04/01/2022 11:00 GMT+7

An Giang, Đồng Tháp kêu thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cát, cần tìm vật liệu thay thế

BỬU ĐẤU
BỬU ĐẤU

TTO - Ngành chức năng 2 tỉnh Đồng Tháp, An Giang thừa nhận nguồn cát đang khan hiếm nên có tình trạng tăng giá, khả năng thiếu hụt cát nghiêm trọng trong năm 2022. Hai tỉnh này cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm tìm vật liệu thay thế.

An Giang, Đồng Tháp kêu thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cát, cần tìm vật liệu thay thế - Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan sớm tìm vật liệu thay thế, vì cát đang khan hiếm trầm trọng - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ngày 4-1, ông Huỳnh Văn Nguyên - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Tháp - cho biết năm 2021, Đồng Tháp đã cấp 15 giấy phép khai thác khoáng sản (cát sông). Trong đó, Công ty cổ phần Xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp có 14 giấy phép. Tổng công suất khai thác trên 4,2 triệu m3 cát.

"Trong năm 2022, Đồng Tháp cần 16 triệu m3 cát (chủ yếu là cát san lắp) để phục vụ xây dựng các công trình trong tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi rà soát hết các giấy phép thì trữ lượng khai thác tối đa hơn 6 triệu m3 cát. Kiểu này là năm 2022 thiếu cát san lắp và xây dựng trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu trong tỉnh", ông Nguyên nói.

Theo Sở Xây dựng Đồng Tháp, giai đoạn 2022-2025, Đồng Tháp cần trên 37 triệu m3 cát san lấp và xây dựng trong các công trình trên địa bàn tỉnh. 

"Hiện nay, các tỉnh trong khu vực đã dừng hoặc giảm sản lượng khai thác như tỉnh Long An, Tiền Giang. Do đó, nguồn cát phục vụ san lấp chủ yếu do các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang cung cấp. Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các bộ, ngành có liên quan sớm nghiên cứu tìm nguồn vật liệu khác có thể từng bước thay thế cát", ông Nguyên đề nghị.

An Giang, Đồng Tháp kêu thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cát, cần tìm vật liệu thay thế - Ảnh 2.

Cát khan hiếm, tăng giá khiến doanh nghiệp xây dựng khốn khổ. Trong ảnh là sà lan chở cát san lắp trên sông Tiền thuộc địa bàn huyện Thanh Bình, Đồng Tháp - Ảnh: BỬU ĐẤU

Còn đại diện Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang cho biết năm 2022 có 7 doanh nghiệp của tỉnh này được cấp phép khai thác khoáng sản tại 8 khu mỏ, trữ lượng ước đạt khoảng 5,3 triệu m3 cát. Với số lượng này, cơ bản phục vụ các công trình trong tỉnh, khó còn dư để bán ra ngoài tỉnh.

Trước đó, ông Trần Thanh Vũ - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang - ký công văn gửi Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh "về nhu cầu nguồn cát cho các dự án xây dựng năm 2021, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh". 

Theo đó, nhu cầu sử dụng cát cho các dự án xây dựng đến năm 2025 trên 15,3 triệu m3 cát (chưa kể huyện An Phú, Châu Phú và thị xã Tân Châu - PV). Trong đó, cát san lấp trên 14,4 triệu m3 và cát xây dựng gần 944.000m3. Riêng năm 2022, cát san lấp cần trên 4,2 triệu m3 và cát xây dựng trên 405.000m3

Về đơn giá cát, đề nghị các sở, ngành kiểm tra việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá các vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

"Đơn giá cát thực tế cao nhiều hơn so với đơn giá kê khai của Sở Tài chính và thông báo giá Sở Xây dựng An Giang, cũng như giá thẩm duyệt dự toán. Nguồn cát khan hiếm, sản lượng khai thác không kịp", văn bản nêu.

Dự án Dự án 'đứng ngồi không yên' vì giá cát lại tăng chóng mặt

TTO - Giá cát san lấp, xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng mạnh, khiến doanh nghiệp xây dựng khốn khổ, còn chủ vật liệu xây dựng cũng không mua được cát để cung cấp cho khách hàng.

BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên