Gan chế 500 enzym để giải độc chất lạ
Bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Hội Nam y Việt Nam, cho biết ngứa là sự biến dưỡng không hoàn chỉnh (dị ứng thức ăn, thức uống…), hoặc do gan suy yếu không hóa giải được các độc tố trong môi trường (bụi bặm, phấn hoa, con mạt ghẻ), ngộ độc thức ăn, thức uống, chất kích thích (thuốc lá, rượu).
Các bệnh về gan thường diễn tiến âm thầm, không có biểu hiện triệu chứng trừ khi tổn thương trầm trọng, vì thế khó phát hiện ở giai đoạn sớm.
Nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời các bệnh về gan sẽ dẫn đến suy chức năng gan nặng không hồi phục, xơ gan, ung thư gan và có thể tử vong.
Một số dấu hiệu có thể nhận biết suy giảm chức năng gan và cảnh báo bệnh gan đó là: Tăng cân hoặc giảm cân quá mức không giải thích được nguyên nhân; Rối loạn giấc ngủ, rối loạn trí nhớ, lơ mơ, hôn mê...;
Mệt mỏi thường xuyên; Mất sự ham muốn tình dục, suy giảm khả năng tình dục; Ngứa kéo dài và lan rộng. Ở giai đoạn nặng thường có các biểu hiện vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, đau bụng, nôn ói, chán ăn, ói ra máu, đi cầu phân đen hoặc có máu, bụng to bất thường.
Bác sĩ Quang cho biết hằng ngày, ở người bình thường, gan luôn chế tạo ra từ 50 - 200 enzym, thậm chí đến 500 enzym để thải độc đối với từng độc chất hay chất lạ xâm nhập vào cơ thể.
Thông thường khi bị dị ứng, ngứa ngáy nổi mề đay, thầy thuốc thường tìm nguyên nhân để tìm cách loại trừ và cho thuốc chống dị ứng hoặc nhuận gan, kích mật để giải độc cơ thể.
Trong cơ chế giải độc của gan có sự tiết mật để hóa giải chất lạ, cần biết về cơ chế giải độc gan mà điều chỉnh cho phù hợp.
Thực phẩm tự nhiên giúp gan thải độc
Chế độ ăn uống ảnh hưởng lớn đến việc điều tiết của gan. Cơ chế giải độc của gan gồm 2 pha và các pha đều cần dinh dưỡng của thực phẩm để hóa giải.
Theo đó, ở pha I khi các độc tố trong thực phẩm, môi trường, thuốc, sản phẩm biến dưỡng nửa chừng… sẽ được cytochrom P450 trong gan nhờ sự trợ giúp của nguyên tố đồng, magiê, kẽm, sinh tố C (cam, quýt, chanh), các hợp chất có lưu huỳnh trong các loại cải (cải bông, bải bắp, cải bẹ xanh, bẹ trắng), sinh tố nhóm B (rau quả tươi).
Đây là các chất trung gian giúp gan hoạt hóa các chất độc, nếu ăn uống thiếu các chất này thì cytochrom P450 không hoạt hóa được thì sẽ không giải độc gan được.
Ngoài ra, có nhiều chất ức chế pha I mà ta cần tránh đưa vào cơ thể như các thuốc nhóm bezodizepin, thuốc kháng histamin, thuốc kháng axit dạ dày, ketoconazol, sulfaphenazol, ớt, đinh hương và các độc tố trong thực phẩm.
Trong pha II, gan cần các hợp chất có lưu huỳnh trong các loại cải, cam, chanh, thì là, các axit amin thiết yếu (sữa bò, sữa đậu nành, trứng, cá, đậu phụ, vừng) sinh tố B12.
Ngoài ra, không để cơ thể bị cản pha II như thiếu sinh tố các loại, nhất là B2, B5, B9, C, khoáng vi lượng kẽm, selenium, molybden, thiếu axit amin thiết yếu (thịt, cá, trứng, sữa, đậu, vừng) và không nên dùng nhiều thuốc aspirin, paracetamol và các kháng viêm giảm đau không steroid khác.
Vì vậy, để phòng và chữa ngứa, giúp gan thải độc tốt nên có chế độ ăn phù hợp, không nên kiêng khem quá đáng khiến gan không thải độc được.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp: ít chất béo, tránh dư thừa chất đạm, chất ngọt, không nên ăn quá nhiều thức ăn chế biến theo kiểu chiên rán, nướng cháy khét, sử dụng nhiều gia vị, hóa chất...; Ăn nhiều ngũ cốc, rau xanh, trái cây tươi có chứa chất xơ;
Tránh xa các chất kích thích có chứa nồng độ cồn cao, nhất là rượu bia. Rượu bia chính là "kẻ thù" làm suy hại các chức năng gan; Tránh sử dụng các thực phẩm không an toàn (nhiều hóa chất, phẩm màu, thực phẩm nhiễm nấm mốc); Không tự ý sử dụng thuốc. Tốt nhất là thực hiện dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn hợp lý theo tháp dinh dưỡng đã được Bộ Y tế ban hành.
Cách giải độc gan đơn giản hằng ngày
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, nhấn mạnh gan đảm nhiệm rất nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, phải thường xuyên tiếp xúc với độc tố nên gan có nguy cơ cao bị tổn thương.
Cần thường xuyên thải độc gan để giúp gan đảm bảo hoạt động và tránh nguy cơ gặp phải nhiều loại bệnh lý nguy hiểm. Những cách thải độc gan rất đơn giản mà bạn có thể thực hiện hằng ngày gồm:
- Uống nước: Nước rất cần thiết đối với cơ thể, nếu cơ thể không được cung cấp đầy đủ nước thì gan sẽ không thể thực hiện chức năng thải độc một cách hiệu quả. Do đó, bổ sung 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày cũng là cách đơn giản để giúp gan thải độc tố.
Trường hợp hoạt động nhiều, tập luyện với cường độ cao hoặc thường xuyên phải di chuyển ngoài trời nắng thì cần uống nhiều nước hơn bình thường.
- Nước trà xanh: Trà xanh là loại đồ uống giúp thanh nhiệt và giải độc rất hiệu quả. Trong trà xanh còn hợp chất chống oxy hóa và có tác dụng hỗ trợ chức năng gan. Thời điểm uống trà xanh hợp lý nhất là khoảng 30 phút sau bữa ăn.
- Nước ép bưởi: Đây không chỉ là loại thức uống thơm ngon mà còn có chứa nhiều vitamin, chất xơ và các hợp chất chống oxy hóa. Nước ép bưởi chứa flavonoid có tác dụng thanh nhiệt, giải độc gan rất tốt.
- Đu đủ: Đu đủ là loại quả rất giàu dinh dưỡng cùng với các hợp chất chống oxy hóa trong đu đủ còn có thể ngăn chặn hoặc làm chậm sự tổn thương của các tế bào gan. Bên cạnh đó, đu đủ chứa enzyme papain và choline rất tốt cho quá trình tiêu hóa và hạn chế nguy cơ nhiễm độc gan.
Một số dấu hiệu cảnh báo gan đến lúc cần được thải độc tố:
- Da thường xuyên bị mẩn ngứa, nổi mề đay, khô: là những biểu hiện cảnh báo gan tích tụ độc tố lâu ngày.
- Vàng da: Những trường hợp mắc các bệnh về gan thường có biểu hiện vàng da và vàng mắt. Tùy tình trạng bệnh mà mỗi trường hợp sẽ thay đổi về da ở những mức độ khác nhau.
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu: là một biểu hiện cho cảnh báo tình trạng tổn thương men gan.
- Da bị nổi nhiều mụn: Khi gan có vấn đề và không thể đảm bảo hoàn thành chức năng giải độc, có thể gây phát độc tố ra bên ngoài khiến da nổi mụn. Nếu thấy mặt và lưng bỗng nhiên mọc nhiều mụn thì nên kiểm tra sức khỏe gan và đây cũng chính là thời điểm cần loại bỏ độc tố cho gan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận