19/11/2023 10:35 GMT+7

Ăn từ 'chái bếp hiên sau'

Những bữa trưa với nồi chuối hay bắp luộc bốc khói nghi ngút, những bữa tối 'ăn thêm' với hột mít lùi tro của trái mít chín mới xẻ ra, mấy củ khoai lang, khoai môn vùi trong than nóng...

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tôi gọi những bữa ăn như vậy là bữa của "chái bếp hiên sau", rôm rả và thòm thèm trong câu chuyện, tiếng cười, cả tiếng chí chóe giành nhau ăn của anh em chúng tôi, cùng tiếng la rầy mắng mỏ của má.

Nhà, có lẽ gộp từ những điều khó quên như thế, và cũng khó tìm lại như thế.

1. Món ăn của chái bếp hiên sau còn đáng nhớ với những bữa cơm cháy giòn rụm thơm lừng của cái nồi gang nấu trên bếp củi. Cơm cháy cứ vậy mà ăn không, hoặc "chơi sang" bằng cách quét thêm lớp mỡ heo béo ngậy trong thố mỡ má để trong tủ bếp, ngon rụng rời.

Cái đứa quản lý việc nấu cơm, chính vì vậy, sẽ luôn biết cách xếp than củi ra làm sao để có thể ra được món cơm cháy tráng đáy nồi không quá dày cũng không quá mỏng. Biết vùi củ khoai thế nào để lúc lấy ra khỏi bếp, chín đều mà không bị cháy thành than, biết chuối sống lúc nấu lên dẻo và ngon nhất là lúc đã phơi heo héo và ráo mủ.

Nhà tôi còn có kiểu ăn "thơm nước". Không hiểu xuất phát điểm của chuyện "thơm nước" này là ai đã khám phá, nhưng đó là khi những thứ bình thường như chuối già hương, khoai lang, khoai mì... đem quăng xuống ao qua đêm, rồi lại mò lên và... nấu. Nước ngấm vào khiến chúng có một mùi thơm lạ, bùi bùi, ngùi ngùi.

Mía cũng sẽ "thơm nước" nếu được ngâm như thế, rồi những trái ô môi chín, quăng xuống nước để "ăn dần" trong mùa ô môi. Nhiều lúc, khi ao được tát nước, anh em tôi lại mò được những trái ô môi, những cây mía bị bỏ quên, có thứ chẳng biết từ lúc nào, những bổ ra ăn vẫn còn ngon lắm.

Kể chuyện ăn, để nhớ lại những ngày tháng bận bịu xa xôi nọ. Lúc không đi học, chúng tôi ra đồng hay phải làm vườn, má cũng vậy, không lúc nào ngơi tay, vừa việc vườn vừa nuôi heo, gà, vịt. Nhưng với chuyện ăn, má vẫn dạy chúng tôi, hoặc chúng tôi cũng sẽ tự tìm ra một lý do "tài tử" để thưởng thức những món quê nghèo trong sự vừa nhã vừa tinh.

Tôi không hiểu mọi người đã bằng cách nào và lúc nào, bỏ hết phía bên ngoài bao nhiêu là mệt nhọc và vất vả lúc bước vào chái bếp.

Có thể là lúc nhìn thấy ai đó ngồi nhóm lửa nấu nồi cơm. Có thể là lúc nhìn thấy đám lọ nghẹ quẹt ngang quẹt dọc trên mặt, và miệng mấy đứa con nít ngồi xung quanh rổ chuối, rổ khoai đang nhồm nhoàm vừa nhai vừa xuýt xoa vì ai đó trúng miếng ớt cay trong chén muối ớt để cạnh bên.

Có thể là lúc mùi cá kho khô đang dậy lên, mùi canh rau đắng đất dù hết sức kìm nén mà vẫn không giấu được. Có thể là lúc lồm cồm bò dậy giấc ban trưa, nghe có mùi bánh lá mới hấp và mùi nước cốt dừa ngậy béo thơm hành đang sôi sùng sục bên cạnh.

Có thể là lúc ngồi trong chái bếp nhìn ra ngoài, thấy trời đang mưa, thấy cơn nắng đang đi qua, thấy buổi chiều đang trôi dần về tối, và thấy ai đó rũ áo phong sương, về ngang và ghé vào chái bếp, thắp ấm ngọn đèn, rồi lụi cụi giở cái chạn trong bếp lấy chén lấy đũa, bởi trên bàn ăn đã có sẵn cơm canh úp lại bằng chiếc lồng bàn, chờ đợi.

Món chuối cau luộc khi chuối còn sống, lột vỏ chấm muối ớt, đơn giản mà ngon một cách thân thương - Ảnh: MINH PHÚC

Món chuối cau luộc khi chuối còn sống, lột vỏ chấm muối ớt, đơn giản mà ngon một cách thân thương - Ảnh: MINH PHÚC

Thứ khiến cái bếp như là trái tim của mỗi căn nhà, tôi nghĩ bởi vì không chỗ nào khác ngoài bếp đã góp nhặt, chắt chiu, kết nối, thông hiểu, lưu giữ kỷ niệm và hạnh phúc riêng có của mỗi gia đình.
MINH PHÚC

2. Một bữa, tôi bỗng nhớ món chuối cau luộc chấm muối ớt, vậy là lật bật xách giỏ ra chợ, kiếm nải chuối còn sống. Công cuộc tìm kiếm nải chuối cau mới ráo mủ giữa chợ Sài Gòn hóa ra lại vất vả, hầu hết chuối đều đã được ủ để nhanh chín, chuối như vậy thì không nấu được, vì đã mềm từ trong ruột sẵn rồi.

Lúc tìm được nải chuối đúng ý, về luộc chín, giã thêm chén muối ớt bày giữa nhà, rủ con trai ăn cùng, thằng bé chỉ ngó qua rồi thôi.

Với những đứa trẻ gen Z như con trai tôi bây giờ, tôi không biết sau này xa nhà, nó sẽ nhớ gì? 

Có đặc trưng gì để cho nó ghi dấu, có món ăn nào nó sẽ khắc ghi, có mùi thơm nào của buổi trưa sau giờ ngủ dậy mà nó mãi nhớ không quên được?

Trong những món ăn đường phố theo trend của "thời con bây giờ", những món ăn sau lại làm mất đi món trước, có khiến cho nó sau này sẽ cảm động mỗi khi nhớ về?

Tôi tin chắc người ta chỉ có thể cảm động với bếp nhà mình. Dù thế hệ nào đi nữa, đến một lúc, ở một cái tuổi đủ để quay lại ký ức, chắc chắn trong ký ức cũng sẽ ghi dấu bếp nhà, món má nấu, mùi đặc trưng, thứ khiến người ta không thể lạc mất.

Thứ khiến cái bếp như là trái tim của mỗi căn nhà, tôi nghĩ bởi vì không chỗ nào khác ngoài bếp đã góp nhặt, chắt chiu, kết nối, thông hiểu, lưu giữ kỷ niệm và hạnh phúc riêng có của mỗi gia đình.

Có thể ở đó có cái ôm từ đằng sau của người chồng dành cho vợ khi đứng bên bếp lửa. Có thể là vẻ đẹp trong dáng người chồng xông xáo vào bếp nấu món bí kíp lấy lòng vợ con. Có thể đó là những cặp mắt lóng lánh vui của những đứa con đang chun mũi hít hà mùi thơm món quen chúng thích.

Bếp bé nhỏ chật chội hay thênh thang rộng rãi cũng sẽ đủ làm ra hạnh phúc, khi mỗi ngày lửa vẫn reo, tiếng lanh canh xoong nồi bát đũa vẫn vang lên cùng tiếng cười giòn.

Tôi nhớ chái bếp quê chiều cuối năm rừng rực lửa, nhớ nồi chả đùm tỏa mùi thơmTôi nhớ chái bếp quê chiều cuối năm rừng rực lửa, nhớ nồi chả đùm tỏa mùi thơm

TTO - Món này có vị ngọt của thịt heo, thịt bò, vị đậm thơm của bánh mì, vị béo của mỡ chài kết hợp sợi bún dai, nấm mèo mềm, hạt tiêu thơm dùng với bánh phồng tôm giòn rụm… Đó là món chả đùm trứng cút.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên