11/01/2020 22:17 GMT+7

Ăn tết, cảnh giác... sốc phản vệ

TS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)
TS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)

TTO - Dị ứng thức ăn, sốc phản vệ do thức ăn có thể gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn. Các thực phẩm thường gây dị ứng gồm protein sữa bò, trứng, hải sản, thịt các loại, đậu hạt, đậu nành.

Ăn tết, cảnh giác... sốc phản vệ - Ảnh 1.

Một ca sốc phản vệ do thức ăn được điều trị tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sốc phản vệ là một tình trạng phản ứng nhanh và quá mức của hệ miễn dịch với một chất lạ đưa vào cơ thể, gọi là dị nguyên, dẫn đến hàng loạt các biểu hiện tại da, niêm, đường hô hấp, tim mạch và tiêu hóa, có thể gây tử vong.

Triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm: da ngứa, đỏ, nổi mề đay toàn thân, sưng môi, sưng mí mắt, chảy nước mũi, buồn nôn, nôn ói, khó thở, co thắt phế quản, tụt huyết áp.

Dị ứng 3-6 năm hoặc cả đời

Sốc phản vệ với thức ăn là một trong những biểu hiện nặng, nhanh (thường trong vòng vài phút) của dị ứng với thức ăn cần xử lý cấp cứu, nếu không có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, bệnh có tỉ lệ mắc cực kỳ hiếm. 

Trong lĩnh vực dị ứng, dị ứng thức ăn được chia làm 2 loại, loại nhanh hay qua trung gian IgE (sốc phản vệ) và loại chậm không qua trung gian IgE. 

Loại không qua trung gian IgE thường ít nguy hiểm hơn, khởi phát muộn hơn sau khi ăn, thường phải hơn 2 giờ và có thể xuất hiện muộn đến một vài ngày sau ăn. Biểu hiện của dị ứng muộn là ngứa, mề đay, chàm, trào ngược dạ dày thực quản, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, có đàm nhầy, máu trong phân, biếng ăn, khóc dạ đề ở trẻ em. 

Dị ứng thức ăn nói chung thường gặp ở trẻ em, nhưng vẫn không loại trừ ở người lớn. Các thực phẩm thường gây dị ứng bao gồm: protein sữa bò, trứng, hải sản, thịt các loại, đậu hạt, đậu nành.

Ở các nước phương Tây thường dị ứng với đậu phộng và đậu hạt, còn ở các nước châu Á thường dị ứng với protein sữa bò, các loại hản sản có vỏ và cá. Một số dị ứng ở trẻ em có thể hết khi trẻ lên 3-6 tuổi, nhưng một số loại dị ứng kéo dài cả đời.

Coi chừng nhầm lẫn với không dung nạp thức ăn

Một vấn đề dễ gây nhầm lẫn và không phải dị ứng thức ăn là bất dung nạp với thức ăn (food intolerance). Hiện tượng này không thông qua cơ chế miễn dịch mà chủ yếu là do cơ thể không tiêu hóa được, hoặc không dung nạp được một số loại thức ăn do cơ địa, ví dụ như tiêu chảy do thiếu men lactase để tiêu hóa sữa, kém hấp thu chất béo, tim đập nhanh khi uống cà phê, hay đầy bụng khó tiêu khi ăn nhiều chất xơ, thực phẩm có nhiều gia vị nặng…

Tỉ lệ dị ứng thực sự ít nhưng tỉ lệ không dung nạp với thực phẩm tùy theo cơ địa thì nhiều, do đó cần phải được chuyên khoa khám và chẩn đoán chính xác để tránh ngộ nhận và kiêng cử không cần thiết, đặc biệt là ở trẻ em (gây thiếu chất và chậm lớn do kiêng cử quá mức).

Để chẩn đoán dị ứng thức ăn, bác sĩ tùy theo trường hợp mà chỉ định cho người bệnh thử máu tìm kháng thể IgE, hoặc làm test lẩy da (tiêm một ít dị nguyên vào da để xem phản ứng), hoặc làm test loại trừ và thử lại (loại trừ hết thực phẩm nghi ngờ trong chế độ ăn trong 2-4 tuần rồi sau đó cho ăn lại để xem phản ứng, chỉ áp dụng với các loại dị ứng không sốc phản vệ và làm tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn).

Phương pháp điều trị duy nhất với dị ứng thức ăn là loại bỏ toàn bộ thức ăn có chứa chất đó trong khẩu phần ăn. Ở trẻ em và với một số loại dị ứng có thể hết khi lớn lên thì bác sĩ sẽ định kỳ cho thử lại thực phẩm (trong môi trường bệnh viện) để xem có hết dị ứng chưa. 

Ở những trường hợp nặng có sốc phản vệ, nguy cơ sốc phản vệ tái phát lần sau khi ăn lại đúng thức ăn đó nguy hiểm hơn lần trước. Do đó ở những trường hợp sốc phản vệ, người bệnh và người nhà phải tìm hiểu kỹ để nhận biết thực phẩm và nguyên liệu từ thực phẩm đó dùng làm thức ăn để phòng tránh tuyệt đối. 

Ngoài ra bác sĩ thường kê đơn cho người bệnh một dụng cụ tiêm thuốc điều trị khẩn cấp để xử trí ban đầu khi có biểu hiện nghi ngờ sốc phản vệ và sau đó đưa vào cơ sở y tế. Ở những người có nghi ngờ biểu hiện sốc phản vệ mà quá xa bệnh viện, có thể cấp cứu tại các phòng khám vì theo quy định, các phòng khám thường có trang bị bộ chống sốc.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, những người có cơ địa dị ứng nên hạn chế thử nghiệm các thực phẩm lạ chưa từng ăn bao giờ như một số loại hản sản biển, ốc, nhộng, tầm, dế, ve, cóc, rắn, thịt chuột, thịt chó, các loại trái cây, đậu hạt lạ tại địa phương… Đặc biệt là trong những dịp đi về quê, đi du lịch, đi chơi xa không có cơ sở y tế gần đó.

Trong y học, ngoài thức ăn thì sốc phản vệ còn gặp với thuốc. Các thuốc có thể gây sốc phản vệ như kháng sinh, văcxin, thuốc gây mê, dịch truyền. Đó là lý do tại sau đối với một số kháng sinh và văcxin, nhân viên y tế phải test ở da trước rồi mới tiêm cho người bệnh hoặc là trong quy trình tiêm chủng đều có quy định người bệnh phải ở lại nơi tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm để theo dõi phản ứng.

Một công nhân bị sốc phản vệ nặng khi ăn cá ngừ Một công nhân bị sốc phản vệ nặng khi ăn cá ngừ

TTO - Ngày 22-5, BSCK1 Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy bệnh viện này mới tiếp nhận một nữ công nhân, 25 tuổi, ở Đồng Nai bị sốc phản vệ nguy kịch, tổn thương phổi nặng.

TS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên