01/09/2017 16:00 GMT+7

Khan hiếm cát xây dựng, nhiều nước dừng xuất khẩu

Đ.K.L
Đ.K.L

TTO - Cát xây dựng đang khá khan hiếm tại Việt Nam khiến giá cát tăng cao trong những ngày gần đây. Việt Nam cũng đang đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu vật liệu thay thế, vậy thị trường cát trên thế giới thế nào?

Khan hiếm cát xây dựng, nhiều nước dừng xuất khẩu - Ảnh 1.

Những công nhân Ấn Độ tại một mỏ khai thác cát - Ảnh: AP

Sydney Morning Herald dẫn số liệu từ Liên Hiệp Quốc cho biết mỗi năm con người sử dụng hơn 40 tỉ tấn cát sỏi, trị giá 70 tỉ USD. Nếu tính luôn thị trường chợ đen, con số này còn cao hơn rất nhiều.

Nơi nơi khai thác cát

Vấn nạn khai thác cát đang là đề tài nhức nhối trên khắp thế giới, từ Mỹ cho tới Trung Quốc, châu Âu hay châu Á. Hầu như tất cả các nước trên thế giới đều đang đối mặt với vấn nạn khai thác cát.

Những bãi biển tại California vẫn đang bị xói mòn dù cho chính phủ Mỹ đóng cửa hầu hết nhà máy khai thác cát tại đây từ những năm 80 thế kỷ trước. Đến năm 2020, nhà máy cát cuối cùng tại bờ biển California sẽ chính thức đóng cửa.

Theo tờ Guardian, mỏ cát lớn nhất thế giới hiện nay là hồ Poyang, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Sau khi có lệnh cấm khai thác cát trên sông Dương Tử, hồ Poyang trở thành mỏ cung cấp cát chính của Trung Quốc. Với việc khai thác quá mức, mực nước tại hồ Poyang đã giảm và nhiều khu vực trơ đáy.

Hơn chục hòn đảo tại Indonesia đã biến mất để lấy cát bán cho Singapore, quốc gia sử dụng cát nhiều nhất thế giới - bên cạnh UAE, Qatar… để mở đất.

Rất nhiều bãi biển tại Morocco hay những quốc gia trong khu vực Caribe bị khai thác dẫn tới hiện tượng xói mòn nên bãi biển mất khả năng chống chọi với những cơn cuồng phong.

Điều nghịch lý tại Morocco là người ta dùng cát ở những bãi biển để xây khách sạn cho những du khách đến đây với mục đích chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của những bãi biển.

Nhưng không đâu tình trạng khai thác cát lại nhiều và hỗn loạn như tại Ấn Độ. Tại đất nước này, cát được gọi là ‘Vàng Ấn Độ’.

Cát đóng vai trò then chốt trong công nghiệp xây dựng tại Ấn Độ với dự đoán ngành xây dựng của nước này sẽ lọt vào top 3 thế giới trong tương lai không xa.

Mỗi năm, ngành khai thác cát tại Ấn Độ đem về công ăn việc làm cho 35 triệu người. Hầu hết cát khai thác tại Ấn Độ không xuất khẩu mà được dùng trong ngành xây dựng của chính nước này.

Tại Ấn Độ, có những băng nhóm chuyên bảo kê để khai thác cát lậu. Cuộc chiến giữa các băng nhóm này đang là một vấn nạn tại quốc gia này. Mỗi năm hàng trăm người chết trong các cuộc thanh toán giữa những băng nhóm cát tặc.

Tờ Guardian cho biết khai thác cát khiến một cây cầu ở Đài Loan sập trong năm 2000. Năm 2001, tại Bồ Đào Nha cũng vì khai thác cát khiến móng yếu nên khi một xe buýt chạy ngang làm sập cầu, khiến 26 người chết.

Với những hệ lụy từ môi trường, Malaysia, Indonesia đã có lệnh dừng xuất khẩu cát. Mới đây, Campuchia cũng ra lệnh cấm tương tự. Tại Bắc Ireland, những nhà hoạt động môi trường đang cố gắng vận động để dừng khai thác cát ở một vườn chim quốc gia.

Trái đất không kịp tái tạo cát

Khan hiếm cát xây dựng, nhiều nước dừng xuất khẩu - Ảnh 2.

Một đoàn người biểu tình chống khai thác cát ở California, Mỹ - Ảnh: GUARDIAN

Thế giới đang trong một vòng xoáy của cát. Singapore mua cát của những nước láng giềng. Toàn bộ cát để xây tòa nhà chọc trời Burj Khalifa tại Dubai, UAE đều được nhập từ Úc. Ước tính hơn phân nửa cát xây dựng tại Morocco được mua từ thị trường khai thác lậu.

Nhiều người nghĩ tới cái ‘kho sa mạc’ với hằng tỉ tỉ tấn cát nhưng sự thật là cấu trúc hạt cát ở sa mạc quá tròn, thiếu độ kết dính do đó không thể sử dụng trong ngành xây dựng.

Ngoài Singapore liên tục mua cát để mở rộng đất, một số đảo quốc khác cũng buộc phải dùng cát để chống chọi với hiện tượng nước biển dâng lên. Đảo quốc Maldives tại Ấn Độ Dương buộc phải lấy cát ở những đảo nhỏ hoặc dưới biển để đắp cho những đảo lớn.

Cùng với đó, tốc độ xây dựng chóng mặt tại Ấn Độ và Trung Quốc khiến châu Á đang là nơi tiêu thụ cát nhiều nhất thế giới, chiếm gần 70% tổng lượng cát khai thác toàn cầu. Trong giai đoạn 2011-2015, tờ Economist cho biết Trung Quốc đã xây 32,3 triệu căn nhà và 4,5 triệu km đường.

Tính trung bình, mỗi năm một người trên thế giới sử dụng 7,5 tấn cát. Trong khi đó, ước tính trong vòng 12 tháng, trái đất chỉ sản sinh ra được trên dưới 12,6 tỉ tấn cát. Tính ra, con người đang sử dụng cát với tốc độ nhanh gấp 4 lần so với khả năng sản sinh của trái đất.

Năm 2014, Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) xuất bản sách nhan đề ‘Cát hiếm hơn người ta tưởng’ trong chương trình Cảnh báo môi trường toàn cầu. Các tác giả khẳng định hiện nay cát đang được khai thác với tốc độ nhanh hơn khả năng tái tạo của trái đất.

Đ.K.L
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên