11/04/2021 13:04 GMT+7

Cát khan hiếm, sà lan đậu khắp sông Tiền khiến doanh nghiệp khốn khổ

BỬU ĐẤU - MẬU TRƯỜNG
BỬU ĐẤU - MẬU TRƯỜNG

TTO - Hàng trăm sà lan neo đậu khắp sông Tiền đoạn xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang cả tháng nay chờ lấy cát. Giá cát đang lên từng ngày, khiến nhiều doanh nghiệp khốn khổ và “đứng ngồi không yên” vì dự án chậm tiến độ.

Cát khan hiếm, sà lan đậu khắp sông Tiền khiến doanh nghiệp khốn khổ - Ảnh 1.

Hàng trăm sà lan neo đậu dày đặc trên sông Tiền ở khu vực cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang nhiều ngày qua chờ đợi lấy cát - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ngày 11-4, Tuổi Trẻ Online đã trở lại đầu nguồn sông Tiền - nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và bên kia là nước bạn Campuchia. Toàn khu vực chiều dài hơn 1,5km nhưng có mấy trăm sà lan neo đậu ở hai bên An Giang và Đồng Tháp chờ đợi lấy cát.

Thấy chúng tôi dạo quanh bờ kè sông Tiền, anh H., người dân ở ven sông Tiền, nói: "Mấy anh lại đây chắc tìm mua cát chứ gì. Bây giờ khu vực này sà lan nào cũng chờ lấy cát. Muốn lấy cát phải tốn vài triệu đồng, thông qua “cò" sẽ có trước một tuần lễ, còn không cứ để sà lan nằm chờ đó vài tuần lễ mới có".

Cát khan hiếm, sà lan đậu khắp sông Tiền khiến doanh nghiệp khốn khổ - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp khẳng định nếu cát khan hiếm và không ưu tiên cho doanh nghiệp trong tỉnh An Giang thì nhiều công trình, dự án sẽ chậm tiến độ - Ảnh: BỬU ĐẤU

Được nhóm người dân giới thiệu một "cò" có tiếng ở khu vực xã Vĩnh Xương, chúng tôi liên hệ qua số điện thoại của anh D., ngỏ ý nhờ mua nhanh để lấy cát về tỉnh Bến Tre thì anh D. nói: "Bây giờ cát khan hiếm lắm anh. Với lại, tụi em chỉ "nhận giúp đỡ người quen", không giúp được người lạ. Cái này do các xáng cạp dặn tụi em vậy" - vừa nói xong anh D. cúp máy.

Nói về việc này, ông Nguyễn Văn T. - giám đốc một doanh nghiệp chuyên về xây dựng và cầu đường ở TP Long Xuyên - cho biết hơn cả tháng nay lượng cát khan hiếm khiến việc thi công các công trình cầu, đường của đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Cận cảnh sà lan nằm chờ lấy cát và khai thác cát trên sông Tiền ở cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang giáp với huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - Video: BỬU ĐẤU

"Chúng tôi thi công nhiều công trình trọng điểm của tỉnh An Giang mà mua cát phải chầu chực rất mệt mỏi. Có khi gần 2 tuần mới mua được sà lan cát 500 tấn. Giá cát cũng được họ thổi lên 95.000 đồng/khối cát san lấp, thay vì lúc trước chỉ 60.000 đồng/khối. Bây giờ có tiền không thể mua được cát nhanh chóng đâu. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc tụi tui phải chậm tiến độ thi công" - ông T. nói thêm.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang cung cấp, toàn tỉnh An Giang có 9 doanh nghiệp đang khai thác cát trên sông Tiền và sông Hậu. Tổng sản lượng khai thác cát khoảng 1,6 triệu khối, ước doanh thu thuế, phí gần 85 tỉ đồng trong năm 2021.

Cát khan hiếm, sà lan đậu khắp sông Tiền khiến doanh nghiệp khốn khổ - Ảnh 4.

Một sà lan nhận cát trên sông Tiền sau khi nằm chờ hơn 10 ngày - Ảnh: BỬU ĐẤU

Khoảng 4 năm qua, các tỉnh ở hạ nguồn sông Mekong như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh... đã hạn chế cấp phép khai thác cát sông. Cá biệt như tỉnh Tiền Giang, 5 năm qua tỉnh này không có mỏ cát.

Nguyên nhân được đưa ra nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trên sông cũng như ngăn ngừa sạt lở bờ sông rạch, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.

Trước đó, tỉnh Tiền Giang là địa bàn nóng về tình trạng khai thác cát lậu, kéo theo là tình trạng sạt lở. Tiền Giang có hai con sông lớn chảy qua địa bàn là sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Theo khảo sát, toàn tỉnh có 33 mỏ cát với diện tích 1.633ha và trữ lượng khai thác trên 37,8 triệu m3.

Cát khan hiếm, sà lan đậu khắp sông Tiền khiến doanh nghiệp khốn khổ - Ảnh 5.

Một xáng cạp tận dụng cát san lấp trong quá trình nạo vét bến phà tạm Rạch Miễu - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Còn tại Bến Tre - địa phương tứ bề giáp sông, giáp biển - cũng từng có tới trên 10 điểm nóng về "cát tặc". Thời điểm 2016-2017, Công an tỉnh Bến Tre từng xác định toàn tỉnh hình thành 15 điểm nóng về "cát tặc" trên các tuyến sông Cổ Chiên, Hàm Luông và sông Tiền, gây sạt lở bờ sông và ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Dù trong giai đoạn đó trên toàn tỉnh có 3 mỏ cát đang hoạt động nhưng nhiều tàu, ghe cát vẫn lén lút đi hút cát trộm trên sông để bán. Người dân đã tự lập ra các tổ, nhóm người để chống chọi với "cát tặc", bảo vệ đất đai, nhà cửa của họ.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bến Tre, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ còn 1 mỏ đang được phép hoạt động thông qua hình thức đấu thầu.

Đấu thầu mỏ cát 7,2 tỉ, bỏ giá 'khủng' 2.811 tỉ để làm gì? Đấu thầu mỏ cát 7,2 tỉ, bỏ giá "khủng" 2.811 tỉ để làm gì?

TTO - Mấy ngày nay, dư luận xôn xao chuyện chính quyền tỉnh An Giang đưa ra đấu giá 2 mỏ cát sông Tiền, sông Hậu có được giá "khủng" nhất từ trước đến nay: đấu thầu ban đầu chỉ 7,2 tỉ đồng nhưng được doanh nghiệp bỏ giá lên đến 2.811 tỉ đồng!

BỬU ĐẤU - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên