Phóng to |
Háo hức chờ những chiếc bánh muội của mẹ - Ảnh minh họa: Lê Bích |
Ngày trước khi mẹ còn khỏe, năm nào đến 28 tháng chạp nhà tôi cũng gói bánh chưng và đó thực sự là một ngày Tết sớm đối với lũ nhỏ chúng tôi. Quanh phản gỗ bày la liệt lá dong, lạt tre, đậu, gạo, thịt …là câu chuyện rủ rỉ của người lớn về những cái Tết Hà Nội xưa: Có các bà tôi ngồi gọt Thủy tiên chưng vào đĩa sứ Giang Tây, có ông tôi áo lam, áo thụng vào ra chùi rửa lư đồng, dựng nêu, vê pháo, viết liễn. Có những món ngon mà thời tiết trong Nam nắng nóng ăn không còn thích hợp như thịt đông, dưa hành…
Nhưng những câu chuyện miên man đó không hấp dẫn chúng tôi bằng việc háo hức chờ khi số bánh lớn đã gói xong, dư ít gạo đậu, bà và mẹ sẽ gói cho mỗi đứa một cái bánh chưng nhỏ xinh được gọi là bánh muội. Gói xong đứa nào tự làm dấu riêng đứa đó rồi lon ton theo bà, theo mẹ ra sau hè bắc nước nồi bánh.
Giờ bếp đỏ lửa gần như là giờ chung của cả xóm. Các bà các cô trải chiếu chơi lô tô canh bếp. Các ông, các anh xoay trần đánh vật với lư, đèn. Lũ con nít xúm đông đen đỏ bên bàn bầu cua chơi bằng hạt me làm mứt thải ra…xóm có 6 nhà mà như một, bánh chưng bánh tét mỗi nhà mỗi vẻ nhưng gần như không có bất kỳ sự ngăn cách nào.
Nửa đêm, bánh nhỏ chín trước, lũ chúng tôi le te cầm cây đũa xâu cái bánh chưng muội của mình chạy sang hàng xóm khoe bạn. Lũ bạn nhỏ cũng mỗi đứa cái bánh tét con mang ra đọ, ồn ào náo nhiệt khắp xóm .Cái dư vị ngọt ngào, hạnh phúc của tình thân lúc đó mãi còn đọng trong chúng tôi đến tận hôm nay.
Thế sự có nhiều đổi thay, dãy nhà 6 căn xưa giờ chỉ còn nhà tôi và chị đầu nhà. Gia đình mấy nhà giữa đã đi định cư ở nước ngoài nhiều năm. Song, không có một cái Tết nào trong những lá thư, tấm thiệp gởi về chúc Tết, các bác không nhắc về những cái Tết xa xưa. Cả các bạn tôi cũng vậy, chúng cũng ké vào mấy hàng hỏi thăm lũ nhỏ nhà chúng tôi nay có còn được bố mẹ gói cho bánh muội như chúng tôi ngày trước?
Và bao giờ trước câu hỏi đó chúng tôi cũng bần thần. Thời gian bây giờ hình như không đủ cho những tất bật có tên, không tên; cho những lễ lạt, giao tế ngoài xã hội mỗi khi Tết đến Xuân về, nên từ lâu, khi mẹ không khỏe, chúng tôi đã đặt bánh thay cho việc gói bánh với nhiều thứ vật dụng lắt nhắt, nhiêu khê.
Nghe hỏi để thấy cái nghịch lý, khi mỗi gia đình sống an khang hơn, no đủ hơn, khi các căn nhà giờ đã nâng cấp lên thành căn phố, thì tình thân xóm giềng dường như lại lạnh lẽo hơn. Cái hiên sau chung 6 căn ngày trước, giờ tấc đất tấc vàng nên cũng đã được tách bạch phân chia. Những chia sẻ xóm giềng ngày nào giờ chỉ còn trong những câu chuyện kể bắt đầu bằng hai tiếng “hồi đó…ngày xưa…”. Ngay cái bánh chưng muội, tuy nhỏ nhưng mỗi gói ghém của nó là mỗi lưu giữ ý nghĩa của tình đồng tộc, nghĩa gia đình còn mai một đi, thì thử hỏi, đến lúc nào, chái bếp hiên sau mỗi gia đình sẽ không còn là nơi con cháu nôn nao tìm về mỗi độ xuân sang nữa?
Hỏi cũng là trả lời và cũng là một nhắc nhở chính mỗi người về những tập tục tốt đẹp của ông bà mà ta phải giữ, như giữ cái hồn của mùa Xuân Việt cho con cháu mình ngày sau khỏi lênh đênh nguồn cội mà không rõ vì đâu, tự ai…
Cuộc thi Tùy bút Mùa xuân với chủ đề Xuân hạnh phúc do Tuổi Trẻ Online tổ chức sẽ chính thức nhận bài tham gia từ hôm nay cho đến hết ngày 18-2-2010 (mồng 5 Tết Canh Dần). Mỗi tác giả có quyền dự thi nhiều tác phẩm, mỗi tác phẩm dài khoảng 500-800 chữ. Bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, chưa từng được đăng tải ở bất cứ đâu, và có thể gửi kèm hình minh họa cho bài viết. Bài dự thi xin gửi về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn; tiêu đề ghi: Dự thi Tùy bút Xuân hạnh phúc, dưới bài viết vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ, số điện thoại liên lạc... để chúng tôi tiện liên hệ. Cuộc thi có tổng giải thưởng trị giá 25 triệu đồng, do công ty BHNT Prudential Việt Nam tài trợ, nằm trong khuôn khổ chương trình Online cùng Tết Việt (năm thứ bảy) dành cho bạn đọc Tuổi Trẻ trong dịp Tết 2010. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận