ít nhất 1 liều vắc xin.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên