Bản thử nghiệm đầu tiên của Android 8.0 xuất hiện cuối tháng 3-2017 với tên mã Android O, và bắt đầu khởi động chương trình 'dùng thử, góp ý' cho Android O beta từ giữa tháng 5-2017. Tuy nhiên, mãi đến tháng 6 thì các lập trình viên mới tiếp cận dễ dàng và rộng rãi hơn khi Google phát hành bộ SDK và API của Android O.
Android O chớp nhoáng tăng tốc từ bản thử nghiệm cuối cùng trong tháng 7 sang bản hoàn thiện tên gọi Android Oreo ra mắt hôm 21-8 vừa qua chỉ nhằm mục đích lớn nhất: 'cướp' show diễn của iOS 11 bản hoàn thiện mà Apple sẽ công bố ngày 5-9, sự kiện ra mắt iPhone mới.
Xem clip trên và tò mò vậy Android Oreo có đủ 'ngon' để đối đầu với iOS 11? Một số ưu điểm mới sau của 'bánh Oreo 8.0' có thể gia tăng vị ngon, hấp dẫn người dùng smartphone.
Pin: Android Oreo quản lý tốt hơn Nougat (Android 7.0) bằng cách giới hạn các trình ứng dụng chạy trong nền hệ thống khi người dùng đang mở nhiều ứng dụng. Theo đó, tài nguyên hệ thống tiêu tốn ít hơn, máy chạy nhanh hơn.
Trải nghiệm tốt hơn, điều này người dùng có thể dần nhận ra khi mở game chơi, vừa mở một ứng dụng nghe nhạc, và chưa đóng trình duyệt web đang xem... nhiều ứng dụng cùng chạy một lúc, nhưng vẫn còn một số các ứng dụng lẫn dịch vụ của hệ thống Android chạy nền bên trong mà họ không nhận biết được. Máy sẽ chậm hoặc bị treo, ứng dụng bị đơ không chạy được, dẫn đến việc phải khởi động lại máy.
Android Oreo sẽ giới hạn những gì đang chạy 'bên trong' để ưu tiên trải nghiệm hiện hữu của người dùng.
Cũng cần nói thêm, công nghệ phần cứng trong các dòng chip xử lý thiết bị di động mới ra mắt cuối năm 2017 - 2018 đều được tối ưu tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Kết hợp với khả năng 'mềm' của Oreo, thời lượng pin của các máy Android mới sẽ dài hơn hiện nay.
Thông báo theo kênh: một tính năng hay của Android Oreo, khi mà mỗi giờ bạn nhận rất nhiều thông báo (notifications) từ mạng xã hội Facebook, tin tức từ Twitter, thông báo nhận email công ty, hay Google Calendar báo có cuộc họp sắp diễn ra... Tất cả giờ đây có thể sắp xếp theo kênh (channel). Các bên phát triển ứng dụng có thể tham khảo tính năng này tại đây.
Các dấu chấm (dots) nằm trên những biểu tượng ứng dụng đang có những thông báo muốn gửi gắm đến người dùng. Và có thể nhấn đè giữ lâu (thay cho nhấn chạm nhanh) lên chúng để mở trình đơn ngữ cảnh, một cách sử dụng thuận tiện 'mượn' từ iOS 10 trên iPhone 7 / iPhone 7 Plus.
Dấu chấm thông báo xuất hiện trên các ứng dụng - Ảnh: Google
Giữ đè trên biểu tượng để xuất hiện thông báo cùng trình đơn ngữ cảnh - Ảnh: Google
Xử lý thông minh cho đoạn văn bản: hữu ích cho những người thường xuyên chọn một đoạn văn bản (text) để chia sẻ, như chọn toàn bộ địa chỉ website đang xem trên khung địa chỉ của trình duyệt web (address). Android Oreo tăng thêm một chút tiện ích khi người dùng đóng khối một đoạn văn bản, ví dụ một đoạn chữ là địa chỉ của nhà hàng, Oreo sẽ chỉ dẫn thêm hướng đi đến địa chỉ đó, hoặc nếu đoạn văn bản là số điện thoại, nó có thể gợi ý gọi nhanh, thay vì phải sao chép (copy) và dán vào ứng dụng gọi điện thoại.
Hình ảnh-trong-Hình ảnh (Picture-in-Picture/PiP): Dù Apple đã đưa PiP vào máy tính bảng iPad nhưng với iPhone thì chưa, nên PiP trên điện thoại Android là một bước vượt lên trước của Android Oreo.
Bạn có thể hình dung về PiP như khi đang xem video trên YouTube hay phim từ Netflix nhưng vẫn muốn soạn một email gửi cho kịp thì cả hai cửa sổ hiển thị vẫn chồng lên nhau, soạn email vẫn soạn và video vẫn chiếu. Bạn không bỏ lỡ cảnh nào.
Video clip (góc trên bên phải) vẫn phát song song và tách biệt trên cửa sổ lướt web - Ảnh: Google
PiP đã có trên một số ít máy tính bảng (tablet) Android cao cấp nhưng áp dụng vào điện thoại Android theo xu hướng smartphone màn hình lớn hơn 5-inch ngày càng phổ biến sẽ thuận tiện cho người dùng ưa chuộng làm nhiều việc một lúc trên di động.
Tự động điền thông tin (Autofill): trên desktop hay laptop thì nhập họ tên, địa chỉ... không phải là chuyện lớn nhưng với bàn phím ảo trên điện thoại di động thì cần nhiều thời gian lẫn tỉ mỉ để khỏi gõ sai. Theo đó, Android Oreo cung cấp tính năng tự động điền thông tin (autofill) thuận tiện cho người dùng khi họ phải nhập các biểu mẫu trên website hay ứng dụng.
Các bộ biểu cảm mới nhất (emoji): Android Oreo phải 'thời thượng' nên các bộ biểu tượng cảm xúc (emoji) sẽ được cập nhật mới nhất. 60 biểu tượng mới bổ sung, từ cá voi, dê cụ, khỉ đột cho đến dế mèn, bánh hotdog... đều có và được tự nhận dạng.
Biểu tượng cảm xúc được nhận dạng và hiển thị trên Android Oreo (trái) so với các hiển thị lỗi của Android đời trước - Ảnh: Google
Wi-Fi Aware: một dạng kết nối không dây giữa hai thiết bị gần nhau (NAN/P2P) tương tự Wi-Fi Direct, cho phép hai thiết bị Android ở gần nhận ra nhau, tương tác với nhau dù cả hai không cùng kết nối chung vào một mạng Wi-Fi hay mạng Internet.
Tương tự Bluetooth nhưng hỗ trợ khoảng cách kết nối xa hơn, Wi-Fi Aware cho phép chia sẻ dữ liệu giữa hai thiết bị, như gửi ảnh cho nhau hay gửi tin nhắn cho nhau, tương tự ứng dụng nhắn tin không cần kết nối mạng FireChat.
Tuy vậy, Google chỉ mới trình làng Wi-Fi Aware và còn chờ các nhà sản xuất smartphone tích hợp công nghệ này vào điện thoại Android Oreo của họ
Android Oreo đã hỗ trợ Bluetooth Low-Energy (BLE) 5.0, tích hợp giải mã âm thanh Sony LDAC nên không gặp trở ngại với các tai nghe Bluetooth hỗ trợ Hi-Res Audio.
Google Play Protect - Lá chắn bảo vệ: quá nhiều lo ngại về những ứng dụng gây hại vẫn lọt qua 'người gác cửa' chợ ứng dụng Google Play, nay Google tung ra một lá chắn mới mang tên Google Play Protect, liên tục quét các ứng dụng bạn cài đặt trên máy để nhận diện các nguy cơ.
Trợ lý kỹ thuật số Google Assistant: cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là Google Assistant. Cuộc đua trợ lý kỹ thuật số đang diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết, trợ lý nào thông minh nhất, biết làm nhiều thứ nhất, biết giải đáp đúng nhất những yêu cầu từ người dùng.
Google tích cực mở rộng cửa chào mời các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba đưa trợ lý Google Assistant vào ứng dụng của họ, mở rộng thị phần. Tuy nhiên, các nhà sản xuất smartphone Android hiện nay lại sử dụng song song Google Assistant và trợ lý kỹ thuật số do chính họ phát triển, như Samsung Bixby trong Galaxy Note 8 hay HTC dùng thêm cả Amazon Alexa bên cạnh Edge Sense, Google Assistant trong HTC U11.
Còn những điều chỉnh khác trong Android Oreo nhưng những tính năng nổi bật trên đây là nền, và các nhà sản xuất điện thoại sẽ 'biến tấu' thêm qua các gói giao diện cài sẵn.
Một điểm chán chường cố hữu khi dùng Android là 'không biết bao giờ điện thoại Android mình có bản nâng cấp mới nhất, và liệu nó có được cho nâng cấp?'
Và Android Oreo cũng không phải ngoại lệ, chỉ một vài dòng thiết bị 'con cưng' của Google như Pixel, Pixel XL, Nexus... và các sản phẩm trung - cao cấp mới ra mắt từ các hãng mới chạm tay được chiếc bánh kẹp này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận