11/04/2021 10:54 GMT+7

Đấu thầu mỏ cát 7,2 tỉ, bỏ giá "khủng" 2.811 tỉ để làm gì?

B.ĐẤU - H.T.DŨNG
B.ĐẤU - H.T.DŨNG

TTO - Mấy ngày nay dư luận xôn xao chuyện chính quyền tỉnh An Giang đưa ra đấu giá 2 mỏ cát sông Tiền, sông Hậu có được giá "khủng" nhất từ trước đến nay: đấu thầu ban đầu chỉ 7,2 tỉ đồng nhưng được doanh nghiệp bỏ giá lên đến 2.811 tỉ đồng!

Đấu thầu mỏ cát 7,2 tỉ, bỏ giá khủng 2.811 tỉ để làm gì? - Ảnh 1.

Khu vực mỏ cát sông Tiền ở xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới trúng giá đấu thầu với số tiền hơn 2.811 tỉ đồng - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tại sao lại có chuyện lạ lùng này?

Cuộc đại chiến đấu thầu cát

Ngày 10-4, ông Bùi Văn On - phó giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (thị xã Tân Châu, An Giang) - cho hay cuộc đấu giá đã quy tụ các doanh nghiệp "có máu mặt" đến từ An Giang, Đồng Tháp... và TP.HCM.

Công ty ông từng trúng đấu giá mỏ cát Khánh Hòa, huyện Châu Phú (An Giang) với giá gần 273 tỉ đồng. "Hôm đấu giá ở mỏ cát Khánh Hòa có 16 doanh nghiệp tham gia.

Tôi đấu giá với mức trên nhằm tạo công ăn việc làm cho các anh em công nhân. Vì hiện tại tôi có 8 xáng cạp mà mấy tháng nay không có gì làm cũng tội nghiệp cho anh em" - ông On nói.

Cuộc đấu giá 2 mỏ cát trên sông Tiền tại xã Bình Phước Xuân có 19 doanh nghiệp tham gia. "Bữa đó tôi cũng "đu theo", trả giá được 1.400 tỉ đồng, nhưng thấy nhóm doanh nghiệp ở TP.HCM trả giá tăng cao quá nên tôi đành bỏ cuộc. Họ bỏ giá tới 2.811 tỉ đồng thì không thể có lời được. Vì tôi tạm tính giá cát 300.000 đồng/m3 nhân với khối lượng gần 2,5 triệu m3 cát đó không thể cao hơn 2.000 tỉ đồng" - ông On khẳng định.

Cùng tham gia đấu giá 2 mỏ cát, ông Lê Hữu Phước - giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Lê Quang - cũng cho biết đến giờ này ông vẫn còn cảm thấy sốc khi mỏ cát trên sông Tiền ở Bình Phước Xuân được bỏ giá "trên trời" như vậy.

Ông Phước cho hay công ty ông có tham gia đấu giá quyền khai thác tại mỏ cát trên sông Tiền với giá 120 tỉ đồng, còn mỏ cát sông Hậu được ông ra giá 100 tỉ đồng nhưng thấy các doanh nghiệp khác trả giá cao quá nên ông rút luôn.

"Tôi cho rằng với giá cát hiện tại thì mỏ cát sông Tiền có giá 100 tỉ đã lỗ vốn rồi. Còn doanh nghiệp bỏ giá quá cao và trúng thầu như vậy thì có thể còn có mục đích, dự tính gì khác nữa chăng. Chẳng hạn như sử dụng quyết định trúng thầu này để đấu thầu các công trình xây dựng khác" - ông Phước nói.

Nhằm tìm hiểu rõ thêm thông tin, PV Tuổi Trẻ đã nhiều lần gọi vào số điện thoại của ông Hồ Quang Thái Dũng - giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home (quận 7, TP.HCM, đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền với giá 2.811 tỉ đồng) nhưng không liên lạc được.

Tiền đấu giá chỉ là cấp quyền "đứng chân"

Ông Nguyễn Việt Trí, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang, cho biết lần đấu giá này các doanh nghiệp tham gia đấu giá đều có năng lực tài chính, chuyên môn. Hai doanh nghiệp trả giá cao nhất - hơn 2.000 tỉ đồng cho mỏ cát trên sông Tiền đều có trụ sở tại TP.HCM. Sau đó một doanh nghiệp đã thắng với giá 2.811 tỉ đồng.

"Sở dĩ mỏ cát trên có giá khởi điểm đấu thầu là 7,2 tỉ đồng vì chúng tôi làm theo đúng nghị định 158 của Chính phủ.

Tôi nghĩ doanh nghiệp ở TP.HCM có thể họ chưa tìm hiểu kỹ. Bởi muốn lấy được quyết định trúng đấu giá phải nộp lần đầu 145 tỉ đồng đối với mỏ cát sông Tiền, các năm tiếp theo doanh nghiệp phải nộp trên 500 tỉ đồng.

Và doanh nghiệp trúng đấu giá chỉ được khai thác mỏ cát không quá 5 năm. Luật khoáng sản quy định doanh nghiệp phải nộp hết số tiền đấu giá trước 1/2 thời gian khai thác" - ông Trí giải thích.

Nói thêm về vấn đề trên, ông Bùi Văn On (đã làm nghề khai thác cát hơn 10 năm) khẳng định mấy ngày nay, nhiều người đang hiểu lầm số tiền đấu giá là tiền mua mỏ cát nhưng thực chất chỉ là tiền "cấp quyền khai thác khoáng sản".

Điều đó có nghĩa đơn vị trúng thầu chỉ được cấp phép đưa phương tiện xáng cạp, máy múc tới khu vực mỏ cát để hoạt động. Còn khi nào lấy cát lên bao nhiêu sẽ phải nộp các loại thuế như: thuế tài nguyên 15% giá trị cát; thuế GTGT 10%/giá trị; phí bảo vệ môi trường 4.000 đồng/m3.

"Không phải số tiền hàng ngàn tỉ đó là để mua mỏ cát đâu mà chỉ là tiền để "đứng chân tại đó" khai thác cát trong khoảng thời gian và các loại phí, thuế theo quy định. Do đó tôi nghĩ doanh nghiệp đã trúng thầu đối với mỏ cát trên sông Tiền không thể thực hiện khai thác được" - ông On nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Việt Trí cho biết không có chuyện doanh nghiệp trúng đấu giá rồi muốn làm gì thì làm. Các doanh nghiệp trúng đấu giá trong vòng 1 năm phải hoàn tất hồ sơ và đóng tiền lần đầu. "Đấu giá thì hét lên số tiền lớn như thế, nhưng chỉ sợ không đi đến đâu thì làm mất thời gian của tỉnh" - ông Trí nói thêm.

Giá ban đầu đấu thầu hai mỏ cát là 11,6 tỉ trở thành 3.084 tỉ đồng

Theo thông báo của Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang, mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được mời đấu giá khởi điểm là hơn 7,2 tỉ đồng.

Sau đó có 19 doanh nghiệp tham gia đấu giá. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.HOME với số tiền trên 2.811 tỉ đồng. Mỏ cát này có diện tích 60,3ha; mức sâu khai thác dự kiến: -16m và trữ lượng ước tính trên 2.372.500m3.

Còn mỏ cát trên sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú giáp với xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang có giá khởi điểm 4,4 tỉ đồng. Có 16 doanh nghiệp tham gia đấu giá. Kết thúc đấu giá, Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu thắng với mức giá gần 273 tỉ đồng.

Đấu giá mỏ cát sông Tiền, bạn đọc Tuổi Trẻ Online: Đấu giá mỏ cát sông Tiền, bạn đọc Tuổi Trẻ Online: 'Không thể tin được'!

TTO - "Không thể tin được" là nhận xét chung của nhiều bạn đọc về thông tin mỏ cát trên sông Tiền (tỉnh An Giang) được một công ty ở TP.HCM mua với giá hơn 2.811 tỉ đồng qua đấu giá, trong khi giá khởi điểm chỉ 7,2 tỉ đồng.

B.ĐẤU - H.T.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: mỏ cát đấu thầu